Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Một di sản truyền qua bảy thế hệ

Một di sản truyền qua bảy thế hệ

Người ta nói tôi giống cha như đúc, từ tướng đi, đôi mắt và tính khôi hài. Nhưng cha cũng để lại một điều: Di sản quý báu truyền qua bảy thế hệ. Hãy để tôi giải thích.

Hai cha con đang tìm hiểu di sản của gia đình

Nội tổ tôi là Thomas (1) * Williams sinh ngày 20 tháng 1 năm 1815, tại Horncastle, Anh Quốc. Mẹ của nội tổ qua đời hai năm sau đó, nên cha của nội tổ là John Williams nuôi dưỡng bốn người con. Ông muốn nội tổ học nghề mộc nhưng nội tổ lại muốn học nghề khác.

Lúc đó, sự phục hưng tôn giáo lan rộng khắp Anh Quốc. Nhà thuyết giáo John Wesley tách khỏi Giáo hội Anh để thành lập Giám Lý Hội, đây là một nhóm người chú trọng việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân và truyền bá Phúc âm. Sự dạy dỗ của ông Wesley nhanh chóng lan rộng và gia đình Williams bám chặt vào sự dạy dỗ ấy. Nội tổ Thomas nhanh chóng trở thành nhà truyền giáo và tình nguyện làm giáo sĩ ở Nam Thái Bình Dương. Vào tháng 7 năm 1840, ông cùng vợ mới cưới là Mary, (2) đến đảo Lakeba, * Fiji, một đảo núi lửa mà lúc đó có những kẻ ăn thịt người.

SỐNG GIỮA NHỮNG KẺ ĂN THỊT NGƯỜI

Những năm đầu ở Fiji, vợ chồng nội tổ Thomas và Mary trải qua bao gian nan. Họ lao động cực nhọc hàng giờ trong điều kiện hoang sơ và cái nóng bức nhiệt đới. Họ cũng đối mặt với nỗi kinh hoàng không thể tưởng—chiến tranh bộ tộc, nạn ăn thịt người, góa phụ bị bóp cổ và trẻ sơ sinh bị giết—và nhìn chung thì dân địa phương phản đối thông điệp họ rao giảng. Bà nội tổ cùng người con đầu lòng là John mắc bệnh và sắp chết. Năm 1843, Thomas viết: “Lòng tôi rối bời... Tôi vô cùng tuyệt vọng”. Tuy nhiên, vợ chồng nội tổ vẫn kiên trì vì có được sức mạnh nhờ đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Trong thời gian đó, nội tổ Thomas đã tận dụng năng khiếu thợ mộc của mình để cất một ngôi nhà kiểu châu Âu đầu tiên ở Fiji. Căn nhà nổi bật với kiểu nhà sàn nên có gió luồn từ dưới lên. Dân Fiji rất hiếu kỳ trước cách thiết kế này. Ngay trước khi ngôi nhà hoàn thành, bà nội tổ Mary sanh người con thứ hai là Thomas Whitton (3) Williams, tổ tiên trực hệ của tôi.

Năm 1843, nội tổ Thomas giúp dịch Phúc âm Giăng ra tiếng Fiji, một công việc đầy thách đố. * Tuy nhiên, ông là nhà nhân loại học tài năng có tài quan sát tường tận mọi điều. Ông ghi lại tỉ mỉ công cuộc nghiên cứu của mình trong sách Fiji and the Fijians (1858), một tác phẩm văn chương chất lượng cao nói về đời sống của người Fiji vào thế kỷ 19.

Sau 13 năm làm việc cực nhọc ở Fiji , sức khỏe của nội tổ xuống dốc trầm trọng, ông và gia đình phải chuyển sang Úc. Sau thời gian dài đảm nhiệm xuất sắc chức mục sư, nội tổ đã qua đời năm 1891 tại Ballarat, bang Victoria.

“VÀNG” PHƯƠNG TÂY

Năm 1883, ông Thomas Whitton Williams và vợ là Phoebe, (4) chuyển gia đình đến Perth ở Tây Úc. Con trai thứ hai của họ là Arthur Bakewell (5) Williams, tổ tiên trực hệ kế tiếp của tôi, lúc đó được chín tuổi.

Khi 22 tuổi, ông Arthur đi tìm vận may ở Kalgoorlie, lúc bấy giờ là thị trấn phồn thịnh nhờ có mỏ vàng cách phía đông Perth 600km. Tại đây, ông đọc một số ấn phẩm của Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế, sau này được gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông cũng đặt mua dài hạn tạp chí Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower). Thích thú trước những gì đọc được, ông Arthur bắt đầu chia sẻ kiến thức mới với người khác và tổ chức các buổi học Kinh Thánh. Từ sự khởi đầu khiêm tốn này mà công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại được phát triển ở Tây Úc.

Ông Arthur cũng chia sẻ với gia đình những gì mình biết được. Cha ông là Thomas Whitton đã ủng hộ việc Arthur kết hợp với các Học Viên Kinh Thánh nhưng không lâu sau thì cha ông qua đời. Mẹ của ông Arthur là bà Phoebe, hai em gái ông là Violet và Mary cũng trở thành Học Viên Kinh Thánh. Bà Violet là tiên phong, tức người dành nhiều thời gian để rao giảng. Ông Arthur nói rằng Violet là “tiên phong sốt sắng, nhiệt tình nhất ở tiểu bang Tây Úc”. Có lẽ ông Arthur thiên vị nhưng gương sốt sắng của Violet ảnh hưởng mạnh đến thế hệ sau của gia đình Williams.

Với thời gian, ông Arthur kết hôn và chuyển đến Donnybrook, một thị trấn trồng cây ăn trái ở tây nam của tiểu bang Tây Úc. Tại đây, ông có biệt danh là “ông già điên 1914!” vì sốt sắng truyền bá các lời tiên tri của Kinh Thánh nói về năm đó. * Cuộc trêu chọc ấy chấm dứt khi Thế Chiến I bùng nổ. Ông Arthur thường làm chứng cho khách hàng ở cửa tiệm của mình, nơi ông trưng bày các ấn phẩm Kinh Thánh tại cửa sổ cho dễ thấy. Ở đó cũng có một bảng ghi là thưởng 100 bảng Anh cho ai có thể chứng minh được thuyết Chúa Ba Ngôi, tức một giáo lý không có trong Kinh Thánh mà ông Arthur đã kịch liệt phản đối. Không ai nhận được tiền thưởng.

Nhà Williams trở thành nơi nhóm lại để học Kinh Thánh theo từng nhóm và các buổi nhóm họp của hội thánh ở Donnybrook. Sau này, Arthur xây một Phòng Nước Trời, tức nơi nhóm họp, trong thị trấn. Đó là một trong những Phòng Nước Trời đầu tiên ở Tây Úc. Gần 80 tuổi, ông vẫn mặc vét, thắt cà vạt và cưỡi con ngựa già tên Doll đi rao giảng khắp nơi ở Donnybrook.

Gương của ông Arthur tác động nhiều đến các con. Ông là người đàng hoàng, trầm tính nhưng rất sốt sắng. Con gái ông là Florence (6) làm giáo sĩ ở Ấn Độ. Hai con trai là Arthur Lindsay (7) và Thomas, giống như cha, làm trưởng lão lâu năm trong hội thánh.

QUÝ BÀ WILLIAMS NGỌT NGÀO

Ông cố nội tôi là Arthur Lindsay Williams rất tử tế nên được nhiều người biết đến và yêu mến. Ông luôn dành thời gian cho mọi người và đối xử với họ cách tôn trọng. Ông cũng là nhà vô địch chẻ củi, đoạt 18 giải thưởng người chẻ củi tại địa phương trong 12 năm.

Tuy nhiên, ông Arthur bực bội khi cậu con trai hai tuổi là Ronald (8) (ông nội tôi) cầm rìu bổ vào cây táo ở gần nhà. Mẹ của Ronald thận trọng quấn băng quanh cây, nhờ vậy mà cây táo cho ra quả ngọt lạ thường. Loại táo này được đặt tên là Quý Bà Williams, một loại táo mới trở thành giống gốc của loại Cripps Pink. Đây là một trong những loại táo nổi tiếng nhất thế giới.

Ông Ronald hay như tôi thường gọi là “Gramp”, sau này theo đuổi những mục tiêu hữu ích hơn. Ông bà nội tôi nhiều năm làm tình nguyện viên cho các dự án xây cất của Nhân Chứng ở Úc và Quần Đảo Solomon. Giờ đây, ông Gramp đã gần 80 tuổi nhưng vẫn làm trưởng lão ở hội thánh và giúp xây cất, tân trang Phòng Nước Trời ở Tây Úc.

QUÝ TRỌNG DI SẢN CỦA TÔI

Cha mẹ tôi là Geoffrey (9) và Janice (10) Williams đã tiếp nối di sản của gia đình. Cha mẹ làm việc cật lực để nuôi dạy tôi (12) cùng em gái Katharine (11) biết quý trọng những nguyên tắc Kinh Thánh. Đến khi 13 tuổi, tôi có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Khi tham dự hội nghị của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, tôi nghe anh John E. Barr, thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, khuyến khích người trẻ trong cử tọa: “Đừng lãng phí điều quý giá nhất bạn đang có, tức cơ hội được biết và yêu thương Đức Giê-hô-va”. Tối hôm ấy, tôi cầu nguyện rằng sẽ cống hiến đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Hai năm sau, tôi bắt đầu làm tiên phong.

Hiện nay, tôi thích công việc rao giảng trọn thời gian cùng vợ là Chloe ở Tom Price, một thị trấn mỏ xa xôi ở tây bắc của tiểu bang Tây Úc. Chúng tôi làm việc bán thời gian để chu cấp cho mình. Cha mẹ tôi và em tôi là Katharine cùng chồng là Andrew làm tiên phong ở Port Hedland, cách Tom Price 420km về phía bắc. Hai cha con tôi cũng làm trưởng lão hội thánh.

Cách đây bảy thế hệ, nội tổ Thomas Williams đã quyết tâm phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Di sản về đức tin và việc phụng sự Đức Giê-hô-va đã truyền đến đời tôi. Thật sự tôi cảm thấy mình có phước vì được hưởng di sản thiêng liêng đồ sộ như thế.

^ Con số tương ứng với từng thành viên trong hình kế tiếp.

^ Trước kia được gọi là đảo Lakemba, phía đông của đảo Lau Group thuộc Fiji.

^ Giáo sĩ John Hunt dịch phần lớn Tân ước ra tiếng Fiji và đã được xuất bản năm 1847. Bản dịch này rất đáng chú ý vì trong đó có dùng tên của Đức Chúa Trời là “Jiova”.

^ Xem phụ lục “1914—Một năm quan trọng theo lời tiên tri của Kinh Thánh” trong sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và cũng có tại www.pr418.com/vi.