Duyên dáng tuổi già
Bạn cảm thấy thế nào khi nghĩ mình ngày càng cao tuổi? Nhiều người bận tâm, lo lắng, thậm chí sợ hãi. Vì khi về già, người ta thường đối diện với những điều tiêu cực, chẳng hạn trông có vẻ già hơn, cơ thể suy nhược, trí nhớ kém và mắc phải những căn bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, sự thật là không phải ai cũng giống ai khi về già. Một số người thì có sức khỏe tương đối tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Những tiến bộ y khoa cũng giúp người ta điều trị và kiểm soát các bệnh mạn tính. Kết quả là trong một số quốc gia, ngày càng có nhiều người sống thọ, sống khỏe hơn.
Dù đối mặt với những vấn đề liên quan đến tuổi tác hay không, phần lớn người ta đều mong muốn mình duyên dáng khi về già. Bằng cách nào? Ở mức độ nào đó, điều này tùy thuộc vào thái độ cũng như sự sẵn lòng lẫn khả năng thích nghi trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Để có được điều này, chúng ta hãy xem một số nguyên tắc đơn giản và thực tiễn của Kinh Thánh.
KHIÊM TỐN: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng” (Châm-ngôn 11:2). Trong bối cảnh này, “người khiêm-nhượng”, tức khiêm tốn có thể ám chỉ đến những người cao niên biết thừa nhận và chấp nhận những giới hạn của tuổi già, chứ không cố phủ nhận hoặc lờ đi. Ông Charles 93 tuổi ở Brazil, nhìn nhận cách thực tế: “Nếu bạn sống thọ, tất nhiên là bạn phải lớn tuổi rồi. Không thể nào quay ngược thời gian”.
Tuy nhiên, khiêm tốn không có nghĩa là có thái độ bất cần như: “Tôi già rồi, chẳng còn thiết tha điều gì nữa”. Thái độ ấy có thể làm mất đi lòng nhiệt thành của một người. Một câu châm ngôn nói: “Nếu con ngã lòng trong ngày gặp nghịch cảnh, sức lực con quả thật quá yếu” (Châm-ngôn 24:10, ĐNB). Thay vì thế, một người khiêm tốn thể hiện sự khôn ngoan, có thái độ tích cực và cố gắng hết sức mình.
Ông Corrado 77 tuổi ở Ý bộc bạch: “Khi cao tuổi, nếu muốn tiếp tục tiến tới thì bạn cần phải chậm lại”. Thật vậy, khi càng lớn tuổi thì cần phải điều chỉnh lại. Ông Corrado và vợ đã có quan
điểm thăng bằng về công việc nhà, biết cách sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để tránh kiệt sức vào cuối ngày. Bà Marian 81 tuổi ở Brazil, cũng có cái nhìn thực tế về tuổi tác, cho biết: “Tôi biết sức của mình. Lúc làm việc nhà, tôi nghỉ ngơi một chút khi cần. Tôi ngồi nghỉ hoặc nằm dài để đọc sách hay nghe nhạc. Tôi chấp nhận là mình không thể làm điều mình từng làm trước đây”.THĂNG BẰNG: “Người nữ hãy ăn mặc tươm tất, với lòng khiêm tốn và biết suy xét” (1 Ti-mô-thê 2:9). Cụm từ “ăn mặc tươm tất” có nghĩa là thăng bằng và biết cách phục sức trang nhã. Bác Barbara 74 tuổi ở Canada nói: “Tôi cố gắng ăn mặc tươm tất và sạch sẽ. Tôi không muốn ăn mặc ‘quê mùa’ với cảm tưởng ‘mình già rồi, cần gì quan tâm đến ngoại diện’”. Bà Fern 91 tuổi ở Brazil nói: “Thỉnh thoảng tôi mua vài bộ đồ mới để làm mình vui”. Nói sao về người nam cao niên? Bác Antônio 73 tuổi ở Brazil cho biết: “Tôi cố gắng để trông mình lịch sự, mặc quần áo thơm tho, sạch sẽ”. Về vệ sinh thân thể, bác nói thêm: “Tôi tắm và cạo râu mỗi ngày”.
Mặt khác, quan trọng là đừng chú trọng đến ngoại diện đến nỗi không “biết suy xét”. Bác Bok-im 69 tuổi ở Hàn Quốc có quan điểm thăng bằng về cách phục sức. Bác cho biết: “Tôi ý thức rằng việc ăn mặc như khi còn trẻ quả thật không thích hợp chút nào”.
TÍCH CỰC: “Người khốn khổ thấy mỗi ngày đều là hoạn nạn, nhưng tấm lòng vui mừng dự tiệc luôn luôn” (Châm-ngôn 15:15, Bản Dịch Mới). Khi cao tuổi, có lẽ bạn suy nghĩ tiêu cực mỗi khi nhớ lại thời trẻ đầy sức sống và có khả năng làm được nhiều thứ. Điều này thật dễ hiểu. Tuy nhiên, hãy nỗ lực không để cảm xúc tiêu cực lấn át. Luyến tiếc quá khứ có thể làm bạn buồn bã mỗi ngày, khiến bạn không muốn thực hiện điều mình có thể làm. Ông Joseph 79 tuổi ở Canada, suy nghĩ tích cực: “Tôi cố gắng tận hưởng những điều mình có thể và không nuối tiếc về những điều mình từng làm được nhưng bây giờ thì không”.
Việc đọc sách và học hỏi cũng có thể giúp bạn cảm thấy tích cực hơn, đầu óc được mở mang. Vì thế, trong khả năng của mình, hãy tận dụng cơ hội để đọc và học hỏi những điều mới. Bác Ernesto 74 tuổi ở Philippines đến thư viện và tìm những cuốn sách hay để đọc. Bác nói: “Tôi vẫn thích đi thám hiểm, việc đọc sách giống như được đi đây đi đó”. Bác Lennart 75 tuổi ở Thụy Điển ngay cả còn học một ngôn ngữ mới.
RỘNG RÃI: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em” (Lu-ca 6:38). Hãy học cách chia sẻ thời gian và của cải cho người khác. Điều này mang đến cho bạn cảm giác thỏa lòng và hạnh phúc. Bà Hosa 85 tuổi ở Brazil cố gắng giúp đỡ người khác dù bị giới hạn về thể chất. Bà nói: “Tôi gọi điện hỏi thăm các bạn bị bệnh hoặc nản lòng, rồi viết thư cho họ, đôi khi gửi cho họ món quà nho nhỏ. Tôi cũng thích nấu ăn và làm bánh cho những người bị bệnh”.
Lòng rộng rãi cũng dễ truyền sang người khác. Bác Jan 66 tuổi ở Thụy Điển tâm sự: “Khi bạn yêu thương người khác, thì người khác sẽ mến và yêu thương bạn”. Thật vậy, người rộng rãi có lòng biết ơn và tạo cảm giác ấm áp nên người khác có được niềm vui.
THÂN THIỆN: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật” (Châm-ngôn 18:1). Dù đôi khi bạn muốn ở một mình, nhưng đừng cô lập và rút vào vỏ ốc. Bác Innocent 72 tuổi ở Nigeria, thích có bạn bè ở xung quanh. Bác cho biết: “Tôi thích kết bạn với người thuộc mọi lứa tuổi”. Ông Börje 85 tuổi ở Thụy Điển nói: “Tôi cố gắng hòa nhập với người trẻ. Sự năng động của họ làm tôi cảm thấy mình trẻ lại, ít nhất là trong tâm hồn”. Thỉnh thoảng hãy chủ động mời bạn bè đến nhà. Bác Han-sik 72 tuổi ở Hàn Quốc nói: “Vợ chồng tôi thích mời bạn bè thuộc mọi lứa tuổi, già lẫn trẻ, đến họp mặt hoặc ăn tối”.
Những người thân thiện rất thích trò chuyện. Nhưng do sự trò chuyện cần có hai chiều nên bạn phải là người biết lắng nghe. Hãy biểu lộ lòng quan tâm đến người khác. Bác Helena 71 tuổi ở Mozambique bộc bạch: “Tôi thân thiện và đối xử với người khác cách tôn trọng. Tôi lắng nghe họ tâm sự để biết được họ nghĩ gì, thích gì”. Bác José 73 tuổi ở Brazil nói: “Người ta thích ở gần những ai biết lắng nghe, tức những người biết thông cảm, có lòng quan tâm, cho lời khen đúng lúc và có tính hài hước”.
Khi bày tỏ cảm nghĩ, ‘lời nói bạn phải luôn tử tế’ (Cô-lô-se 4:6). Hãy khích lệ và nghĩ đến người khác.
BIẾT ƠN: “Hãy tỏ lòng biết ơn” (Cô-lô-se 3:15). Khi nhận sự giúp đỡ, hãy tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm của người khác. Lời nói thể hiện lòng biết ơn sẽ tạo mối quan hệ tốt. Bác Marie-Paule 74 tuổi ở Canada tâm sự: “Gần đây vợ chồng tôi chuyển đến sống ở căn hộ. Nhiều bạn bè đến giúp chúng tôi. Vì cảm thấy nói lời cảm ơn vẫn chưa đủ, nên chúng tôi đã gửi thiệp cảm ơn đến mỗi người và sau đó mời vài người đến dùng bữa”. Bác Jae-won 76 tuổi ở Hàn Quốc rất biết ơn vì được anh em đồng đạo đưa đón đến Phòng Nước Trời, tức nơi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bác nói: “Tôi rất biết ơn mọi người đã giúp đỡ và muốn phụ tiền xăng cho anh em. Thỉnh thoảng tôi chuẩn bị vài món quà nhỏ có ghi lời cảm ơn”.
Trên hết, hãy biết ơn cuộc sống. Vị vua khôn ngoan tên là Sa-lô-môn nhắc nhở chúng ta: “Con chó sống hơn là sư-tử chết” (Truyền-đạo 9:4). Thật vậy, nếu có thái độ đúng và sẵn sàng thích ứng, thì bạn có thể trở nên duyên dáng khi về già.