Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA | Ở HIỀN NHƯNG KHÔNG GẶP LÀNH—TẠI SAO?

Ở hiền nhưng không gặp lành—Tại sao?

Ở hiền nhưng không gặp lành—Tại sao?

Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời * là Đấng Tạo Hóa của muôn loài và là toàn năng, nên có lẽ nhiều người có khuynh hướng đổ lỗi cho ngài về mọi điều diễn ra trên thế giới, gồm cả sự gian ác và đau khổ. Tuy nhiên, hãy xem Kinh Thánh nói gì về Đức Chúa Trời:

  • “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài”.—Thi-thiên 145:17.

  • “Các đường-lối Ngài [của Đức Chúa Trời] là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình chánh-trực”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4.

  • “Đức Giê-hô-va là đấng có lòng trìu mến thương xót”.—Gia-cơ 5:11.

Đức Chúa Trời không gây ra sự gian ác và đau khổ. Tuy nhiên, có phải ngài xui khiến người ta làm những điều xấu không? Hoàn toàn không. Kinh Thánh nói: “Khi gặp thử thách, chớ có ai nói: ‘Đức Chúa Trời thử thách tôi’”. Tại sao? “Vì Đức Chúa Trời không thể bị thử thách bởi điều ác nào, và chính ngài cũng không dùng điều ác để thử thách ai” (Gia-cơ 1:13). Đức Chúa Trời không thử thách ai bằng cách xui khiến người ấy có những hành vi xấu xa. Ngài không gây ra sự gian ác và đau khổ, đồng thời cũng không xui khiến người khác làm điều ác. Vậy đâu là nguyên nhân của sự gian ác và đau khổ?

CÓ MẶT KHÔNG ĐÚNG NƠI, ĐÚNG LÚC

Kinh Thánh cho biết một lý do con người chịu đau khổ là: “Thời thế và chuyện bất trắc xảy đến thình lình cho tất cả” (Truyền-đạo 9:11, NW). Khi những biến cố hoặc tai nạn bất ngờ xảy ra, một người có bị ảnh hưởng hay không phần lớn tùy thuộc vào việc người đó đang ở đâu trong lúc ấy. Gần 2.000 năm trước, Chúa Giê-su Ki-tô nói về việc mười tám người bị một cái tháp sập xuống đè chết (Lu-ca 13:1-5). Họ là nạn nhân không phải vì những gì đã làm khi sống, nhưng chỉ vì lúc đó họ đang có mặt ở tháp. Gần đây hơn là trận động đất có sức tàn phá lớn giáng trên nước Haiti vào tháng 1 năm 2010. Chính quyền Haiti cho biết có hơn 300.000 người thiệt mạng. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của tất cả những người này cho dù họ là ai. Bệnh tật cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào cho bất cứ ai.

Tại sao Đức Chúa Trời không bảo vệ người tốt khỏi thiên tai?

Có thể một số người thắc mắc: “Chẳng lẽ Đức Chúa Trời không thể ngăn chặn những tai họa tang thương như thế xảy ra? Chẳng lẽ ngài không thể che chở người tốt sao?”. Nếu Đức Chúa Trời can thiệp theo cách ấy, điều đó có nghĩa ngài biết trước những biến cố đau khổ nào sẽ xảy ra. Đúng là Đức Chúa Trời có khả năng biết trước tương lai, nhưng câu hỏi đáng để suy xét là: “Đức Chúa Trời có sử dụng tùy tiện khả năng biết trước về tương lai không?”.—Ê-sai 42:9.

Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời của chúng ta ngự trên trời; ngài làm bất cứ điều gì ngài vừa ý”  (Thi-thiên 115:3, NW). Đức Giê-hô-va làm điều ngài thấy là cần thiết—chứ không phải làm mọi điều ngài có khả năng. Điều này cũng áp dụng cho cách ngài quyết định dùng khả năng thấy trước tương lai. Ví dụ, sau khi sự gian ác tràn ngập thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cổ xưa, Đức Chúa Trời nói với tộc trưởng Áp-ra-ham: “Ta muốn ngự xuống, để xem-xét chúng nó ăn-ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết” (Sáng-thế Ký 18:20, 21). Trong một thời gian, Đức Chúa Trời đã chọn không biết hai thành này gian ác đến mức nào. Tương tự, Đức Giê-hô-va có thể chọn không biết hết mọi điều sẽ xảy ra (Sáng-thế Ký 22:12). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài không hoàn hảo hay thiếu sót. Vì ‘công việc ngài là trọn vẹn’, Đức Chúa Trời cân nhắc giữa việc sử dụng khả năng biết trước tương lai với việc thực hiện ý định của ngài, ngài không bao giờ ép con người đi theo một đường lối nào đó * (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Do đó, chúng ta có thể kết luận gì? Đức Chúa Trời sử dụng khả năng biết trước về tương lai một cách có chọn lọc và suy xét.

Tại sao Đức Chúa Trời không che chở người tốt khỏi tội ác?

DO CON NGƯỜI?

Sự gian ác lan tràn ngày nay một phần là do con người. Hãy để ý Kinh Thánh miêu tả quá trình có thể dẫn một người đến việc phạm tội: “Mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình. Rồi khi ham muốn ấy được cưu mang thì sinh ra tội lỗi; và khi tội lỗi đã được làm trọn thì dẫn đến cái chết” (Gia-cơ 1:14, 15). Khi chiều theo những ham muốn sai trái, chắc chắn một người sẽ phải lãnh những hậu quả tai hại (Rô-ma 7:21-23). Như lịch sử cho thấy, loài người đã phạm những tội ác khủng khiếp và gây ra vô số khổ đau. Không chỉ thế, người ác có thể ảnh hưởng xấu, khiến người khác cũng trở nên đồi bại, kết quả là sự gian ác cứ kéo dài.—Châm-ngôn 1:10-16.

Loài người đã phạm những tội ác khủng khiếp và gây ra vô số khổ đau

Chẳng phải Đức Chúa Trời nên can thiệp và ngăn chặn người ta làm điều xấu sao? Hãy xem con người được tạo ra như thế nào. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời tạo ra con người theo hình ảnh của ngài, tức giống như ngài. Vì vậy, con người có khả năng phản ánh các đức tính của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:26). Con người được ban cho món quà tự do ý chí, họ có thể chọn yêu thương và trung thành với Đức Chúa Trời bằng cách làm điều đúng trước mắt ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Nếu Đức Chúa Trời buộc con người đi theo một đường lối nào đó, chẳng phải ngài đã tước mất món quà tự do ý chí của họ hay sao? Thế thì con người có khác gì một chiếc máy, chỉ làm theo những gì đã được lập trình sẵn! Con người sẽ trở nên như vậy nếu số phận chi phối mọi điều họ làm và mọi biến cố xảy đến cho họ. Thật mừng là Đức Chúa Trời đã nâng cao phẩm giá của chúng ta khi cho chúng ta tự chọn theo đường lối nào! Tuy  nhiên, điều này không có nghĩa là những đau khổ gây ra bởi các sai lầm và lựa chọn thiếu khôn ngoan của con người sẽ mãi hoành hành.

DO NGHIỆP CHƯỚNG?

Nếu hỏi một người theo Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo câu hỏi nơi trang bìa của tạp chí này, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời là: “Người hiền nhưng không gặp lành là do nghiệp chướng, hay luật nhân quả. Họ đang phải gánh hậu quả của những gì đã làm ở kiếp trước”. *

Liên quan đến giáo lý về nghiệp chướng, hãy lưu ý những gì Kinh Thánh nói về sự chết. Trong vườn Ê-đen, nơi khởi đầu của nhân loại, Đấng Tạo Hóa đã phán với người đàn ông đầu tiên là A-đam như sau: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Nếu không phạm tội qua việc cãi lời Đức Chúa Trời, A-đam sẽ sống vĩnh cửu. Sự chết là hình phạt cho việc bất tuân mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Khi con cháu của A-đam ra đời, “sự chết trải trên mọi người” (Rô-ma 5:12). Vì vậy, có thể nói rằng “tiền công mà tội lỗi trả là sự chết” (Rô-ma 6:23). Kinh Thánh cũng giải thích thêm: “Ai đã chết thì được xóa sạch tội lỗi” (Rô-ma 6:7). Nói cách khác, sau khi chết con người không phải tiếp tục trả giá cho tội lỗi của mình.

Hàng triệu người ngày nay dùng khái niệm nghiệp chướng để giải thích cho những đau khổ của con người. Những người tin vào nghiệp chướng thường cam chịu và coi sự đau khổ của mình cũng như của người khác là điều tất yếu. Nhưng sự thật là niềm tin này không đưa ra bất cứ hy vọng nào về một tương lai không còn gian ác và đau khổ. Người ta tin rằng cách duy nhất để một người được thoát khỏi vòng luân hồi là giác ngộ và sống phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Tuy nhiên, các quan điểm này không phù hợp với những gì Kinh Thánh dạy *.

THỦ PHẠM CHÍNH!

Bạn có biết thủ phạm chính gây ra đau khổ là “kẻ cai trị thế gian này”—Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt?—Giăng 14:30

Thủ phạm chính gây ra sự gian ác không phải con người. Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, ban đầu là một thiên sứ trung thành của Đức Chúa Trời, đã “không giữ được sự chân thật” và gieo rắc tội lỗi vào nhân loại (Giăng 8:44). Hắn là kẻ chủ mưu trong cuộc phản loạn ở vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 3:1-5). Chúa Giê-su Ki-tô gọi hắn là “Kẻ Ác” và “kẻ cai trị thế gian này” (Ma-thi-ơ 6:13; Giăng 14:30). Nhân loại nói chung đã đi theo Sa-tan khi để hắn xúi giục và lờ đi đường lối tốt lành của Đức Giê-hô-va (1 Giăng 2:15, 16). Câu 1 Giăng 5:19 nói: “Cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác”. Một số tạo vật thần linh khác cũng trở nên gian ác và theo phe Sa-tan. Kinh Thánh cho biết Sa-tan cùng các ác thần này “lừa gạt toàn thể dân cư trên đất” và gây khốn khổ cho đất (Khải huyền 12:9, 12). Vậy, kẻ phải chịu trách nhiệm chính về những sự gian ác diễn ra trên thế giới là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt.

Rõ ràng là Đức Chúa Trời không có lỗi về những sự gian ác xảy đến cho con người, đồng thời ngài cũng không gây ra đau khổ cho họ. Trái lại, ngài hứa sẽ loại bỏ vĩnh viễn sự gian ác và đau khổ, như được thấy trong bài kế tiếp.

^ đ. 3 Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.

^ đ. 11 Để biết tại sao Đức Chúa Trời để cho sự gian ác tiếp diễn, xin xem chương 11 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 16 Để biết về nguồn gốc của luật nhân quả, xin xem trang 8-12 của sách mỏng Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 18 Để biết Kinh Thánh dạy gì về tình trạng của người chết và hy vọng cho những người đã qua đời, xin xem chương 6 và 7 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?.