Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đạo đức giả! Chừng nào mới chấm dứt?

Đạo đức giả! Chừng nào mới chấm dứt?

Bà Panayiota lớn lên trên một hòn đảo ở Địa Trung Hải. Lúc còn trẻ, bà rất quan tâm đến chính trị. Sau này bà làm thư ký cho một đảng phái ở ngôi làng nơi bà sống. Bà thậm chí còn đi đến từng nhà để vận động gây quỹ cho đảng. Nhưng với thời gian, bà Panayiota bị vỡ mộng. Sự tham vọng, bất đồng, ganh tỵ, thiên vị người thân cứ tồn tại trong đảng phái, mặc dù các thành viên vẫn xưng hô với nhau cách thân mật.

Ông Daniel được nuôi dạy trong một gia đình sùng đạo ở Ai Len. Tuy nhiên, thật đáng buồn, đến nay ông vẫn nhớ như in hình ảnh đạo đức giả của các linh mục. Họ thuyết giáo rằng ông sẽ bị đốt trong hỏa ngục nếu phạm tội, trong khi đó bản thân họ lại chè chén say sưa, cờ bạc và ăn cắp tiền quyên góp.

Ông Jeffery dành phần lớn sự nghiệp trong ngành tiếp thị và bán hàng. Ông làm việc cho một công ty tàu quốc tế có văn phòng ở Anh Quốc và Hoa Kỳ. Ông nhớ lại nhiều trường hợp các khách hàng và đối thủ cạnh tranh tìm mọi cách để gian lận khi thương lượng với viên chức nhà nước. Thật đạo đức giả khi họ sẵn lòng nói bất cứ điều gì để giành được hợp đồng.

Đáng tiếc, đây không phải là những trường hợp duy nhất. Thói đạo đức giả vô cùng phổ biến ngày nay trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, từ chính trị, tôn giáo cho đến thương mại. Trong một số ngôn ngữ, từ “đạo đức giả” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là hypokrites. Điều này thật thích hợp vì từ hypokrites mô tả một diễn giả hoặc diễn viên trên sân khấu, thường mang mặt nạ. Với thời gian, từ này bắt đầu được dùng để chỉ bất kỳ ai có những việc làm giả tạo để lừa dối người khác hoặc để đạt được những mục tiêu ích kỷ.

Thói đạo đức giả có thể gây ra những cảm xúc mạnh mẽ nơi các nạn nhân, như cay đắng, giận dữ và thù oán. Trong lúc tức giận, họ có thể thốt lên: “Đạo đức giả! Chừng nào mới chấm dứt?”. Thật biết ơn vì Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, cho chúng ta lý do để tin rằng điều đó sẽ chấm dứt.

ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CON NGÀI NGHĨ GÌ VỀ THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ?

Theo Kinh Thánh, thói đạo đức giả bắt nguồn từ một tạo vật thần linh vô hình, chứ không phải từ trong nhân loại. Ngay lúc ban đầu của lịch sử loài người, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt đã dùng con rắn như một chiếc mặt nạ. Để lừa gạt người đàn bà đầu tiên Ê-va, hắn tỏ vẻ có nhã ý muốn giúp đỡ bà (Sáng-thế Ký 3:1-5). Kể từ đó, nhiều người cũng mang lấy cho mình lớp vỏ bọc bên ngoài để lừa gạt người ta và đạt được những mục tiêu ích kỷ.

Khi dân Y-sơ-ra-ên thời xưa rơi vào sự thờ phượng sai lầm và có lòng tin kính giả tạo, Đức Chúa Trời đã nhiều lần cảnh báo họ về hậu quả. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Giê-hô-va Đức Chúa Trời tuyên bố: “Dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi-miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm” (Ê-sai 29:13). Khi dân Y-sơ-ra-ên không chịu thay đổi, Đức Chúa Trời để cho các nước ngoại bang phá hủy trung tâm tôn giáo của họ, tức thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó, đầu tiên là bởi người Ba-by-lôn vào năm 607 TCN, và cuối cùng là bởi quân đội La Mã vào năm 70 CN. Rõ ràng, Đức Chúa Trời không dung túng mãi cho thói đạo đức giả.

Mặt khác, Đức Chúa Trời và Con ngài là Chúa Giê-su rất quý trọng những người trung thực và chân thành. Chẳng hạn, khi Chúa Giê-su bắt đầu làm công việc truyền giáo, một người đàn ông tên Na-tha-na-ên đến gặp ngài. Khi thấy ông, Chúa Giê-su nói: “Kìa, một người Y-sơ-ra-ên không có chút dối trá nào trong lòng” (Giăng 1:47). Na-tha-na-ên, cũng được gọi là Ba-tô-lô-mê, đã trở thành một trong 12 sứ đồ của Chúa Giê-su.—Lu-ca 6:13-16.

Chúa Giê-su dành thời gian với các môn đồ và dạy họ về quan điểm của Đức Chúa Trời. Thói đạo đức giả không được tồn tại trong vòng họ. Như một lời cảnh báo cho tất cả mọi người, Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ những việc làm giả tạo của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Hãy xem xét một vài điều họ làm.

Họ làm “những điều đạo đức” để phô trương. Chúa Giê-su nói với những người đang lắng nghe ngài: “Hãy cẩn thận, đừng làm những điều đạo đức trước mặt người khác cốt để họ thấy... như những kẻ đạo đức giả thường làm”. Ngài cũng bảo họ hãy “giữ kín” việc bố thí cho người nghèo. Họ nên cầu nguyện cách riêng tư, chứ không phải cố ý để người khác nhìn thấy. Sự thờ phượng như thế là chân thành và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 6:1-6.

Họ hay phê phán người khác. Chúa Giê-su nói: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi mới thấy rõ cách để lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh em mình” (Ma-thi-ơ 7:5). Khi tập trung vào lỗi lầm của người khác mà bản thân lại có lỗi nhiều hơn, một người đang che đậy bản chất thật của mình. Vì thực tế là “mọi người đều phạm tội và không thể phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 3:23.

Họ nuôi dưỡng động cơ xấu. Vào dịp nọ, các môn đồ của người Pha-ri-si cùng những người theo đảng Hê-rốt đến hỏi Chúa Giê-su về việc đóng thuế. Họ nói với ngài những lời nịnh hót: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là người chân thật và dạy đường lối Đức Chúa Trời một cách trung thực”. Rồi họ gài bẫy ngài bằng một câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Sê-sa không?”. Chúa Giê-su đáp lại: “Hỡi những kẻ đạo đức giả, sao các người thử tôi?”. Thật đúng khi Chúa Giê-su gọi họ là những kẻ đạo đức giả vì họ không thật sự muốn biết câu trả lời mà chỉ đang cố “gài bẫy để bắt tội ngài trong lời nói”.—Ma-thi-ơ 22:15-22.

Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính thể hiện “tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng trong sạch, lương tâm tốt và đức tin chân thật”.—1 TI-MÔ-THÊ 1:5

Khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các tín đồ có được môi trường thuận lợi để phát huy lòng chân thật. Các môn đồ chân chính đã nỗ lực để loại bỏ xu hướng đạo đức giả ra khỏi nhân cách của mình. Chẳng hạn, một trong 12 sứ đồ là Phi-e-rơ đã khuyến khích anh em đồng đạo hãy “vâng theo sự thật, nhờ thế có được tình huynh đệ không giả dối” (1 Phi-e-rơ 1:22). Sứ đồ Phao-lô cũng khuyến giục những anh em cùng làm việc với ông hãy thể hiện “tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng trong sạch, lương tâm tốt và đức tin chân thật”.—1 Ti-mô-thê 1:5.

QUYỀN LỰC CỦA LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

Ngày nay, những điều Chúa Giê-su và các sứ đồ dạy được ghi trong Kinh Thánh cũng có sức mạnh như vào thế kỷ thứ nhất. Về điều này, sứ đồ Phao-lô viết: “Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực, sắc hơn bất cứ thanh gươm hai lưỡi nào, đâm sâu đến nỗi phân tách con người bề ngoài với con người bề trong, phân tách khớp với tủy, có khả năng nhận biết được tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Khi biết về những điều dạy dỗ trong Kinh Thánh và cố gắng sống phù hợp, nhiều người đã lột bỏ lớp áo đạo đức giả và theo đuổi sự chân thật. Hãy xem kinh nghiệm của ba người được đề cập nơi đầu bài.

“Tôi thấy mọi người yêu thương và quan tâm nhau cách chân thành”.—PANAYIOTA

Cuộc đời của bà Panayiota đã hoàn toàn thay đổi khi nhận lời mời đến tham dự nhóm họp ở Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bà thấy không có ai giả tạo, ra vẻ tốt để gây ấn tượng với người khác. Bà nói: “Ở đó tôi thấy mọi người yêu thương và quan tâm nhau cách chân thành, tôi chưa hề thấy điều này trong suốt những năm hoạt động chính trị”.

Bà Panayiota bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và đã làm báp-têm. Từ đó đến nay đã 30 năm. Giờ đây bà cho biết: “Tôi đã tìm thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống khi bắt đầu rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, chứ không phải khi đi đến từng nhà để vận động cho đảng phái. Chỉ Nước Trời mới có thể mang lại một thế giới công bằng”.

“Tôi không thể chịu nổi khi anh em đồng đạo tưởng rằng tôi quá tốt nhưng thật sự không phải như vậy”.—DANIEL

Ông Daniel tiến bộ rất nhiều trong hội thánh và được giao một số trách nhiệm. Vài năm sau, ông phạm một sai lầm và lương tâm ông bị dằn vặt. Ông nói: “Vì từng chứng kiến sự đạo đức giả trong nhà thờ nhiều năm trước, tôi thấy tốt nhất là nên từ bỏ những đặc ân trong hội thánh. Tôi không thể chịu nổi khi anh em đồng đạo tưởng rằng tôi quá tốt nhưng thật sự không phải như vậy”.

Đáng mừng là sau một thời gian sửa đổi, ông Daniel thấy mình có thể nhận lại những đặc ân phụng sự với lương tâm trong sạch, và ông vui lòng nhận lãnh các trách nhiệm trong hội thánh một lần nữa. Lòng chân thật như thế là nét đặc trưng của những ai phụng sự Đức Chúa Trời một cách không giả dối. Họ học cách “lấy cây đà” ra khỏi mắt mình trước, rồi mới “lấy cọng rơm” ra khỏi mắt người khác.

“Tôi không thể tiếp tục là một người bán hàng mánh khóe và dẻo miệng,... lương tâm tôi đã lên tiếng”.—JEFFERY

Ông Jeffery đã dành cả đời trong thương trường. Ông nói: “Khi hiểu thêm về Kinh Thánh, tôi nhận thấy tôi không thể tiếp tục là một người bán hàng mánh khóe và dẻo miệng, luôn sẵn sàng nói bất cứ điều gì để giành được hợp đồng. Nhờ những câu Kinh Thánh như Châm-ngôn 11:1 mà lương tâm tôi đã lên tiếng. Câu này nói rằng: ‘Cây cân giả lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va’”. Đúng vậy, không như những người nêu câu hỏi về thuế cho Chúa Giê-su, ông Jeffery đã học được cách sống thành thật, không có ý đồ xấu khi cư xử với anh em đồng đạo lẫn người ngoài.

Hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới đang cố gắng làm theo những điều họ học từ Kinh Thánh. Họ không ngừng nỗ lực để “mặc lấy nhân cách mới được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời, phù hợp với sự công chính thật và lòng trung thành” (Ê-phê-sô 4:24). Chúng tôi khuyến khích bạn tìm hiểu xem Nhân Chứng Giê-hô-va là ai, họ tin gì, và bằng cách nào họ có thể giúp bạn biết lời hứa của Đức Chúa Trời về một thế giới mới. Nơi đó “sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi” và thói đạo đức giả sẽ không còn nữa.—2 Phi-e-rơ 3:13.