Đi đến nội dung

NGÀY 11-11-2014
ẤN ĐỘ

Quyết định quan trọng của Tòa án Tối cao Ấn Độ ủng hộ quyền tự do ngôn luận trong gần 30 năm qua

Quyết định quan trọng của Tòa án Tối cao Ấn Độ ủng hộ quyền tự do ngôn luận trong gần 30 năm qua

Ngày 8-7-1985, ba em trẻ ở thị trấn nhỏ Kerala, thuộc vùng tây nam Ấn Độ, đến trường như bao ngày khác. Nhưng hôm ấy, bà hiệu trưởng ra quyết định là phải hát bài quốc ca “Jana Gana Mana” trong lớp. Mọi người có mặt đều phải đứng dậy hát. Nhưng em Bijoe 15 tuổi cùng hai em gái là Binu Mol (13 tuổi) và Bindu (10 tuổi) không làm theo. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, lương tâm không cho phép các em hát vì các em tin rằng đó là một hình thức thờ thần tượng và là hành động bất trung với Đức Chúa Trời của các em là Đức Giê-hô-va.

Ông Emmanuel, cha của các em, đã đến nói chuyện với bà hiệu trưởng và các giáo viên lâu năm, họ đều đồng ý cho các em tiếp tục đến trường mà không cần hát quốc ca. Nhưng một nhân viên trong trường tình cờ nghe được cuộc nói chuyện đó và đã báo cáo lại vấn đề. Cuối cùng chuyện này đến tai một thành viên của Hội đồng Lập pháp. Ông nêu vấn đề lên Hội đồng vì cho rằng hành động của những em trẻ ấy là không yêu nước. Ngay sau đó, một thanh tra trường học cấp cao buộc bà hiệu trưởng phải đuổi các em trẻ nếu các em không chịu hát quốc ca. Ông Emmanuel nài xin ban giám hiệu nhà trường nhận lại các con của mình nhưng vô ích. Ông đệ đơn lên Tòa Cấp cao của Kerala. Sau khi tòa này đưa ra phán quyết bất lợi, ông khiếu nại lên Tòa án Tối cao Ấn Độ.

Tòa án Tối cao ủng hộ các quyền theo Hiến pháp

Vào ngày 11-8-1986, Tòa án Tối cao bác bỏ phán quyến của Tòa Cấp cao Kerala về vụ việc Bijoe Emmanuel v. State of Kerala. Tòa cho rằng việc đuổi các em trẻ vì chúng giữ “lương tâm dựa trên niềm tin tôn giáo” là vi phạm Hiến pháp của Ấn Độ. Thẩm phán Chinnappa Reddy nói: “Không có điều luật nào... buộc mọi người phải hát”. Tòa lưu ý rằng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt bao gồm quyền giữ im lặng và việc đứng trong khi bài quốc ca được hát cũng là thể hiện thái độ tôn trọng. Tòa ra phán quyết là ban giám hiệu nhà trường phải nhận lại các em vào học.

Thẩm phán Reddy nhận xét: “Họ [Nhân Chứng Giê-hô-va] không hát quốc ca dù ở bất cứ đâu, dù là bài ‘Jana Gana Mana’ ở Ấn Độ, bài ‘God save the Queen’ ở Anh Quốc, hay bài ‘The Star-Spangled Banner’ ở Hoa Kỳ, v.v. Lý do duy nhất họ không hát là vì tin chắc rằng tôn giáo mình theo không cho phép họ tham gia bất cứ nghi thức nào ngoài việc cầu nguyện với Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của họ”.

Phán quyết đặt tiền lệ pháp lý cho quyền tín ngưỡng

Vụ việc Bijoe Emmanuel v. State of Kerala có ý nghĩa sâu sắc vì khẳng định rằng luật pháp không buộc ai phải chối bỏ lương tâm dựa trên niềm tin tôn giáo của mình. Trong khi công nhận rằng các quyền cơ bản không phải là tuyệt đối nhưng tùy thuộc vào trật tự xã hội, đạo đức và sức khỏe, Tòa không cho phép Bang tùy tiện đặt ra những hạn chế độc đoán và không cân xứng. Phán quyết có ghi: “Việc bắt mọi học sinh phải tham gia hát quốc ca dù lương tâm dựa trên niềm tin tôn giáo của các em không cho phép... rõ ràng là vi phạm quyền được bảo vệ nơi Điều 19(1)(a) và Điều 25(1) [của Hiến pháp Ấn Độ]”.

Phán quyết này cũng bảo vệ sự tự do theo Hiến pháp của các nhóm thiểu số. Tòa cho biết: “Để chứng tỏ một nước có thật sự dân chủ hay không thì nước đó phải đảm bảo sao cho ngay cả những nhóm thiểu số cũng được Hiến pháp bảo vệ”. Thẩm phán Reddy nói thêm: “Quan điểm và phản ứng cá nhân là không thích đáng. Nếu một niềm tin là chân thành và dựa trên lương tâm thì phải được bảo vệ theo Điều 25 [của Hiến pháp]”.

“Truyền thống của chúng ta dạy phải khoan dung; triết lý của chúng ta dạy phải khoan dung; hiến pháp của chúng ta thực thi sự khoan dung; vậy đừng làm phai mờ phẩm chất đó”.—Thẩm phán Chinnappa Reddy

Phán quyết ảnh hưởng đến xã hội

Vụ việc Bijoe Emmanuel v. State of Kerala được đăng tải rộng rãi và được thảo luận trong Quốc hội. Phán quyết được đưa vào giáo trình của trường luật khi dạy về Hiến pháp. Các tạp chí luật và nhiều bài báo vẫn ca ngợi vụ việc này và cho biết nó đã đặt tiền lệ cho việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử ở Ấn Độ. Phán quyết đóng góp đáng kể vào việc xác định quyền tự do tôn giáo trong một xã hội đa nguyên. Nó bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt tại Ấn Độ mỗi khi quyền quý giá này bị đe dọa.

Việc bảo vệ các quyền theo Hiến pháp đem lại lợi ích cho mọi người

Gia đình ông Emmanuel ngày nay (hàng sau, từ trái sang phải) Binu, Bijoe và Bindu; (hàng trước) Emmanuel và Lillykutty

Trong thời gian đó, gia đình ông Emmanuel phải chịu sự chế giễu, áp lực từ chính quyền, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng, nhưng họ không nuối tiếc vì đã giữ vững lập trường tôn giáo của mình. Bindu, một người con gái của ông giờ đã kết hôn và có con, kể lại: “Tôi rất ngạc nhiên khi gặp một luật sư đã học về vụ của tôi trong trường luật. Ông bày tỏ lòng biết ơn vì Nhân Chứng Giê-hô-va đã bền bỉ tranh đấu trong cuộc chiến pháp lý để thiết lập nhân quyền”.

Ông Emmanuel kể: “Gần đây tôi tình cờ gặp thẩm phán Thomas, một trong các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Khi ông biết rằng tôi là cha của ba người con trong vụ hát quốc ca, ông chúc mừng tôi và nói rằng mỗi khi có cơ hội họp mặt với các luật sư, ông đều nhắc đến vụ hát quốc ca vì ông cảm thấy đó là một chiến thắng nổi bật về nhân quyền”.

Gần 30 năm sau khi phán quyết được đưa ra, Bijoe Emmanuel v. State of Kerala là một trong những vụ việc có tác động tích cực đến quyền tự do ngôn luận ở Ấn Độ. Nhân Chứng Giê-hô-va rất vui được góp phần vào việc bảo vệ các quyền tự do theo Hiến pháp của mọi công dân Ấn Độ.