BÀI TRANG BÌA: THẾ GIỚI KHÔNG CÒN THÀNH KIẾN
Thành kiến—Vấn nạn toàn cầu
Anh Jonathan, người Mỹ gốc Hàn Quốc, là nạn nhân của việc kỳ thị chủng tộc lúc còn nhỏ. Khi lớn lên, anh cố tìm đến một nơi để không bị người ta phán đoán vì nét mặt hoặc chủng tộc. Anh trở thành bác sĩ tại một thị trấn ở phía bắc Alaska, Hoa Kỳ, nơi mà ngoại diện của anh có vẻ giống nhiều bệnh nhân. Anh hy vọng rằng có lẽ tại đây, giữa cái giá rét ở vòng Bắc Cực, anh sẽ thoát được nạn thành kiến, còn “giá rét hơn”.
Hy vọng ấy tiêu tan khi anh chữa bệnh cho một phụ nữ 25 tuổi. Lúc bệnh nhân hết hôn mê, cô ấy nhìn vào mặt Jonathan, rồi thốt lên lời tục tĩu, cho thấy sự miệt thị người Hàn Quốc ăn sâu trong lòng. Ðối với Jonathan, trường hợp này là sự nhắc nhở đau lòng, mọi nỗ lực để chuyển đến và hòa nhập với cộng đồng không thể giúp anh tránh khỏi nạn thành kiến.
Kinh nghiệm của anh Jonathan nhấn mạnh một thực tại đáng lo ngại. Thành kiến xảy ra khắp thế giới. Dường như nơi nào có người ta thì nơi đó có thành kiến.
Ða số người ta lên án thành kiến nhưng nó vẫn xảy ra khắp nơi. Ðây thật là điều nghịch lý. Tại sao cái mà người ta ghét lại quá phổ biến? Rõ ràng, nhiều người lên án thành kiến đã không nhận ra nó tiềm ẩn trong lòng mình. Bạn có như thế không?
VẤN ÐỀ CÁ NHÂN
Việc nuôi dưỡng một số thành kiến nào đó trong lòng là điều chúng ta khó nhận ra. Kinh Thánh cho biết lý do: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật” (Giê-rê-mi 17:9). Vì vậy, chúng ta có thể lừa dối chính mình, cho rằng mình không thành kiến ai. Hoặc lý luận là chúng ta có cơ sở để nghĩ tiêu cực về những người thuộc một nhóm nào đó.
Ðể minh họa việc chúng ta khó nhận ra mình có thành kiến hay không, hãy hình dung bối cảnh sau: Bạn đang đi bộ một mình vào ban đêm. Hai thanh niên mà bạn chưa từng gặp tiến đến gần. Họ có vẻ khỏe mạnh, một người dường như cầm gì đó trong tay.
Bạn có kết luận rằng hai người này là mối đe dọa cho mình? Ðành rằng, điều đã trải qua có lẽ bảo bạn nên cẩn trọng, nhưng điều ấy có thật sự là lý do để bạn kết luận hai người này là mối đe dọa cho mình? Một câu hỏi giúp bạn hiểu lòng mình hơn: “Theo bạn, hai người này thuộc chủng tộc hoặc sắc tộc nào?”. Câu trả lời có thể cho biết nhiều điều. Trong chừng mực nào đó, có lẽ bạn đã bị thành kiến ảnh hưởng.
Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải thừa nhận tận đáy lòng là mọi người đều có thành kiến, dù ít hay nhiều. Ngay cả Kinh Thánh cũng cho biết về một dạng thành kiến phổ biến: “Loài người xem bề ngoài” (1 Sa-mu-ên 16:7). Vì chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng loài người—thường mang lại hậu quả tai hại—nên chúng ta có hy vọng nào để vượt qua hoặc loại bỏ thành kiến trong đời sống không? Có bao giờ chúng ta sẽ thấy thời kỳ mà cả thế gian không còn thành kiến?