Đi đến nội dung

Phía trên: Các anh chị tại Vlorë, Albania vào năm 1930. Phía trên bên phải: Các sách mỏng trong lịch sử thần quyền của Albania. Phía dưới bên phải: Anh David Splane thuộc Hội đồng Lãnh đạo cho ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới tại Hội nghị Địa hạt “Hãy vâng lời Đức Chúa Trời” vào năm 2005

NGÀY 7-1-2022
ALBANIA

Rao giảng tin mừng trong 100 năm tại Albania dù bị cấm đoán hàng thập kỷ

Rao giảng tin mừng trong 100 năm tại Albania dù bị cấm đoán hàng thập kỷ

Năm 2022 đánh dấu 100 năm công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Albania.

Anh Nasho Idrizi là một trong những người Albania đầu tiên chấp nhận chân lý. Khi sống tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1920, anh đã tìm hiểu Kinh Thánh với Học viên Kinh Thánh Quốc tế, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó.

Anh Nasho trở lại Albania vào năm 1922. Sau đó, những người Albania khác sống tại Hoa Kỳ cũng trở thành Học viên Kinh Thánh và trở về quê nhà để chia sẻ điều họ học được.

Anh Thanas Duli

Anh Thanas Duli là một trong những Học viên Kinh Thánh đầu tiên tại Albania. Anh kể: “Vào năm 1925, có ba hội thánh tại Albania, cũng như những Học viên Kinh Thánh và người chú ý sống rải rác trên khắp đất nước”.

Trong suốt những năm đó, một số ấn phẩm đã được dịch sang tiếng Albania, chẳng hạn như Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God) và Một chính phủ đáng chuộng (A Desirable Government). Tháp Canh ngày 1-12-1925 cho biết: “Một số lượng lớn [ấn phẩm trong tiếng Albania] đã đến tay người ta và nhiều người Albania vui mừng tìm hiểu Kinh Thánh”.

Chị Argjiro và anh Nasho Dori

Người ta bắt đầu gọi Nhân Chứng là ungjillorë, nghĩa là “người truyền giáo” vì họ sốt sắng rao giảng. Anh Nasho Dori, báp-têm năm 1930, nhớ lại: “Vào năm 1935, tôi và một số Nhân Chứng khác đã thuê một chiếc xe buýt để rao giảng tại thị trấn Këlcyrë. Sau đó, chúng tôi tổ chức một chuyến rao giảng lớn hơn tại Albania, đến thị trấn Përmet, Leskovik, Ersekë, Korçë, Pogradec và Elbasan. Chúng tôi kết thúc chuyến rao giảng tại Tirana đúng lúc để cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô”.

Vào năm 1939, Phát-xít Ý kiểm soát Albania và cấm đoán Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc giữ trung lập trở thành một vấn đề vì các anh của chúng ta từ chối cầm vũ khí trong cuộc chiến Hy Lạp-Ý. a Trong những năm đó, có 15 anh phải ngồi tù. Anh Nikodhim Shyti bị đưa đến trại tập trung và biệt vô âm tín từ lúc đó.

Sau khi Thế Chiến II kết thúc, Đảng Cộng Sản nắm quyền tại Albania vào năm 1944. Sự bắt bớ tiếp tục diễn ra. Nhiều anh em của chúng ta bị bỏ tù và tra tấn. Những người khác bị đưa đến trại khổ sai cách xa gia đình họ. Trong những năm đó, Albania bị cô lập với thế giới bên ngoài. Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 1959 (Anh ngữ) cho biết: “Dù bậc cầm quyền của nước này có thể chia cách anh em tại Albania với những anh em khác trong Xã hội Thế Giới Mới nhưng không thể ngăn cản thần khí thánh của Đức Chúa Trời hỗ trợ họ”. Vào năm 1967, Albania tuyên bố là quốc gia vô thần đầu tiên. Một nhóm nhỏ Nhân Chứng còn ở đó tiếp tục thực hành đức tin một cách thận trọng.

Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Nhân Chứng Giê-hô-va được công nhận về mặt pháp lý vào ngày 22-5-1992, sau hơn 50 năm bị cấm đoán.

Hiện nay có 5.550 Nhân Chứng phụng sự trong 89 hội thánh tại Albania. Chúng ta chung vui với các anh em tại Albania vì “lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi” bất kể sự bắt bớ dữ dội.—Công vụ 19:20.

a Cuộc chiến Hy Lạp-Ý là cuộc xung đột giữa Hy Lạp và Ý, kéo dài từ ngày 28-10-1940 đến 23-4-1941. Cuộc chiến này đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch Ban-căng trong Thế Chiến II.