Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao có đau khổ?

Tại sao có đau khổ?

Ðể hiểu tại sao có quá nhiều đau khổ và tại sao mọi nỗ lực của con người nhằm loại trừ nó đều bất thành, chúng ta cần xác định những nguyên nhân thật sự đứng đằng sau. Dù những nguyên nhân là đa dạng và phức tạp nhưng chúng ta vui vì Kinh Thánh có thể giúp mình nhận ra chúng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét năm nguyên nhân cơ bản gây ra nhiều đau khổ đến thế. Chúng tôi mời bạn xem xét kỹ những gì Kinh Thánh nói và thấy cách mà Lời Ðức Chúa Trời có thể giúp chúng ta hiểu tường tận căn nguyên thật sự của vấn đề hệ trọng này.—2 Ti-mô-thê 3:16.

NHỮNG TÁC ÐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TỒI TỆ

Kinh Thánh nói: “Khi kẻ ác cai-trị, dân-sự lại rên-siết”.—Châm-ngôn 29:2.

Trong suốt lịch sử, có vô số kẻ độc tài cai trị hà khắc đã mang lại biết bao đau khổ cho dân chúng. Dĩ nhiên không phải nhà cai trị nào cũng thế. Một số có ý tốt đối với người đồng loại. Tuy nhiên, một khi đã nắm quyền hành trong tay, họ thường thấy những nỗ lực của mình bị ngăn cản bởi những cuộc đấu đá nội bộ và tranh giành địa vị. Hoặc có thể là họ lạm dụng quyền hành vì tư lợi, gây tổn hại cho dân chúng. Nguyên thư ký liên bang Hoa Kỳ, ông Henry Kissinger, nói: “Lịch sử là một câu chuyện của những nỗ lực đã thất bại, của những khát vọng không được nhận ra”.

Kinh Thánh cũng chỉ ra rằng: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Con người bất toàn thiếu sự khôn ngoan và tầm nhìn cần thiết để có thể kiểm soát mọi vấn đề của họ. Nếu người ta không thể dẫn đưa bước của chính họ thì làm sao có thể dẫn đưa bước của cả một quốc gia? Bạn có thấy lý do những nhà cai trị loài người không thể loại trừ đau khổ không? Thật vậy, thường thì chính phủ, hay nhà cai trị, tồi tệ chính là nguyên nhân gây ra đau khổ!

ẢNH HƯỞNG CỦA TÔN GIÁO SAI LẦM

Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Ðó là có tình yêu thương giữa anh em”.—Giăng 13:35.

Những người đứng đầu các tôn giáo và giáo phái dạy người ta yêu thương và đoàn kết, nhưng sự thật thì họ không khắc ghi vào lòng giáo dân một tình yêu thương đủ mạnh để xóa tan thành kiến. Thay vì giúp xây đắp tình yêu thương, các tôn giáo thường góp phần gây ra sự chia rẽ, thành kiến và xung đột giữa các dân và các nước. Trong lời kết của sách Ðạo Ki-tô và các tôn giáo trên thế giới (Christianity and the World Religions), nhà thần học Hans Küng viết: “Những cuộc đấu tranh chính trị quá khích và tàn ác nhất là những cuộc bị ảnh hưởng, thôi thúc và hợp thức hóa bởi tôn giáo”.

 Hơn nữa, hàng giáo phẩm của nhiều tôn giáo có quan điểm thoáng về tình dục trước hôn nhân, ngoại tình cũng như đồng tính luyến ái. Ðiều này dẫn đến sự lan tràn về bệnh dịch, phá thai, mang thai ngoài ý muốn, hôn nhân và gia đình tan vỡ, để lại những nỗi đau không nói thành lời.

SỰ BẤT TOÀN CỦA CON NGƯỜI VÀ NHỮNG HAM MUỐN ÍCH KỶ

“Mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình. Rồi khi ham muốn ấy được cưu mang thì sinh ra tội lỗi”.—Gia-cơ 1:14, 15.

Vì sự bất toàn di truyền nên tất cả chúng ta đều có khuynh hướng phạm lỗi và phải tranh đấu để không “thực hiện những ham muốn của xác thịt” (Ê-phê-sô 2:3). Khi ham muốn sai trái gặp cơ hội thì chúng ta càng khó cưỡng lại hơn. Nếu đầu hàng trước những ước muốn tai hại, chúng ta có thể sẽ lãnh hậu quả nặng nề.

Tác giả P. D. Mehta viết: “Phần lớn đau khổ là do dục vọng của chính chúng ta, do không kiềm chế sự ham mê lạc thú và buông thả của bản thân, do lòng tham và tham vọng”. Sự thèm khát và nghiện ngập đủ thứ—rượu bia, ma túy, cờ bạc, tình dục v.v.—đã hủy hoại biết bao “công dân gương mẫu” và gieo rắc đau khổ cho gia đình, bạn bè của họ, và những người khác. Khi nghĩ đến bản chất bất toàn của nhân loại, chúng ta phải đồng ý với lời Kinh Thánh nói: “Mọi tạo vật vẫn cùng nhau than thở và chịu đau đớn cho đến nay”.—Rô-ma 8:22.

QUYỀN LỰC CỦA CÁC ÁC THẦN

Kinh Thánh tiết lộ rằng Sa-tan là “chúa đời này” và bè lũ của hắn là các ác thần mạnh mẽ.—2 Cô-rinh-tô 4:4; Khải huyền 12:9.

Như Sa-tan, các ác thần vẫn luôn lừa gạt và kiểm soát người ta. Sứ đồ Phao-lô thừa nhận điều này khi nói: “Chúng ta chẳng chiến đấu với con người mà với các kẻ cầm quyền chấp chính, với các kẻ cai trị thế gian tăm tối này, với các thế lực ác thần ở trên trời”.—Ê-phê-sô 6:12.

Dù các ác thần thích quấy nhiễu người ta nhưng đó không phải là mục tiêu chính của chúng. Chúng muốn lôi kéo người ta rời xa Ðấng Chí Cao, Ðức Giê-hô-va (Thi-thiên 83:18). Những thực hành như thuật chiêm tinh, phép thuật và bói toán chỉ là một số trong những mưu kế mà các ác thần dùng để đánh lừa và kiểm soát người ta. Ðó là lý do Ðức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm đó đồng thời cung cấp sự che chở cho những ai chống lại Sa-tan và các ác thần.—Gia-cơ 4:7.

CHÚNG TA ÐANG SỐNG TRONG “NHỮNG NGÀY SAU CÙNG”

Khoảng hai ngàn năm trước, Kinh Thánh đã tiên tri: “Hãy biết rằng những ngày sau cùng sẽ là một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”.

Kinh Thánh giải thích tại sao thời kỳ đó đặc biệt: “Vì người ta chỉ biết yêu bản thân, ham tiền, khoe khoang, ngạo mạn,... thiếu tình thương tự nhiên, cố chấp, vu khống, thiếu tự chủ, hung dữ, không yêu chuộng điều nhân đức, phản bội, ngoan cố, tự cao, ham mê lạc thú thay vì yêu mến Ðức Chúa Trời”. Chắc chắn một nguyên nhân chính gây ra mọi đau khổ mà chúng ta thấy ngày nay đó là chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”.—2 Ti-mô-thê 3:1-4.

Sau khi xem xét những yếu tố trên, chẳng phải chúng ta thấy rõ lý do con người không thể chấm dứt đau khổ cho dù có ý tốt hay sao? Thế thì chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ nơi đâu? Chúng ta phải tìm Ðấng Tạo Hóa, đấng đã hứa sẽ “phá tan công việc của Kẻ Quỷ Quyệt” và đồng bọn của hắn (1 Giăng 3:8). Bài tiếp theo sẽ xem xét những điều Ðức Chúa Trời sẽ làm để loại trừ mọi nguyên nhân gây ra đau khổ.