Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ NHÀ

Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị khi nào? (Phần 1)

Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị khi nào? (Phần 1)

Dưới đây là cuộc nói chuyện điển hình giữa một Nhân Chứng Giê-hô-va và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Công đến nhà một người tên là Giang.

‘TÌM SỰ HIỂU BIẾT’

Công: Anh Giang à, tôi rất thích các cuộc thảo luận Kinh Thánh đều đặn của chúng ta *. Trong lần gặp vừa rồi, anh nêu lên một câu hỏi về Nước Đức Chúa Trời. Anh hỏi tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng Nước Trời bắt đầu cai trị năm 1914.

Giang: Vâng, tôi đang đọc một ấn phẩm anh đã tặng, trong đó có nói Nước Trời bắt đầu cai trị vào năm 1914. Điều này làm tôi tò mò vì anh nói rằng mọi niềm tin của anh hoàn toàn dựa vào Kinh Thánh.

Công: Đúng rồi.

Giang: Tôi đã đọc hết Kinh Thánh nhưng không thấy câu nào đề cập đến năm 1914. Do đó, tôi xem lại bản dịch Kinh Thánh trực tuyến để tìm “1914”. Nhưng không chỗ nào trong Kinh Thánh ấy có năm này.

Công: Anh Giang có hai điều thật đáng khen, thứ nhất anh đã đọc toàn bộ Kinh Thánh. Hẳn anh rất yêu mến Lời Đức Chúa Trời.

Giang: Vâng, vì không có sách nào giống như vậy.

Công: Chắc chắn rồi. Thứ hai, tôi muốn khen vì anh hướng đến Kinh Thánh để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Anh đã làm đúng với điều Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: ‘Tìm sự hiểu biết’ *. Thật tốt là anh đang nỗ lực như thế.

Giang: Cám ơn anh. Tôi rất muốn tiếp tục tìm hiểu. Thật ra tôi đã nghiên cứu thêm và tìm được vài thông tin về năm 1914 trong sách chúng ta đang học. Trong đó đề cập đến giấc mơ của một vị vua, về một cây to lớn bị đốn và mọc lại hoặc điều gì đó giống như thế.

Công: À, đó là lời tiên tri được ghi nơi sách Đa-ni-ên chương 4, nói về giấc mơ của vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa.

Giang: Chính xác. Tôi đọc đi đọc lại lời tiên tri này. Nhưng thực tình mà nói, tôi vẫn không biết nó liên quan thế nào đến Nước Trời hoặc năm 1914.

Công: Anh Giang biết không, chính nhà tiên tri Đa-ni-ên cũng không hiểu hết ý nghĩa của những điều ông được Đức Chúa Trời hướng dẫn để ghi lại!

Giang: Thật thế à?

Công: Vâng. Nơi Đa-ni-ên 12:8, ông nói: “Ta, Đa-ni-ên, nghe những điều đó, nhưng ta không hiểu”.

Giang: Nghĩa là không phải một mình tôi, vậy thì thấy đỡ hơn.

Công: Thật ra, Đa-ni-ên không hiểu vì chưa đúng thời điểm Đức Chúa Trời cho con người  hiểu rõ ý nghĩa của những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên. Nhưng hiện nay, chính thời kỳ này chúng ta có thể hiểu được.

Giang: Ý của anh là gì?

Công: Hãy chú ý đến điều chúng ta đọc trong câu kế tiếp. Đa-ni-ên 12:9 nói: “Những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối-cùng”. Vì thế, những lời tiên tri này chỉ được hiểu nhiều hơn sau đó, tức trong “kỳ cuối-cùng”. Như chúng ta sẽ xem xét trong buổi thảo luận sau này, mọi bằng chứng cho thấy chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ ấy. *

Giang: Anh có thể giải thích cho tôi lời tiên tri của Đa-ni-ên được không?

Công: Tôi sẽ cố gắng.

GIẤC MƠ CỦA NÊ-BU-CÁT-NẾT-SA

Công: Trước tiên, để tôi tóm tắt điều mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã thấy trong giấc mơ. Rồi chúng ta có thể thảo luận về ý nghĩa của nó.

Giang: Vâng!

Công: Trong giấc mơ, Nê-bu-cát-nết-sa thấy một cây cao lạ thường có ngọn vươn đến trời. Rồi ông nghe sứ giả của Đức Chúa Trời ra lệnh là phải đốn cây ấy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nói phải để lại gốc rễ của cây trong đất. Sau “bảy kỳ”, cây sẽ mọc lại *. Lúc đầu, lời tiên tri này áp dụng cho vua Nê-bu-cát-nết-sa. Dù là một vị vua quyền thế, như cây có ngọn vươn đến trời, nhưng ông bị “đốn” hay mất quyền trong “bảy kỳ”. Anh có nhớ điều gì xảy ra không?

Giang: Không, tôi không nhớ.

Công: Không sao. Kinh Thánh cho biết Nê-bu-cát-nết-sa bị mất trí khôn trong bảy kỳ. Suốt thời gian ấy, ông không thể làm vua. Nhưng cuối bảy kỳ, Nê-bu-cát-nết-sa phục hồi trí khôn và làm vua trở lại. *

Giang: Ồ, tôi hiểu rồi. Nhưng làm sao tất cả những điều này lại liên quan đến Nước Trời và năm 1914?

Công: Nói đơn giản, lời tiên tri này có hai ứng nghiệm. Ứng nghiệm thứ nhất xảy ra khi sự cai trị của Nê-bu-cát-nết-sa bị gián đoạn. Ứng nghiệm thứ hai là khi sự cai trị của Đức Chúa Trời bị gián đoạn. Vì thế, chính sự ứng nghiệm thứ hai này liên quan đến Nước Trời.

Giang: Làm sao anh biết lời tiên tri này có sự ứng nghiệm thứ hai liên quan đến Nước Trời?

Công: Trước hết, chúng ta nhận ra dấu hiệu trong chính lời tiên tri này. Theo Đa-ni-ên 4:17, lời tiên tri này được tuyên bố “hầu cho những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý”. Anh có để ý đến cụm từ “nước của loài người” không?

Giang: Vâng, ở đây nói “Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người”.

Công: Đúng rồi. Theo anh, “Đấng Rất Cao” là ai?

Giang: Tôi đoán là Đức Chúa Trời.

Công: Chính xác. Câu này cho chúng ta biết lời tiên tri ấy không chỉ nói về vua Nê-bu-cát-nết-sa, mà còn liên quan đến “nước của loài người”, tức quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên nhân loại. Và điều này hợp lý khi chúng ta xem xét lời tiên tri trong bối cảnh ấy.

Giang: Ý anh là sao?

ĐỀ TÀI CHÍNH CỦA SÁCH NÀY

Công: Nhiều lần sách Đa-ni-ên trong Kinh Thánh triển khai một đề tài chính, luôn hướng đến việc thiết lập Nước Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của Con ngài là Chúa Giê-su. Chẳng hạn, hãy quay lại những chương trước. Mời anh đọc Đa-ni-ên 2:44.

Giang: Vâng. “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.

 Công: Cám ơn anh. Anh nghĩ câu này có nói đến Nước của Đức Chúa Trời không?

Giang: Ừm, tôi không chắc.

Công: Hãy chú ý câu này nói là Nước ấy sẽ “đứng đời đời”. Điều này đúng với Nước Đức Chúa Trời, nhưng không thể nói như vậy về chính phủ loài người phải không?

Giang: Đúng vậy.

Công: Sách Đa-ni-ên có lời tiên tri khác cũng nói đến Nước Đức Chúa Trời, được ghi nơi Đa-ni-ên 7:13, 14. Liên quan đến một đấng cai trị tương lai, lời tiên tri cho biết: “Người được ban cho quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người. Quyền-thế người là quyền-thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy-phá”. Trong lời tiên tri này, anh thấy có điều gì nghe quen thuộc không?

Giang: Câu này đang đề cập đến một nước.

Công: Đúng rồi, nhưng không phải bất cứ nước nào. Hãy lưu ý câu này cho biết Nước ấy sẽ nắm quyền trên “các dân, các nước, các thứ tiếng”. Nói cách khác, Nước ấy sẽ cai trị khắp đất.

Giang: Thế mà tôi không nhận ra, nhưng anh nói đúng. Câu đó có nói như vậy.

Công: Cũng hãy lưu ý lời tiên tri nói thêm: “Quyền-thế người là quyền-thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy-phá”. Anh có đồng ý là lời tiên tri này có vẻ rất giống lời tiên tri mà chúng ta đã xem nơi Đa-ni-ên 2:44 không?

Giang: Có.

Công: Chúng ta hãy ôn lại những gì vừa thảo luận. Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 4 được tuyên bố để người ta biết “Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người”. Rõ ràng, những lời này cho thấy lời tiên tri ấy được ứng nghiệm rộng hơn sự ứng nghiệm liên quan đến Nê-bu-cát-nết-sa. Và qua toàn bộ sách Đa-ni-ên, chúng ta thấy những lời tiên tri về sự thiết lập Nước Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của Con ngài. Vậy theo anh, có hợp lý để kết luận rằng lời tiên tri này trong sách Đa-ni-ên chương 4 cũng liên quan đến Nước Đức Chúa Trời không?

Giang: Có lẽ vậy. Nhưng tôi vẫn chưa thấy mối liên quan nào với năm 1914.

‘CHO TRẢI QUA BẢY KỲ’

Công: Hãy quay lại vua Nê-bu-cát-nết-sa. Ông tượng trưng cho cây cao lạ thường trong sự ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri. Sự cai trị của vua ấy bị gián đoạn khi cây bị đốn và trải qua bảy kỳ, tức là khi ông mất trí khôn trong một thời gian. Giai đoạn bảy kỳ chấm dứt khi Nê-bu-cát-nết-sa hồi phục trí khôn và làm vua trở lại. Trong sự ứng nghiệm thứ hai của lời tiên tri, sự cai trị của Đức Chúa Trời sẽ bị gián đoạn một thời gian, nhưng không phải vì Đức Chúa Trời thất bại về phương diện nào đó.

Giang: Ý anh là sao?

Công: Vào thời Kinh Thánh, các vị vua Y-sơ-ra-ên cai trị ở Giê-ru-sa-lem được xem là ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” *. Họ đại diện cho Đức Chúa Trời qua việc cai trị dân ngài. Thế nên, sự cai trị của các vị vua này biểu hiện cho sự cai trị của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, với thời gian, hầu hết các vua này trở nên bất tuân với Đức Chúa Trời và phần lớn người dân cũng theo gương xấu  ấy. Vì sự bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên nên Đức Chúa Trời để cho người Ba-by-lôn chiến thắng họ năm 607 trước công nguyên (TCN). Kể từ đó, ở Giê-ru-sa-lem không còn vua nào đại diện cho Đức Giê-hô-va nữa. Do đó, có thể nói sự cai trị của Đức Chúa Trời bị gián đoạn. Anh đã nắm được điều này chưa?

Giang: Ừm, tôi hiểu.

Công: Thế nên, năm 607 TCN đánh dấu khởi đầu bảy kỳ, tức thời điểm sự cai trị của Đức Chúa Trời sẽ bị gián đoạn. Cuối bảy kỳ, Đức Chúa Trời lập lên một vị vua mới để đại diện cho ngài, lần này là một đấng ở trên trời. Khi đó, các lời tiên tri khác trong sách Đa-ni-ên được ứng nghiệm. Câu hỏi quan trọng là: Bảy kỳ chấm dứt khi nào? Nếu có thể trả lời câu hỏi này thì chúng ta mới biết thời điểm Nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị.

Giang: À, để tôi đoán xem, có phải bảy kỳ chấm dứt vào năm 1914 không?

Công: Chính xác! Hay quá!

Giang: Nhưng làm sao chúng ta biết được điều đó?

Công: Khi làm công việc truyền giảng trên đất, Chúa Giê-su cho thấy bảy kỳ vẫn chưa chấm dứt *. Thế nên, hẳn là thời kỳ này kéo dài rất lâu. Bảy kỳ đã bắt đầu hàng trăm năm trước khi Chúa Giê-su xuống đất, và tiếp tục kéo dài cho đến thời điểm nào đó sau khi ngài trở về trời. Cũng hãy nhớ là ý nghĩa của các lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên không được hiểu rõ cho đến “kỳ cuối-cùng” *. Thật thú vị, vào cuối thế kỷ 19, các học viên Kinh Thánh chân thật được thôi thúc để xem xét kỹ lưỡng điều này và các lời tiên tri khác. Họ bắt đầu nhận ra là bảy kỳ sẽ chấm dứt vào năm 1914. Hơn nữa, kể từ lúc đó, các biến cố lớn trên thế giới chứng tỏ năm 1914 chính là năm Nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị trên trời. Đây là lúc thế giới này bước vào những ngày sau cùng, tức thời kỳ cuối cùng. Vậy, tôi biết anh có nhiều điều mới để suy nghĩ đến.

Giang: Vâng, chắc là tôi phải xem lại thông tin này để hiểu rõ.

Công: Đừng lo, chính tôi mất một khoảng thời gian mới hiểu được các lời tiên tri ấy và sự ứng nghiệm của chúng. Nhưng ít ra, tôi hy vọng là cuộc thảo luận này giúp anh thấy niềm tin về Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va dựa trên Kinh Thánh.

Giang: Chắc chắn rồi. Tôi luôn ấn tượng trước cách anh dựa vào Kinh Thánh để giải thích cho niềm tin của mình.

Công: Tôi thấy anh cũng muốn như thế. Như tôi đã nói, có nhiều thông tin mới để anh nghĩ đến cùng một lúc. Có lẽ anh vẫn còn thắc mắc vài điều. Chẳng hạn, chúng ta mới biết bảy kỳ bắt đầu năm 607 TCN và liên quan đến Nước Đức Chúa Trời. Nhưng làm sao chúng ta biết chính xác bảy kỳ này chấm dứt năm 1914? *.

Giang: Vâng, tôi vẫn còn thắc mắc về điều đó.

Công: Kinh Thánh giúp chúng ta xác định khoảng thời gian chính xác của bảy kỳ. Anh có muốn thảo luận đề tài này trong lần tới không? *

Giang: Vâng, được chứ.

Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Bạn có tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.

^ đ. 5 Qua chương trình tìm hiểu Kinh Thánh (miễn phí), Nhân Chứng Giê-hô-va thường có cuộc thảo luận Kinh Thánh theo trình tự với người khác.

^ đ. 21 Xem chương 9 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 63 Trong lời tiên tri liên quan đến những ngày sau cùng, Chúa Giê-su nói: “Thành Giê-ru-sa-lem [đại diện cho sự cai trị của Đức Chúa Trời] sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi thời kỳ của dân ngoại chấm dứt” (Lu-ca 21:24). Vì thế, sự gián đoạn về sự cai trị của Đức Chúa Trời vẫn tiếp diễn trong thời Chúa Giê-su và kéo dài cho đến những ngày sau cùng.

^ đ. 69 Số kế tiếp trong loạt bài này sẽ xem xét những câu Kinh Thánh làm sáng tỏ khoảng thời gian dài bảy kỳ.