Đi đến nội dung

NGÀY 7-6-2017
AI CẬP

‘Tôi mong thấy lệnh cấm bất công được bãi bỏ’

‘Tôi mong thấy lệnh cấm bất công được bãi bỏ’

Ông Ehab Samir, 52 tuổi, là người bản địa Ai Cập và cũng là Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì sự thờ phượng của Nhân Chứng Giê-hô-va bị chính phủ Ai Cập hạn chế, ông Samir cho biết đa số Nhân Chứng ở đó bị các bậc cầm quyền đối xử “như thể họ là tội phạm”. Do đó, ông được an ủi khi đọc một bài trên trang web mô tả tình trạng của họ đúng với thực tế.

Bài có đề tựa là “Tiến sĩ Riham Atef viết về Nhân Chứng Giê-hô-va”, và được một nguồn tin tức trực tuyến của Ai Cập là Shbab Misr đăng ngày 19-8-2016. Tiến sĩ Atef, giảng viên của trường Đại học Cairo và là nhà báo, làm sáng tỏ vấn đề hiểu lầm phổ biến ở Ai Cập về các Nhân Chứng. Vì quen với một số Nhân Chứng Giê-hô-va và đã nghiên cứu nhiều về họ, nên bà nói: “Tôi tin chắc họ là người nhân đạo và tôn trọng niềm tin của người khác”.

“Họ đẩy mạnh tình yêu thương và sự bình an”

Tiến sĩ Atef cho biết bài của bà nhắm đến “những người không biết gì về Nhân Chứng Giê-hô-va và những người ghét họ vì nhận được thông tin không chính xác”. Bài của bà tóm lược một số niềm tin của các Nhân Chứng và nói rằng “có nhiều chi tiết được đăng trên trang web của họ là www.pr418.com”.

Sau khi đánh giá khách quan về Nhân Chứng Giê-hô-va, tiến sĩ Atef thấy sự thật hoàn toàn tương phản với cách mà người ở Ai Cập thường nghĩ về các Nhân Chứng. Bà nhận xét: “Họ bị cấm đoán, và tôi không hiểu tại sao. Họ trung lập về chính trị... Họ đẩy mạnh tình yêu thương và sự bình an”. Bà lý luận với độc giả: “Đây có phải là lý do để cấm đoán họ không? Hay Nhân Chứng bị cấm đoán vì sự dạy dỗ về Kinh Thánh của họ khác với giáo hội?”.

‘Tôi mong thấy lệnh cấm bất công được bãi bỏ’

Ông Samir thích bài này đến mức đã viết thư cảm ơn biên tập viên. Ông nhận xét: “Tôi đã đọc nhiều bài báo [ở Ai Cập] nói về Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng có ít bài nói tích cực về họ. Do đó, tôi khen tiến sĩ Riham Atef vì đã can đảm và trung thực”. Nguồn tin tức trực tuyến đã đăng thư của ông Samir vào ngày 11-12-2016.

Trong lá thư, ông Samir bày tỏ sự thất vọng về việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi vô cớ, và cho biết một lý do họ bị như thế là vì những câu chuyện bịa đặt của hàng giáo phẩm. Ông nói rằng những câu chuyện ấy chính là nguyên nhân khiến ông bị ngược đãi. Rồi ông nhận xét: “Cách tốt nhất để biết về một người là nói chuyện trực tiếp với người ấy. Vì thế, tôi muốn cám ơn tiến sĩ Riham Atef về bài viết của bà”.

Ông Samir kết thư bằng một ước nguyện rất chân thành: “Tôi mong thấy lệnh cấm bất công đối với Nhân Chứng Giê-hô-va được bãi bỏ để chúng tôi có thể tự do thờ phượng trong nước của mình”.

Hy vọng có tự do tôn giáo

Cách đây nhiều thập niên, các Nhân Chứng ở Ai Cập được tự do thờ phượng và được đăng ký là một tôn giáo. Tuy nhiên, vào năm 1960, họ bị tước mất vị thế hợp pháp cũng như nhiều quyền về tôn giáo và nhân quyền khác mà các tôn giáo ở Ai Cập được hưởng.

Kể từ đó, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ai Cập tiếp tục chứng tỏ là những công dân tốt của xã hội, là những người “đẩy mạnh tình yêu thương và sự bình an” trong mọi hoàn cảnh, như tiến sĩ Atef đã công nhận. Như ông Samir, nhiều người cũng mong muốn thấy các Nhân Chứng nhận được quyền căn bản của con người và lại được tự do về tôn giáo ở Ai Cập.