Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Cây kỳ nam được dùng vào thời Kinh Thánh là gì?

Bột này đến từ cây Kỳ nam

Kinh Thánh cho biết cây kỳ nam được dùng làm dầu thơm cho quần áo và giường (Thi-thiên 45:8; Châm-ngôn 7:17; Nhã-ca 4:14). Rất có thể kỳ nam hương được đề cập trong Kinh Thánh đến từ cây kỳ nam (thực vật thuộc họ Aquilaria). Khi gỗ bị mục thì dầu và nhựa thơm chảy ra. Gỗ được nghiền thành bột, rồi đem bán với tên “kỳ nam”.

Kinh Thánh ví lều của dân Y-sơ-ra-ên (Israel) như “cây kỳ nam” mà Đức Giê-hô-va đã trồng” (Dân-số Ký 24:5, 6, NW). Điều này có lẽ ám chỉ đến hình dạng của cây này, có thể cao đến 30m, tán rộng. Cây này không có ở vùng Israel ngày nay, nhưng Từ điển Kinh Thánh (A Dictionary of the Bible) cho biết: “Dù ngày nay ở [vùng ấy] không có cây này và một số cây khác, nhưng không có cơ sở để cho rằng chúng không được trồng ở thung lũng Giô-đanh phồn thịnh, đông dân thời bấy giờ”.

Lễ vật nào được chấp nhận ở đền thờ Giê-ru-sa-lem?

Con dấu bằng đất sét này từng ở đền thờ Giê-ru-sa-lem khoảng 2.000 năm trước

Luật pháp Đức Chúa Trời cho biết các vật tế lễ được dâng tại đền thờ phải có chất lượng tốt nhất. Đức Chúa Trời không chấp nhận vật tế lễ bị tì vết (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19; Lê-vi Ký 22:21-24). Theo tác giả Do Thái tên Philo sống vào thế kỷ thứ nhất công nguyên (CN), các thầy tế lễ thời đó kiểm tra kỹ các con vật “từ đầu đến chân” để đảm bảo chúng lành lặn và “không bị vết hoặc khiếm khuyết nào”.

Học giả E. P. Sanders cho biết có thể những người trông coi đền thờ “cho phép một số người buôn đáng tin cậy chỉ bán những thú vật và chim để dâng hiến mà các thầy tế lễ đã kiểm tra trước. Trong trường hợp này, người bán đưa biên nhận cho người mua, cho thấy con vật không bị tì vết”.

Vào năm 2011, các nhà khảo cổ đã tìm được một biên nhận như thế ở gần đền thờ—con dấu bằng đất sét cỡ đồng tiền, ước chừng có từ giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên đến 70 CN. Hai chữ khắc bằng tiếng A-ram trên con dấu được dịch là “Tinh sạch dành cho Đức Chúa Trời”. Người ta cho rằng những người trông coi đền thờ đã đính kèm những biên nhận ấy vào vật dùng cho nghi lễ hoặc vào con vật tế lễ.