Lễ vật xứng đáng dâng vua
“Các nhà chiêm tinh từ phương đông... mở hộp châu báu lấy vàng, nhũ hương và trầm hương dâng cho ngài làm lễ vật”.—Ma-thi-ơ 2:1, 11.
Bạn sẽ chọn món quà nào để tặng cho một người rất quan trọng? Vào thời Kinh Thánh, một số loại hương liệu thì quý như vàng, có giá trị đến mức được xem là lễ vật xứng đáng dâng lên vua *. Vì vậy, trong số những lễ vật mà các nhà chiêm tinh dâng cho “vua dân Do Thái” có hai loại hương liệu.—Ma-thi-ơ 2:1, 2, 11.
Kinh Thánh cũng tường thuật câu chuyện nữ vương nước Sê-ba đến diện kiến vua Sa-lô-môn và đã “tặng vua 120 ta-lâng vàng cùng với đá quý và rất nhiều tinh dầu nhũ hương. Sau này chẳng có ai mang đến tinh dầu nhũ hương như nữ hoàng Sê-ba đã tặng vua Sa-lô-môn” * (2 Sử-ký 9:9, NW). Các vua khác cũng dâng tinh dầu nhũ hương lên vua Sa-lô-môn để tỏ thiện ý.—2 Sử-ký 9:23, 24.
Tại sao những loại hương liệu này và các sản phẩm liên quan lại có giá trị và quá đắt đỏ vào thời Kinh Thánh? Vì chúng góp phần đáng kể trong đời sống như được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp, nghi lễ tôn giáo và an táng (Xem khung “ Dùng hương liệu vào thời Kinh Thánh”). Ngoài nhu cầu sử dụng cao, các loại hương liệu đắt đỏ là do chi phí vận chuyển và quảng bá sản phẩm.
BĂNG QUA SA MẠC Ả RẬP
Vào thời Kinh Thánh, một số cây cỏ thơm mọc ở thung lũng Giô-đanh, nhưng các loại hương liệu khác thì được mang sang từ nước ngoài. Vô số loại hương liệu được đề cập trong Kinh Thánh, trong đó có nhiều loại quen thuộc như nghệ tây, kỳ nam, nhũ hương, quế, nhựa thơm trắng và một dược. Ngoài ra, còn có nhiều loại gia vị thực phẩm phổ biến như thì là Ai Cập, bạc hà và tiểu hồi.
Những loại hương liệu lạ thường này đến từ đâu? Kỳ nam, cây muồng và quế được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka. Các loại hương liệu như nhựa thơm trắng và một dược đến từ các cây và cây bụi mọc ở vùng sa mạc, trải dài từ phía nam Ả Rập đến Somalia ở châu Phi. Cây cam tùng là sản phẩm rất đặc biệt của Ấn Độ đến từ vùng Himalayas.
Để đến được xứ Y-sơ-ra-ên (Israel), nhiều loại hương liệu phải được vận chuyển băng ngang qua Ả Rập. Một cuốn sách nói về hương liệu (The Book of Spices) cho biết nhờ lợi thế đó mà Ả Rập trở thành “nước độc quyền vận chuyển nhiều món hàng qua lại giữa phương đông và phương
tây” trong suốt thiên niên kỷ thứ hai và thứ nhất trước công nguyên (TCN). Người ta phát hiện các thành phố cổ, pháo đài và trạm dừng chân ở vùng Negev miền nam Israel có vết tích của tuyến đường mà các nhà buôn đã đi qua. Trung tâm Di sản thế giới của tổ chức UNESCO cho biết, những nơi này cũng “cho thấy ngành thương mại siêu lợi nhuận... từ miền nam Ả Rập đến Địa Trung Hải”.“Gói nhỏ, giá cao và nhu cầu ổn định, hương liệu là món hàng rất được ưa chuộng”.—The Book of Spices
Đoàn lữ hành chở đầy hương liệu thường đi chặng đường xa xôi khoảng 1.800km để băng qua Ả Rập (Gióp 6:19). Kinh Thánh có nói đến đoàn nhà buôn người Ích-ma-ên đã chở đầy “nhựa thơm, nhũ hương và vỏ cây có nhựa” (Sáng-thế Ký 37:25). Các con trai của Gia-cốp đã bán em mình là Giô-sép làm nô lệ cho các nhà buôn này.
“BÍ MẬT BUÔN BÁN QUA MỌI THỜI”
Qua hàng thế kỷ, những nhà buôn Ả Rập đã chiếm lĩnh hầu hết các cuộc mua bán hương liệu. Họ trở thành những người cung cấp độc quyền hương liệu từ châu Á, chẳng hạn cây muồng và quế. Để những người trong vùng Địa Trung Hải không muốn mua bán trực tiếp nguồn hàng này ở miền đông, người Ả Rập đã lan truyền những câu chuyện tưởng tượng về các mối nguy hiểm trong việc thu gom hương liệu. Theo sách The Book of Spices, nguồn hương liệu “rất có thể là bí mật mua bán qua mọi thời”.
Người Ả Rập đã lan truyền những chuyện gì? Sử gia Hy Lạp là Herodotus, sống vào thế kỷ thứ năm TCN, cho biết câu chuyện về những con chim đáng sợ xây tổ bằng vỏ quế trên các vách đá mà không ai đến được. Để lấy được loại hương liệu quý giá này, người gom hàng phải đặt những
miếng thịt lớn ở chân vách đá. Những chú chim háu ăn tha nhiều thịt về tổ đến nỗi làm tổ bị rơi xuống đất. Rồi những người này mau chóng nhặt vỏ quế để bán lại cho các nhà buôn. Những câu chuyện như thế trở nên phổ biến. Cuốn sách trên cho biết rằng nhờ đó mà quế được bán giá rất cao vì được cho là nguy hiểm lắm mới lấy được.Cuối cùng, bí mật của người Ả Rập bị lộ và họ không còn độc quyền nữa. Đến thế kỷ thứ nhất TCN, thành phố Alexandria ở Ai Cập đã trở thành một cảng lớn và là trung tâm thương mại của hương liệu. Một khi thủy thủ biết cách tận dụng hướng gió mùa của Ấn Độ Dương, thì các đoàn tàu La Mã giong buồm từ những bến cảng Ai Cập đến Ấn Độ. Vì vậy mà các loại hương liệu xa xỉ trở nên đa dạng hơn và giá cả phải chăng hơn.
Ngày nay, giá trị của các loại hương liệu không còn quý như vàng nữa. Và chúng ta khó xem các loại hương liệu là những lễ vật tương xứng dâng lên vua. Tuy nhiên, hàng triệu người trên khắp thế giới tiếp tục sử dụng chúng để làm nước hoa, dược phẩm và dĩ nhiên để gia tăng hương vị cho món ăn. Quả thật, ngày nay người ta vẫn còn ưa chuộng những hương liệu đầy quyến rũ như cách đây hàng ngàn năm.
^ đ. 3 Trong Kinh Thánh, từ nguyên thủy được dịch là “hương liệu”, “thuốc thơm” hoặc “gia vị” chủ yếu nói đến các sản phẩm chiết xuất từ những cây có mùi thơm nồng hoặc thơm ngát, chứ không phải gia vị thực phẩm.
^ đ. 4 “Tinh dầu nhũ hương” ở đây muốn nói đến dầu thơm hoặc chất nhựa được lấy từ các cây hoặc cây bụi.