Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Đại đội trưởng có vai trò nào trong quân đội La Mã?

Bia đại đội trưởng Marcus Favonius Facili

Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có đề cập đến một số đại đội trưởng La Mã. Viên quan giám sát việc Chúa Giê-su bị hành hình là người giữ cấp bậc đó. Cọt-nây, người ngoại đầu tiên cải sang Ki-tô giáo, cũng là đại đội trưởng. Vị quan giám sát việc tra khảo sứ đồ Phao-lô và viên quan tên Giu-lơ, người hộ tống Phao-lô đến La Mã, đều là đại đội trưởng.—Mác 15:39; Công vụ 10:1; 22:15; 27:1.

Một đại đội trưởng thường chỉ huy những đội binh gồm 50 đến 100 lính bộ. Nhiệm vụ của ông là huấn luyện, kỷ luật binh sĩ, kiểm tra quần áo, khí giới và chỉ huy cuộc hành quân.

Đại đội trưởng là cấp bậc cao nhất mà một binh lính có thể vươn tới. Những người đảm nhiệm chức vụ này là những binh sĩ theo nghiệp binh và phải có tài lãnh đạo. Tính kỷ luật và sự hùng mạnh của đạo binh La Mã tùy thuộc vào các đại đội trưởng. Một tài liệu cho biết, các đại đội trưởng “thường là người có kinh nghiệm và am hiểu chiến trận nhất trong quân đội”.

Chiếc gương vào thời Kinh Thánh khác thế nào với gương thời nay?

Chiếc gương Ai Cập thời xưa

Không giống như những gương thủy tinh ngày nay, gương thời Kinh Thánh thường làm bằng kim loại được đánh bóng loáng, bằng đồng đỏ nhưng cũng có thể là đồng, bạc, vàng hoặc hợp kim vàng bạc. Những chiếc gương được đề cập lần đầu trong Kinh Thánh liên quan đến việc xây dựng đền tạm, là trung tâm thờ phượng đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên. Phụ nữ đóng góp gương để chế ra thùng và chân thùng bằng đồng (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:8). Dường như những chiếc gương được nấu chảy để dùng cho trường hợp này.

Qua các cuộc khai quật về khảo cổ ở trong và xung quanh xứ Israel, người ta đã tìm thấy những chiếc gương nằm chung với châu báu và những đồ trang sức khác của phụ nữ. Thông thường những gương này có hình tròn, tay cầm bằng gỗ, kim loại hoặc ngà voi, đa số có hình dáng phụ nữ. Mặt sau của gương thì không được đánh bóng và thường không được trang hoàng.

Gương vào thời xưa không phản chiếu rõ bằng gương thủy tinh ngày nay. Rất có thể đây là điều sứ đồ Phao-lô muốn ám chỉ khi nói: “Hiện nay chúng ta chỉ thấy những đường nét mờ ảo qua cái gương kim loại”.—1 Cô-rinh-tô 13:12.