Đi đến nội dung

NGÀY 15-2-2018
ARMENIA

Armenia công nhận quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm như thế nào?

Armenia công nhận quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm như thế nào?

Phán quyết gần đây của Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) đã đẩy mạnh hơn nữa quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm của các nam thanh niên. Vào ngày 12-10-2017, ECHR đã tạo một tiền lệ trong vụ Adyan và những người khác kiện Armenia liên quan đến loại nghĩa vụ dân sự thay thế áp dụng cho các thanh niên này.

Trong nhiều năm, các quy định pháp luật của ECHR đã không công nhận quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm và hậu quả là nhiều người đã phải chịu ngược đãi và bị bắt giam. Tuy nhiên, lập trường của Tòa án đã thay đổi với phán quyết năm 2011 trong vụ Bayatyan kiện Armenia. Tòa án đã công nhận quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm là quyền cơ bản. Trong phán quyết gần đây về vụ Adyan, ECHR đã quyết định rằng những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm được quyền thi hành nghĩa vụ dân sự thay thế. Về bản chất, đây thuần túy là quyền dân sự và không mang tính chất trừng phạt.

Quá trình từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm tại Armenia cho thấy các phán quyết có lợi của ECHR trong vụ Bayatyan, Adyan và các vụ khác đã ảnh hưởng ra sao đến sự thay đổi lớn của chính phủ trong việc đối xử với những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm.

Armenia không thông qua nghĩa vụ dân sự thay thế mặc dù đã cam kết

Không áp dụng nghĩa vụ thay thế mà trừng phạt. Khi tham gia vào Hội đồng Châu Âu vào năm 2001, Armenia đã cam kết thông qua luật nghĩa vụ dân sự thay thế (NVDSTT) phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu. Đây là chương trình dân sự không do quân đội kiểm soát và thời gian tham gia chương trình không mang tính trừng phạt. Luật này cũng đồng ý ân xá tất cả những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. a Tuy vậy, Armenia vẫn chưa thực hiện cam kết này khi gọi ông Vahan Bayatyan nhập ngũ; ông là một Nhân Chứng Giê-hô-va và cũng là người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Vào năm 2002, ông bị kết án và bắt giam vì từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự và Armenia cũng không có điều khoản nào về NVDSTT. Vào năm 2003, ông Bayatyan đã nộp đơn lên ECHR để kiện Armenia về việc xâm phạm quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo vì đã bắt giam ông.

Một chương trình thay thế nhiều khiếm khuyết, sau đó là sự trừng phạt. Vào năm 2004, Armenia đã thông qua luật NVDSTT và nhiều nam thanh niên Nhân Chứng đã chấp nhận phương án này thay cho nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, họ nhận thấy rằng chương trình do quân đội giám sát chứ không phải do các viên chức dân sự phụ trách. Họ rời bỏ nhiệm vụ NVDSTT sau khi đã thông báo. Vì vậy, họ bị bắt giam và bị truy tố. Một vài người trong số họ đã bị kết án tù giam. Vào tháng 5 năm 2006, Hayk Khachatryan và 18 Nhân Chứng khác, là những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, đã nộp đơn kiện lên ECHR vì cho rằng việc khởi tố trái pháp luật đã xâm phạm quyền của họ. b

Nhiều năm không tiến triển. Trong nhiều năm, Armenia không tiến hành sửa đổi luật NVDSTT. Các Nhân Chứng tiếp tục phản đối luật NVDSTT khiếm khuyết và Armenia tiếp tục bắt giam họ—317 người đã bị kết án từ năm 2004 (khi luật NVDSTT được thông qua) đến năm 2013 (khi luật NVDSTT được sửa đổi) và đã thụ án từ 24 đến 36 tháng.

Trong thời gian này, ECHR có rất ít tiến triển về vấn đề trên. Vào năm 2009, ECHR đã xem xét khiếu nại của ông Bayatyan. Khiếu nại này lập luận rằng việc ông từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự được bảo vệ theo Điều 9 Công ước Châu Âu về đảm bảo quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Tuy vậy, ECHR buộc phải dựa trên hệ thống pháp luật cũ kỹ từ nhiều thập kỷ nay. ECHR tiếp tục lý luận rằng trước tiên, mỗi quốc gia có quyền lựa chọn việc công nhận quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm hay không. Nếu quốc gia nào không chọn cách này thì không thể áp dụng Điều 9 để đảm bảo quyền tự do không bị truy tố khi từ chối phục vụ trong quân đội. Vì quyết định này dường như không liên quan đến nguyên tắc từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm đang phổ biến trên thế giới nên luật sư của ông Bayatyan đã đệ đơn lên Đại hội đồng ECHR yêu cầu xem xét lại vấn đề.

Phiên tòa trước Đại Hội đồng ECHR trong vụ Bayatyan kiện Armenia, ngày 24-11-2010

Đột phá. Bước ngoặt xảy ra khi Đại hội đồng ECHR xem xét lại đơn khiếu nại của ông Bayatyan. Vào ngày 7-7-2011, lần đầu tiên ECHR tuyên bố rõ ràng quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm được bảo vệ theo Điều 9 Công ước Châu Âu. ECHR lập luận rằng Công ước là “văn kiện sống” mà khi giải thích cần xem xét luật pháp đang thay đổi đã mang lại “sự đồng thuận chung gần như tuyệt đối về vấn đề này tại Châu Âu và các nơi khác”. Phán quyết của Đại hội đồng không những đề cao quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm mà còn buộc Armenia cung cấp giải pháp thay thế nghĩa vụ quân sự cho những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm.

“Việc từ chối nhập ngũ, do xung đột nghiêm trọng và không thể hòa giải giữa bổn phận phục vụ trong quân đội và lương tâm của một người hoặc niềm tin tôn giáo tín ngưỡng sâu sắc và chân thật của người ấy cung cấp lý do vững chắc và thuyết phục để áp dụng Điều 9”.—Vụ Bayatyan kiện Armenia [GC], số 23459/03, § 110, ECHR 2011

Armenia sửa đổi Luật NVDSTT

Thiếu nghĩa vụ dân sự thay thế thuần túy vẫn còn là vấn đề. Vào mùa hè năm 2011, bốn Nhân Chứng tại Armenia, gồm cả Artur Adyan, đã bị kết án và bắt giam vì từ chối thi hành luật NVDSTT dưới sự giám sát của quân đội. Họ nộp đơn kiện lên ECHR để khiếu nại Armenia đã xâm phạm quyền của họ—nghĩa vụ thay thế được Armenia cung cấp kể từ năm 2004 mâu thuẫn với các tiêu chuẩn Châu Âu và không phù hợp với lương tâm của họ.

Vấn đề quân đội giám sát chương trình dân sự vẫn tiếp diễn. Vào ngày 27-11-2012, ECHR đã ra phán quyết về vụ Khachatryan và những người khác kiện Armenia có liên quan đến 19 Nhân Chứng đã không thực hiện chương trình NVDSTT vì chương trình do quân đội giám sát chứ không phải do dân sự phụ trách. ECHR phán quyết rằng việc khởi tố và bắt giam các Nhân Chứng là trái pháp luật. Mặc dù hội đồng xét xử nhận thấy các nguyên đơn khiếu nại rằng chương trình NVDSTT do quân đội giám sát nhưng Tòa án không ra phán quyết về điểm này trong vụ Khachatryan.

Nghĩa vụ thay thế thuần túy. Vào mùa hè năm 2013, chính phủ Armenia đã sửa đổi luật để ban hành luật NVDSTT như đã cam kết vào năm 2001. Tính đến tháng 10 năm 2013, hầu hết Nhân Chứng bị giam trong các nhà tù tại Armenia đã được trả tự do, mặc dù một số người gần mãn hạn tù chọn ở lại để thực hiện hết án tù của mình. Kể từ đó, những người từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự vì cớ lương tâm đã được đề nghị thực hiện NVDSTT.

Sự phát triển về án lệ của ECHR

Hai phán quyết của ECHR trong vụ BayatyanKhachatryan cho thấy rõ việc từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm là quyền cơ bản và phải được chính phủ Armenia tôn trọng. Tuy nhiên, ECHR lại không ra phán quyết rằng chương trình NVDSTT không được nằm dưới quyền kiểm soát hoặc giám sát của quân đội.

Lỗ hổng này được lấp đầy khi ECHR ra phán quyết về vụ Adyan và những người khác kiện Armenia vào ngày 12-10-2017. Trong vụ Adyan, ECHR lập luận rằng do quyền từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự được bảo vệ nên ECHR yêu cầu Armenia cung cấp cho những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm một giải pháp thay thế nghĩa vụ quân sự thỏa đáng phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu. Chương trình NVDSTT không được nằm dưới quyền kiểm soát hoặc giám sát của quân đội và bản chất của chương trình này không phải với mục đích trừng phạt. ECHR đã yêu cầu bồi thường cho những thanh niên đã phải chịu hình phạt do từ chối thực hiện chương trình không hoàn thiện này.

“Tòa án cho rằng quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm được đảm bảo theo Điều 9 của Công ước sẽ không khả thi nếu chính phủ được cho phép tổ chức và thi hành hệ thống nghĩa vụ thay thế – cho dù được pháp luật quy định hoặc chỉ áp dụng trong thực tiễn – theo cách không thay thế được nghĩa vụ quân sự bằng một nghĩa vụ mang tính chất dân sự thuần túy và không mang tính ngăn cản hoặc trừng phạt”.—Vụ Adyan và những người khác kiện Armenia, số 75604/11, § 67, ECHR 2017

Giải quyết vấn đề

Tính đến tháng 1 năm 2018 đã có 162 Nhân Chứng tại Armenia hoàn tất chương trình NVDSTT và 105 thanh niên hiện đang thực hiện chương trình này. Nhân Chứng và nhà chức trách giám sát chương trình NVDSTT đều hài lòng với kết quả đạt được. Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và những người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quốc gia thay thế. Chương trình cũng giải quyết được vấn đề nhân quyền đã tồn tại trước đây tại Armenia.

André Carbonneau, một trong những luật sư đại diện cho Nhân Chứng tại Armenia khen ngợi các nhà chức trách vì đã giải quyết vấn đề. Ông nói: “Khi nhìn lại các phán quyết của ECHR đối với Armenia, chúng ta đã thấy vấn đề tiến triển kể từ vụ Bayatyan vào năm 2011. Các phán quyết trong vụ KhachatryanAdyan đã mở đường cho việc bảo vệ nghĩa vụ dân sự thay thế khỏi sự can thiệp của quân đội. Chúng tôi hy vọng rằng các nước chưa có chương trình thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế thuần túy sẽ lưu ý đến kết quả Armenia đã đạt được trong việc áp dụng nghĩa vụ dân sự thay thế thỏa đáng cho những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm và vì lợi ích của xã hội”.

Một số quốc gia áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc và không cung cấp nghĩa vụ dân sự thay thế (NVDSTT) thỏa đáng

 

Không áp dụng NVDSTT

NVDSTT là hình phạt

Quyền thực hiện NVDSTT có nhưng không được áp dụng

Azerbaijan

 

 

X

Belarus

 

X

 

Eritrea

X

 

 

Lithuania

X c

 

 

Hàn Quốc

X

 

 

Singapore

X

 

 

Tajikistan

 

 

X

Thổ Nhĩ Kỳ

X

 

 

Turkmenistan

X

 

 

Thời gian

  1. 12-10-2017

    ECHR ra phán quyết trong vụ Adyan và những người khác kiện Armenia

  2. Tháng 1 năm 2014

    Những Nhân Chứng đầu tiên tham gia chương trình NVDSTT bắt đầu làm việc

  3. 12-11-2013

    Lần đầu tiên trong 20 năm không còn Nhân Chứng nào bị bắt giam do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm

  4. 8-6-2013

    Armenia thông qua sửa đổi Luật NVDSTT có hiệu lực thi hành từ tháng 10 năm 2013

  5. 27-11-2012

    ECHR ra phán quyết về vụ Khachatryan và những người khác kiện Armenia

  6. 10-1-2012

    ECHR áp dụng vụ Bayatyan cho vụ Bukharatyan kiện ArmeniaTsaturyan kiện Armenia, ECHR nhận thấy Armenia vi phạm Điều 9 khi bắt giam các Nhân Chứng

  7. 7-7-2011

    Đại Hội đồng ECHR nhận thấy sự vi phạm quyền tự do lương tâm (Điều 9 Công ước Châu Âu), bảo vệ quyền của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm trong phán quyết 16-1 trong vụ Bayatyan kiện Armenia

  8. 27-10-2009

    ECHR ra phán quyết về vụ Bayatyan kiện Armenia, tuyên bố rằng Điều 9 Công ước Châu Âu không áp dụng đối với những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm; vụ việc được trình lên Đại Hội đồng ECHR

  9. 2004

    Armenia thông qua luật NVDSTT—dưới quyền giám sát của quân đội

  10. 2001

    Armenia cam kết thông qua luật NVDSTT

a  Ý kiến số 221 (2000) của Hội đồng Nghị viện Hội đồng Châu Âu đề nghị rằng Armenia được mời làm thành viên Hội đồng Châu Âu với điều kiện “Armenia đồng ý tuân thủ các cam kết sau:... trong vòng 3 năm phải thông qua luật nghĩa vụ thay thế phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu và đồng thời ân xá tất cả những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm bị bắt giam hoặc chịu các hình thức kỷ luật, cho phép họ được chọn thực hiện nghĩa vụ phi quân sự hoặc nghĩa vụ dân sự thay thế khi luật về nghĩa vụ thay thế có hiệu lực”.

b  Việc khởi tố và bắt giam 19 Nhân Chứng là trái pháp luật vì khi họ bị kết án vào năm 2005 tại Armenia, chưa có luật quy định rằng việc từ bỏ nghĩa vụ thay thế là phạm tội.

c  “Nghĩa vụ quốc phòng thay thế” của Lithuania nằm dưới quyền kiểm soát và giám sát của quân đội.