Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | MỘT CHÍNH PHỦ KHÔNG CÓ THAM NHŨNG

Sự đồi bại của nạn tham nhũng

Sự đồi bại của nạn tham nhũng

Tham nhũng trong chính phủ đã được định nghĩa là sự lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Việc lạm dụng như thế đã có từ lâu đời. Chẳng hạn, Kinh Thánh có luật cấm nhận hối lộ trong các vụ xét xử, cho thấy thực trạng này đã được biết đến hơn 3.500 năm trước đây (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8). Dĩ nhiên, tham nhũng còn bao hàm nhiều hơn việc chỉ nhận hối lộ. Các quan chức tham nhũng đôi khi chiếm đoạt tài sản, lợi dụng những dịch vụ mà họ không có quyền hạn sử dụng, hoặc thậm chí ăn cắp từ công quỹ. Họ cũng có thể tận dụng địa vị của mình để ưu ái cho bạn bè hoặc người thân một cách không công bằng.

Trong khi nạn tham nhũng có thể tồn tại ở bất cứ tổ chức nào của con người, thì dường như tham nhũng trong chính phủ là vấn nạn tồi tệ nhất. Cuộc khảo sát tham nhũng toàn cầu năm 2013, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) phát hành, cho thấy người ta trên khắp thế giới biết rằng năm cơ quan tham nhũng lớn nhất là đảng chính trị, cảnh sát, viên chức, cơ quan lập pháp và tòa án. Hãy xem một số báo cáo nêu bật vấn đề này.

  • CHÂU PHI: Năm 2013, khoảng 22.000 viên chức ở Nam Phi bị buộc tội có hành vi sai trái về các hoạt động tham nhũng.

  • NAM MỸ: Năm 2012, ở Brazil có 25 người bị kết án vì sử dụng công quỹ để mua chuộc sự ủng hộ về chính trị. Trong số đó có cựu tổng tham mưu trưởng, người có quyền lực lớn thứ hai trong nước này.

  • CHÂU Á: Tại Seoul, Hàn Quốc, 502 người thiệt mạng khi một cửa hàng bách hóa tổng hợp đổ sập năm 1995. Các điều tra viên phát hiện các quan chức thành phố đã nhận hối lộ để cho phép nhà thầu sử dụng bê-tông không đạt tiêu chuẩn và vi phạm luật an toàn.

  • CHÂU ÂU: Bà Cecilia Malmström, Ủy viên Bộ nội vụ thuộc Ủy ban châu Âu cho biết: “Mức độ của vấn đề [tham nhũng tại châu Âu] gây sửng sốt”. Bà cho biết thêm: “Việc chính phủ quyết tâm để thực sự nhổ tận gốc nạn tham nhũng dường như còn thiếu”.

Nạn tham nhũng trong chính phủ đã đâm rễ sâu. Giáo sư Susan Rose-Ackerman, một chuyên gia về đề tài chống tham nhũng, viết rằng việc cải cách đòi hỏi thực thi “những thay đổi cơ bản về cách chính phủ hoạt động”. Trong khi hiện trạng dường như vô phương cứu chữa thì Kinh Thánh cho biết sự thay đổi lớn hơn không những có thể thực hiện được mà chắc chắn sẽ diễn ra.