Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÍ QUYẾT GIÚP GIA ÐÌNH HẠNH PHÚC

Vấn đề của gia đình có con riêng

Vấn đề của gia đình có con riêng

CHỊ MARGARET *, NGƯỜI MẸ KẾ Ở ÚC: “Vợ trước của chồng bảo các con đừng nghe lời tôi, thậm chí đơn giản như: ‘Con nhớ đánh răng’”. Chị Margaret cảm thấy hôn nhân của mình bị ảnh hưởng do phương cách gây chia rẽ này.

Cha dượng, mẹ kế, con riêng thường đối mặt với những vấn đề đặc biệt trong các mối quan hệ với người ngoài tổ ấm của họ *. Hầu hết cha mẹ kế phải đối phó với cha hoặc mẹ ruột của con riêng. Ðiều này bao hàm việc viếng thăm, dạy dỗ và chu cấp tài chính. Bạn bè và người thân có lẽ cũng phấn đấu để thích nghi với các thành viên mới của gia đình. Hãy xem làm thế nào lời khuyên trong Kinh Thánh có thể giúp gia đình bạn vượt qua những trở ngại này.

MỐI QUAN HỆ 1: CHA/MẸ RUỘT CỦA ÐỨA CON

Chị Judith, người mẹ kế ở Namibia, cho biết: “Mẹ ruột có lần bảo với các con, tôi chỉ là vợ mới của cha chúng, nếu hai vợ chồng tôi có con, thì  đứa bé đó không phải là em chúng. Lời của chị ấy làm tôi tổn thương vì tôi thương con riêng như con ruột mình”.

Các chuyên gia đồng ý rằng mối quan hệ với cha/mẹ ruột của đứa con riêng có thể trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến gia đình. Thường thì mẹ ruột và mẹ kế gặp khó khăn nhất. Vậy điều gì có thể giúp ích?

Bí quyết thành công: Ðặt giới hạn hợp lý. Nếu bạn không cho phép cha/mẹ ruột can thiệp vào cuộc sống của con riêng thì có lẽ chúng bị suy sụp tinh thần *. Cha mẹ ruột, “người đã sanh ra con”, có một vị trí đặc biệt trong đời chúng (Châm-ngôn 23:22, 25). Trái lại, nếu để vợ/chồng trước ảnh hưởng quá nhiều vào chuyện nhà bạn thì có thể khiến người hôn phối mới bực bội, thậm chí giận dữ. Hãy cố gắng cân bằng, đặt các giới hạn hợp lý để bảo vệ hôn nhân của mình, đồng thời cố gắng hợp tác với cha/mẹ ruột của con.

GỢI Ý CHO CHA MẸ

  • Khi nói chuyện với vợ/chồng cũ, hãy tập trung vào đứa con, hạn chế nói về các chuyện khác. Chẳng hạn, bạn có thể tế nhị hỏi xem người ấy có thể sắp xếp thời gian cụ thể để gọi điện trong ngày. Ðiều này thường tốt hơn việc gọi điện bất thình lình hoặc lúc nửa đêm.
  • Nếu con không thuộc quyền nuôi dưỡng của bạn, bạn có thể gọi điện, viết thư, gửi tin nhắn hoặc e-mail để giữ liên lạc (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Một số người chọn chat webcam (nói chuyện và thấy mặt qua mạng). Bạn có thể hiểu thêm về nhu cầu, vấn đề của con nhiều hơn bạn tưởng, và cho chúng lời khuyên hữu ích.

GỢI Ý CHO MẸ KẾ

  • “Biểu lộ sự đồng cảm” với mẹ ruột của con qua việc cho thấy rõ bạn không cố thay thế vị trí của người mẹ ấy (1 Phi-e-rơ 3:8). Thường xuyên báo cho mẹ ruột biết tình trạng của con khi con sống chung với bạn, chủ yếu tập trung vào điều tích cực (Châm-ngôn 16:24). Hỏi người ấy có đề nghị gì không và cảm ơn khi nhận lời đề nghị.
  • Hạn chế việc biểu lộ tình cảm với con khi có sự hiện diện của mẹ ruột. Chị Beverly, người mẹ kế ở Hoa Kỳ, nói: “Các con riêng muốn gọi tôi là mẹ. Chúng tôi thỏa thuận là chỉ gọi tôi là mẹ khi ở nhà, nhưng không làm thế khi chúng ở với mẹ ruột là Jane, hoặc gia đình của chị ấy. Nhờ thế, chị Jane và tôi thân thiện nhau hơn. Thật ra sau này, chúng tôi còn giúp các con trong việc đóng kịch và các hoạt động ngoại khóa của trường”.

Có lẽ bạn ảnh hưởng đến đứa con hơn bạn tưởng

GỢI Ý ÐỂ HAI BÊN THÂN THIỆN NHAU

  • Lịch sự và tôn trọng giúp giữ sự hòa thuận

    Ðừng bao giờ để con nghe bạn nói xấu về cha/mẹ ruột hoặc cha/mẹ kế. Dễ bắt đầu nói tiêu cực nhưng lại khiến đứa trẻ buồn nản. Và không biết lời nói của bạn được lặp lại khi nào hoặc như thế nào (Truyền-đạo 10:20). Nếu đứa con cho biết cha/mẹ ruột hoặc cha/mẹ kế nói xấu bạn, hãy tập trung vào cảm giác của con. Có lẽ bạn nói đại khái như: “Mẹ buồn vì con phải nghe điều này. Mẹ  của con giận mẹ, và thỉnh thoảng trong cơn giận, người ta hay thốt ra những lời không tử tế”.
  • Cố gắng thống nhất các quy tắc và kỷ luật cho cả hai gia đình. Nếu không thể, hãy cho biết sự khác nhau mà không hạ thấp cha hoặc mẹ kia. Hãy xem hai trường hợp sau:Mẹ kế: Tâm ơi, phơi khăn của con lên đi.Tâm: Ở nhà của mẹ, tụi con để trên sàn rồi mẹ phơi lên.Mẹ kế (giận): Phải rồi, bà ấy chỉ biết dạy con làm biếng.Liệu lời đáp này có tốt hơn không?Mẹ kế (bình tĩnh): Ồ, vậy hả, ở đây mỗi người tự phơi nhé.
  • Tránh sắp xếp các hoạt động cho con trong thời gian chúng về thăm cha/mẹ ruột (Ma-thi-ơ 7:12). Nếu không thể điều chỉnh hoạt động ấy, hãy xin phép cha/mẹ kia trước khi báo cho đứa trẻ biết kế hoạch của bạn.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Trong lần tới, hãy thực hiện các bước này khi gặp vợ/chồng trước của người hôn phối hoặc vợ/chồng trước của bạn:

  1. Nhìn vào mắt và mỉm cười. Ðừng thở dài hoặc ra vẻ bực bội.
  2. Chào người ấy bằng tên. Chẳng hạn, “Chào chị Ðoan”.
  3. Ðừng tách người ấy ra khỏi cuộc trò chuyện chung khi nói với một nhóm người.

MỐI QUAN HỆ 2: NGƯỜI CON TRƯỞNG THÀNH

Cuốn sách Step Wars trích lời của một phụ nữ than phiền về cách chồng đứng về phía con trưởng thành của anh và không thừa nhận việc chúng đối xử không tốt với bà. Bà nói, mỗi lúc như thế, “tôi càng tức giận”. Làm sao bạn không để mối quan hệ với con đã trưởng thành ảnh hưởng đến hôn nhân?

Bí quyết thành công: Hãy thông cảm. Kinh Thánh nói: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác” (1 Cô-rinh-tô 10:24). Cố gắng hiểu và nhận ra cảm giác của người khác. Các con riêng trưởng thành có lẽ sợ mất đi tình cảm của cha hay mẹ chúng. Hoặc cảm thấy khi đón chào cha/mẹ kế thì chúng không còn trung thành với gia đình trước kia của mình. Ðồng thời, cha mẹ có lẽ e ngại rằng nếu phê phán con thì chúng sẽ lạnh nhạt với mình.

Thay vì tạo một tình bạn gượng ép, hãy để mối quan hệ giữa bạn và con riêng tiến triển cách tự nhiên. Nói chung, việc cố ép buộc một người có cảm giác yêu thương chân thật là điều không khôn ngoan (Nhã-ca 8:4). Thế nên, hãy cố gắng đặt kỳ vọng hợp lý và thực tế về việc gần gũi với con riêng.

Ngay cả khi bị đối xử không tốt, đừng nói ra mọi suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình (Châm-ngôn 29:11). Lúc khó tự chủ trong lời nói, hãy cầu nguyện như vua Ða-vít của dân Y-sơ-ra-ên: “Hỡi Ðức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi”.—Thi-thiên 141:3.

Nếu quyết định sống trong nhà nơi các con lớn lên, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên trước sự gắn bó của chúng với ngôi nhà. Cố gắng không thay đổi  nhiều, nhất là phòng riêng của chúng. Bạn cũng có thể suy xét việc chuyển đến một chỗ mới.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nếu các con riêng trưởng thành cứ vô lễ hoặc không tôn trọng bạn, hãy tâm sự với người hôn phối và lắng nghe ý kiến của họ. Ðừng ép bạn đời sửa trị các con. Thay vì thế, hai người cố gắng hiểu nhau. Một khi đã “đồng tâm nhất trí” về điều đó, cả hai có thể cùng hợp tác để cải thiện.—2 Cô-rinh-tô 13:11.

Cố gắng thể hiện tình yêu thương với tất cả các con trong nhà

MỐI QUAN HỆ 3: NGƯỜI THÂN VÀ BẠN BÈ

Chị Marion, người mẹ kế ở Canada, cho biết: “Cha mẹ tôi thường tặng quà cho con trai tôi, nhưng các con của chồng thì không. Chúng tôi đã mua quà cho chúng, nhưng có khi không đủ khả năng”.

Bí quyết thành công: Ðặt gia đình mới lên trên. Cho người thân và bạn bè biết cam kết của bạn đối với gia đình mới (1 Ti-mô-thê 5:8). Dù không mong tất cả người thân và bạn bè yêu thương các thành viên mới của gia đình “ngay lập tức”, nhưng bạn có thể đề nghị họ lịch sự và công bằng. Hãy giải thích để họ biết các con tổn thương thế nào nếu bị phớt lờ, không được quan tâm.

Hãy để cha mẹ chồng/vợ trước có vị trí trong cuộc đời của đứa bé. Người mẹ tên Susan, sống ở Anh Quốc, kể lại: “Mười tám tháng sau khi chồng qua đời, tôi tái hôn, cha mẹ chồng trước cố gắng chấp nhận chồng mới của tôi. Vấn đề này được cải thiện khi chúng tôi mời họ tham gia với gia đình nhiều hơn, bảo các con gọi điện cho họ và cảm ơn họ đã ủng hộ”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Xem mình gặp vấn đề lớn nhất với người bạn hoặc người thân nào, rồi bàn bạc với bạn đời để cải thiện mối quan hệ ấy.

Mối quan hệ với những người ngoài gia đình có thể gây khó khăn cho tổ ấm mới của bạn. Tuy nhiên, việc áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh có thể giúp bạn và gia đình nhận ân phước như được hứa trong Kinh Thánh: “Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, và được vững-vàng bởi sự thông-sáng”.—Châm-ngôn 24:3.

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 4 Ðể biết thêm thông tin về việc đối phó với các thử thách khác, xin xem loạt bài trang bìa “Secrets of Successful Stepfamilies” trong số Tỉnh Thức tháng 4 năm 2012 (Anh ngữ), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 8 Dĩ nhiên, nếu vợ/chồng trước đe dọa hoặc gây rối, có lẽ bạn cần đặt các giới hạn cứng rắn hơn hầu bảo vệ gia đình.

HÃY TỰ HỎI:

  • Làm sao tôi có thể thân thiện hơn với vợ/chồng trước của người hôn phối?
  • Làm sao có thể giúp người thân và bạn bè tránh ảnh hưởng đến gia đình, ngay cả vô tình?