Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA

Phải chăng con người sẽ hủy diệt trái đất?

Phải chăng con người sẽ hủy diệt trái đất?

“Đời nầy qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn”.—VUA SA-LÔ-MÔN, THẾ KỶ 11 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN. *

Theo quan điểm của người viết Kinh Thánh xưa, đời sống phù du của con người tương phản hoàn toàn với sự trường tồn của trái đất. Thật vậy, hàng ngàn năm qua, hết đời này sang đời khác và cho đến tận ngày nay, trái đất đã chứng tỏ là có khả năng tự phục hồi để duy trì sự sống.

Một số người gọi giai đoạn kể từ sau Thế Chiến II là “Cuộc cải cách chóng mặt” (Great Acceleration). Chỉ trong một đời người, nhân loại đã chứng kiến những bước tiến vượt trội về phương tiện giao thông, thông tin liên lạc và các công nghệ khác. Những điều này đã dẫn đến các thay đổi chưa từng thấy về kinh tế. Nhiều người hưởng mức sống từng một thời bị cho là không thể. Cũng trong thời gian ấy, dân số thế giới tăng gần gấp ba.

Tuy nhiên, bất cứ thứ gì cũng có cái giá của nó. Người ta cho rằng những hoạt động của con người đang ảnh hưởng tai hại đến các chu trình thiên nhiên trên trái đất. Thật vậy, một số khoa học gia nói rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên địa chất mới được gọi là “Kỷ nguyên Nhân sinh” (Anthropocene), thời kỳ mà các hoạt động của con người “ghi dấu ấn” ngày càng sâu đậm lên trái đất.

Kinh Thánh báo trước về một thời kỳ mà con người sẽ “hủy hoại trái đất” (Khải huyền 11:18). Một số người thắc mắc có phải chúng ta đang sống trong thời kỳ ấy không. Trái đất sẽ còn bị hủy hoại đến  mức nào? Liệu sẽ đến mức không thể cứu vãn? Nói cách khác, phải chăng con người sẽ hủy diệt trái đất?

ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ CỨU VÃN?

Phải chăng trái đất sẽ bị hủy hoại đến mức không thể cứu vãn? Một số nhà khoa học cảm thấy khó có thể lường trước được ảnh hưởng của các biến đổi khí hậu. Vì vậy, họ lo ngại là có lẽ chúng ta đang tiến gần đến “ngưỡng”, tức thời điểm mà các biến đổi khí hậu đột ngột có thể gây ra những hậu quả thảm khốc.

Hãy xem một ví dụ, đó là dải băng tây Nam Cực. Một số người nghĩ rằng nếu trái đất tiếp tục ấm lên thì dải băng này có thể bị tan đến mức không thể phục hồi. Lý do là bề mặt của băng phản xạ ánh sáng mặt trời. Nên nếu dải băng này mỏng đi và thu hẹp lại thì đại dương nằm bên dưới, phần có khả năng phản xạ kém hơn, dần dần bị phơi ra. Bề mặt có màu sẫm của đại dương hấp thụ nhiều nhiệt hơn, điều này tác động trở lại khiến băng tan nhanh hơn. Cứ như vậy, có thể chu trình này sẽ không chặn lại được. Mực nước biển dâng cao do băng tan có thể trở thành hiểm họa cho hàng trăm triệu người.

MÓN NỢ NGÀY CÀNG CHỒNG CHẤT

Hàng loạt chiến lược đã được đề xuất để đối phó với “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” mà chúng ta đang phải đương đầu. Trong đó có một chiến lược được đề ra từ nhiều năm nay được gọi là phát triển bền vững, tức đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và xã hội trong giới hạn sinh thái của trái đất. Những nỗ lực này đem lại kết quả nào?

Đáng buồn thay, giống như tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, “món nợ sinh thái” đang ngày càng chồng chất. Con người không ngừng khai thác các nguồn tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của thiên nhiên. Liệu có giải pháp nào không? Một nhà sinh học thẳng thắn thừa nhận: “Theo một nghĩa nào đó, chúng ta hoàn toàn không biết phải làm sao để quản lý trái đất một cách hiệu quả”. Tình trạng này rất phù hợp với lời nhận định của Kinh Thánh: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

Kinh Thánh trấn an chúng ta rằng Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, sẽ không để con người khiến môi trường lâm vào tình trạng “phá sản”. Thi-thiên 115:16 viết: “[Đức Chúa Trời] đã ban đất cho con cái  loài người”. Thật vậy, trái đất là một “món quà tốt lành” mà Cha trên trời ban cho chúng ta (Gia-cơ 1:17). Có lẽ nào món quà của Đức Chúa Trời chỉ là tạm thời, như thể kèm theo hạn sử dụng? Hẳn là không! Cấu tạo tự nhiên của trái đất cho thấy rõ điều này.

Ý ĐỊNH CỦA ĐẤNG TẠO HÓA

Sách Sáng-thế Ký trong Kinh Thánh cung cấp thông tin chi tiết về cách Đức Chúa Trời tỉ mỉ sửa soạn trái đất. Ban đầu, trái đất được miêu tả là “vô-hình và trống không, sự mờ-tối ở trên mặt vực”. Nhưng Kinh Thánh cũng cho biết rõ là “nước”, yếu tố thiết yếu cho sự sống, lúc ấy đã có mặt trên trái đất (Sáng-thế Ký 1:2). Kế đến, Đức Chúa Trời phán: “Phải có sự sáng” (Sáng-thế Ký 1:3). Hẳn là ánh sáng mặt trời đã chiếu xuyên qua bầu khí quyển, vì vậy lần đầu tiên ánh sáng có thể thấy được từ trái đất. Tiếp theo, Kinh Thánh tường thuật về quá trình hình thành đất khô và biển (Sáng-thế Ký 1:9, 10). Sau đó xuất hiện “cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình” (Sáng-thế Ký 1:12). Những yếu tố cần cho các quá trình và chu trình thiết yếu cho sự sống, chẳng hạn như quang hợp, đã sẵn sàng. Đức Chúa Trời có ý định nào khi chuẩn bị trái đất chu đáo đến vậy?

Nhà tiên tri thời xưa tên là Ê-sai cho biết Đức Chúa Trời là đấng “đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Rõ ràng, Đức Chúa Trời tạo ra trái đất với ý định đây sẽ là ngôi nhà vĩnh cửu cho con người.

Đáng buồn thay, con người đã lạm dụng trái đất đến mức hủy hoại món quà tuyệt vời này của Đức Chúa Trời. Nhưng ý định của Đấng Tạo Hóa vẫn không thay đổi. Một người sống vào thời xưa nói: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người đặng hối-cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư?” (Dân-số Ký 23:19). Thật vậy, thay vì để cho trái đất bị hủy diệt, không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ ra tay “hủy diệt những kẻ hủy hoại trái đất”.—Khải huyền 11:18.

NGÔI NHÀ VĨNH CỬU CỦA NHÂN LOẠI

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su Ki-tô nói: “Hạnh phúc thay những ai có tính ôn hòa, vì sẽ được thừa hưởng trái đất” (Ma-thi-ơ 5:5). Cũng trong bài giảng ấy, Chúa Giê-su tiết lộ phương tiện  Đức Chúa Trời sẽ dùng để cứu trái đất khỏi sự hủy diệt. Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất”. Đúng vậy, Nước hay chính phủ của Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định của ngài đối với trái đất.—Ma-thi-ơ 6:10.

Về những thay đổi tuyệt diệu mà Nước Trời sẽ mang lại, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Này! Ta sẽ làm nên mọi vật mới” (Khải huyền 21:5). Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ thay thế trái đất bằng một hành tinh mới? Không, vì trái đất của chúng ta vô cùng hoàn hảo. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ “những kẻ hủy hoại trái đất”, tức thế giới gian ác hiện tại cùng các chính phủ loài người. Điều này sẽ được thay thế bằng “trời mới và đất mới”—chính phủ mới ở trên trời, Nước Đức Chúa Trời, cùng xã hội loài người mới trên đất nằm dưới sự cai trị của chính phủ này.—Khải huyền 21:1.

Để xóa bỏ “món nợ” sinh thái do con người gây ra, Đức Chúa Trời sẽ cân bằng lại “quỹ” sinh thái. Khi miêu tả những gì Đức Chúa Trời sẽ làm, một người viết Thi-thiên được hướng dẫn để ghi lại như sau: “Ngài chăm sóc đất, làm cho đất mầu mỡ và rất phì nhiêu”. Với khí hậu ôn hòa và trên hết là sự ban phước của Đức Chúa Trời, trái đất sẽ trở thành địa đàng với dư dật thực phẩm.—Thi-thiên 65:9-13, Bản Dịch Mới.

Thông qua thư ký của mình là Pyarelal, Mohandas Gandhi, nhà lãnh đạo tinh thần của Ấn Độ, đã nhận xét: “Trái đất cung cấp đủ những gì con người cần, không phải những gì con người tham”. Nước Đức Chúa Trời sẽ giải quyết tận gốc các vấn đề trên trái đất bằng cách thực hiện sự thay đổi từ trong lòng con người. Nhà tiên tri Ê-sai báo trước rằng dưới sự cai trị của Nước này, “không ai sẽ làm hại hay hủy diệt” trái đất hoặc người đồng loại (Ê-sai 11:9, BDM). Thật thế, ngày nay hàng triệu người thuộc mọi thành phần trong xã hội đang tìm hiểu về các tiêu chuẩn cao cả của Đức Chúa Trời. Họ được dạy để yêu thương Đức Chúa Trời cùng người đồng loại, thể hiện tinh thần biết ơn, bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và sống phù hợp với ý định của Đấng Tạo Hóa. Họ đang được chuẩn bị sẵn sàng để sống trong địa đàng.—Truyền-đạo 12:13; Ma-thi-ơ 22:37-39; Cô-lô-se 3:15.

Trái đất tuyệt diệu này không thể lâm vào tình trạng “phá sản”

Lời tường thuật về sự sáng tạo trong sách Sáng-thế Ký kết thúc bằng những lời sau: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Đúng vậy, trái đất tuyệt diệu này không thể lâm vào tình trạng “phá sản”. Thật an ủi khi biết rằng tương lai của trái đất được đảm bảo khi nằm trong tay của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài hứa: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi-thiên 37:29). Mong sao bạn cũng được kể trong số những người “công-bình”, những người sẽ được nhận trái đất làm ngôi nhà vĩnh cửu.

^ đ. 3 Được trích từ Truyền-đạo 1:4 trong Kinh Thánh.