Quyền lực của Lời Đức Chúa Trời đối với gia đình Ấn Độ giáo
Tôi không bao giờ quên bữa điểm tâm ngày 22-8-2005. Mạng sống tôi đang lâm nguy vì một khối u lớn trên não. Sau khi chồng tôi là anh Krishna dâng lời cầu nguyện, tôi nói chuyện với gia đình.
Tôi giải thích: “Tôi sắp vào bệnh viện để trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị tinh thần cho bất cứ điều gì có thể xảy ra. Tôi đã sắp đặt mọi việc cho đám tang của mình, nếu cần. Đối với những người đang thờ phượng Đức Giê-hô-va, xin đừng bỏ cuộc. Còn những người khác, tôi tha thiết nài xin hãy tìm hiểu Kinh Thánh và đến dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Nếu làm thế, chúng ta mới có thể cùng thờ phượng Đức Chúa Trời trong thế giới mới sắp đến. Lúc đó, trái đất thành địa đàng và những người thờ phượng chân chính của ngài sẽ sống mãi mãi với tình trạng sức khỏe hoàn hảo”.
Trước khi giải thích kết quả của ca phẫu thuật, hãy để tôi kể về cuộc đời mình, và làm thế nào tôi biết được Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Lớn lên trong gia đình Ấn Độ giáo
Gia đình tôi sống trong một tòa nhà lớn được xây bằng gỗ và sắt, trên một ngọn đồi thuộc thành phố duyên hải Durban, Nam Phi. Từ con đường chính ở thung lũng bên dưới, chúng tôi phải bước lên 125 bậc để đến cổng trước của ngôi nhà. Những bậc thềm này dẫn tới con đường mòn ngắn, có nhiều bụi rậm dọc hai bên, dẫn đến cánh cổng sắt. Miếu thờ của bà nội tôi nằm bên hông cổng này, trong đó có nhiều tranh và tượng của các thần. Bà nội nói tôi là “con của đền thờ” (mandir kī baccā, trong tiếng Hindi) vì nhờ các thần mà gia đình tôi đang thờ phượng nên tôi mới được sinh ra. Tại đó có cầu thang đỏ bóng láng dẫn đến cửa chính. Ngôi nhà rộng có hành lang dài, nhà bếp lớn với bếp nấu ăn bằng than, bảy phòng ngủ và kế bên tòa nhà có một phòng ngủ. Các thành viên trong nhà gồm 27 người, trong đó có ông bà nội, bố tôi, ba em trai của bố, cô em gái út cùng với các gia đình của họ.
Chăm sóc cho gia đình lớn thể ấy không phải là dễ. Nhờ sống chung với nhau nên gia đình gắn bó và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bốn người con dâu, trong đó có mẹ tôi tên là Gargee Devi, chia nhau quán xuyến việc nhà. Họ thay phiên dọn dẹp và nấu ăn. Ông nội tôi là chủ gia đình, và ông là người mua thực phẩm cho cả nhà. Mỗi thứ tư, ông bà nội đi chợ mua thịt, trái cây và rau củ cho cả tuần. Trong khi chờ ông bà đi chợ về, chúng tôi thường ngồi dưới bóng râm cây thông, từ đây có thể nhìn xuống thung lũng bên dưới. Khi vừa thấy ông bà xuống xe buýt với những cái thúng to, chúng tôi chạy ùa xuống 125 bậc thềm để giúp mang đồ ăn về nhà.
Trong vườn có một cây cọ cao, loài chim sáo (mynah) xây tổ trên đó. Chúng tôi thấy chúng bay tới bay lui và hót líu lo. Bà nội tôi ngồi trên bậc thềm nơi cửa chính, kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện, như thể bà phiên dịch tiếng hót của loài chim sáo vậy. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong ngôi nhà ấy! Chúng tôi cười, khóc, chơi đùa, chia sẻ,
sống hạnh phúc trong một đại gia đình. Điều quan trọng nhất, đây là nơi chúng tôi bắt đầu học biết về Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, và Con ngài, Chúa Giê-su Ki-tô.Trước khi chúng tôi học biết về Đức Giê-hô-va, Ấn Độ giáo mà chúng tôi theo gồm nhiều nghi lễ mỗi ngày. Chúng tôi cũng có những ngày lễ lớn định kỳ. Khi ấy, chúng tôi mời khách đến để cùng thờ các nam thần và nữ thần. Trong một số buổi lễ đó, bà nội tôi lên đồng và giao tiếp với các thần. Đúng nửa đêm, chúng tôi dâng lễ bằng thú vật để làm các thần vừa lòng. Ông nội tôi cũng nổi tiếng trong cộng đồng về những khoản đóng góp từ thiện cho việc xây dựng và đưa vào hoạt động các trường học, các đền thờ Ấn Độ giáo.
Làm thế nào chúng tôi tìm được sự thật về Đức Giê-hô-va?
Năm 1972, ông nội tôi bệnh và qua đời. Vài tháng sau, một trong các người thím của tôi tên Indervathey, cũng được gọi là Jane, nhận hai tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức!, từ hai Nhân Chứng Giê-hô-va. Bà cảm thấy có lỗi vì không mời họ vào nhà để nói chuyện. Chúng tôi luôn từ chối tiếp Nhân Chứng. Nhưng khi họ đến lần kế tiếp, thím Jane đã mời họ vào nhà và kể cho họ nghe một vấn đề trong hôn nhân, liên quan đến thói nghiện rượu của chú tôi. Hàng xóm và người thân đã khuyên thím tôi ly hôn. Tuy nhiên, các Nhân Chứng giải thích quan điểm Đức Chúa Trời về hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:6). Thím tôi rất có ấn tượng về lời khuyên trong Kinh Thánh cũng như lời hứa về cuộc sống tươi đẹp hơn sắp diễn ra trên đất này *. Thím không nghĩ đến việc ly hôn nữa và bắt đầu học Kinh Thánh đều đặn với Nhân Chứng. Khi thím Jane học Kinh Thánh tại phòng khách, thì các thím khác ở trong phòng riêng của họ đều nghe được cuộc thảo luận.
Cuối cùng, tất cả các thím khác đều tham dự buổi học Kinh Thánh chung với thím Jane. Thím Jane chia sẻ những điều học được, thường đọc cũng như giải nghĩa cho chúng tôi các câu chuyện trong sách Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn *. Khi các chú biết vợ mình đang học Kinh Thánh thì bắt đầu chống đối. Một chú lấy tất cả các ấn phẩm, kể cả một cuốn Kinh Thánh, đem đốt hết. Các chú chửi rủa và ngược đãi chúng tôi về việc tham dự nhóm họp. Cha tôi là người duy nhất không có thái độ như thế, ông không bao giờ phản đối việc chúng tôi học biết về Đức Giê-hô-va. Bốn nàng dâu trong nhà tiếp tục tham dự các buổi họp, và tình yêu thương của họ đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngày càng lớn mạnh.
Năm 1974, thím Jane báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Không lâu sau, mẹ tôi và các thím khác cũng làm thế. Theo thời gian, bà nội bỏ các thực hành tôn giáo cũ. Tôi đi cùng với gia đình dự tất cả các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va trong nhiều năm. Tại một hội nghị lớn, một chị Nhân Chứng tên Shameela Rampersad hỏi: “Khi
nào em sẽ báp-têm?”. Tôi trả lời: “Dạ, không được, vì chưa có ai dạy Kinh Thánh cho em”. Chị đề nghị giúp tôi. Thế là vào kỳ hội nghị kế tiếp, ngày 16-12-1977, tôi đã báp-têm. Cuối cùng, đại gia đình gồm 27 thành viên đã có 18 người báp-têm. Nhưng khi tôi phải phẫu thuật, thì cha tôi là Sonny Deva, vẫn theo Ấn Độ giáo.“Đừng lo lắng bất cứ điều gì”
Những lời nơi Phi-líp 4:6, 7 đã giúp tôi rất nhiều, đặc biệt sau khi được chẩn đoán là có khối u lớn trên não. Những câu này nói: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su”. Thật khó để không “lo lắng bất cứ điều gì”, đặc biệt khi biết mình có thể chết bất cứ lúc nào. Thoạt tiên, tôi chỉ biết khóc, rồi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Kể từ lúc ấy, tôi cảm nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu”.
Có thể nói là Giê-hô-va Đức Chúa Trời nắm lấy tay hữu tôi, và tôi thật sự cảm thấy ngài dẫn dắt tôi trong suốt giai đoạn ấy (Ê-sai 41:13). Ngài giúp tôi dạn dĩ nói với các nhân viên y tế về sự quyết tâm của tôi để làm theo mệnh lệnh trong Kinh Thánh là không truyền máu (Công vụ 15:28, 29). Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê đều đồng ý. Sau đó, bác sĩ nói rằng ca phẫu thuật rất thành công và toàn bộ khối u đã được cắt bỏ. Ông cũng cho biết chưa bao giờ thấy bệnh nhân nào hồi phục nhanh sau cuộc phẫu thuật não nghiêm trọng đến thế.
Ba tuần sau, dù vẫn nằm trên giường nhưng tôi đã bắt đầu điều khiển lại cuộc học hỏi Kinh Thánh. Cuối tuần lễ thứ bảy, tôi bắt đầu tự lái xe, đi rao giảng và tham dự các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi rất biết ơn về sự hỗ trợ của anh chị em trong hội thánh đã đi truyền giáo với tôi. Họ không bao giờ để tôi một mình và luôn đưa tôi về nhà an toàn. Tôi tin rằng việc nghe băng thu âm Kinh Thánh và tập trung về những khía cạnh tâm linh trong đời sống đã giúp tôi nhanh chóng hồi phục.
Tôi cũng vui mừng biết rằng sau khi tôi phẫu thuật, bố tôi đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng. Ông làm báp-têm ở tuổi 73, và hiện nay đang sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va. Hơn 40 thành viên trong đại gia đình chúng tôi đang hợp nhất phụng sự Đức Chúa Trời. Dù mắt tôi không thể nhìn về phía trái và hộp sọ được giữ bằng các mảnh kim loại, nhưng tôi mong chờ thời điểm Đức Giê-hô-va sẽ “làm nên mọi vật mới” trong địa đàng sắp đến.—Khải huyền 21:3-5.
Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi người chồng đầy yêu thương và cô con gái tốt. Chồng tôi là giám thị trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, và con gái Clerista hỗ trợ tôi để tôi tiếp tục làm công việc truyền giáo trọn thời gian. Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho tôi trong công việc truyền giáo. Đến nay, tôi đã giúp nhiều học viên Kinh Thánh cảm nghiệm được quyền lực của Lời Đức Chúa Trời trong đời sống họ. Hơn 30 người trong số họ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và báp-têm.
Với lòng tràn đầy hy vọng, tôi mong chờ đến thời điểm khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giải thoát chúng ta khỏi thế gian đau khổ này và dẫn chúng ta vào địa đàng.
^ đ. 12 Để biết thêm thông tin về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, xin xem chương 3 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
^ đ. 13 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn ấn hành.