Đi đến nội dung

Chị Annemarie Kusserow trong phim tài liệu Tam giác tím năm 1991 với một phần trong số hơn 1.000 tài liệu mà chị thu thập về sự ngược đãi mà gia đình chị phải chịu dưới chế độ Quốc Xã

NGÀY 27-12-2022
ĐỨC

Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục khởi kiện ở Đức về tư liệu của chị Annemarie Kusserow

Bằng chứng mới được tìm ra chứng tỏ các tư liệu của chị Annemarie thuộc về Nhân Chứng Giê-hô-va

Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục khởi kiện ở Đức về tư liệu của chị Annemarie Kusserow

Như đã được đưa tin trước đây trên trang jw.org và tờ The New York Times, Bảo tàng Lịch sử Quân đội Bundeswehr ở Dresden, Đức, từ chối trả lại các tư liệu của chị Annemarie Kusserow, đi ngược lại di nguyện và lời chứng của chị. Tuy nhiên, bằng chứng mới được tìm ra đã ủng hộ phía Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này đã thúc đẩy tổ chức của chúng ta tiếp tục đệ đơn kiện viện bảo tàng.

Trong hơn bảy năm, Nhân Chứng Giê-hô-va đã cố gắng dàn xếp với bảo tàng để có được tư liệu nhưng không thành công. Sau đó, tổ chức của chúng ta đã đệ đơn kiện lên tòa án. Đáng buồn là đơn kiện bị bác bỏ vào năm 2021, vì tòa cho rằng bảo tàng đã thành tâm mua tư liệu đó.

Một báu vật lịch sử

Khi 26 tuổi, chị Annemarie bắt đầu tỉ mỉ thu thập các tài liệu liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va trong cuộc tàn sát tập thể. Chị đã gìn giữ tư liệu ấy trong hơn 65 năm, thậm chí nhiều lần suýt mất mạng, cho đến khi qua đời vào năm 2005. Những gì chị lưu giữ cho thế hệ sau, đặc biệt là cho anh em đồng đạo, được xem là một báu vật lịch sử.

Chị Annemarie thu thập tư liệu vì chị thành tâm muốn càng nhiều người càng tốt, kể cả Nhân Chứng Giê-hô-va và những người khác, tiếp tục nhận được lợi ích từ gương trung thành của gia đình chị. Để đảm bảo điều này, chị đã nói rõ rằng chỉ Nhân Chứng Giê-hô-va mới là tổ chức được thừa kế tư liệu này. Tuy nhiên, di nguyện của chị vẫn chưa được thực hiện.

Chị Annemarie, cùng với bốn anh chị em ruột, đã xuất hiện trong phim tài liệu Tam giác tím năm 1991. Bộ phim này kể về những kinh nghiệm của gia đình Kusserow để cho thấy chế độ Quốc Xã ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va như thế nào vì từ chối từ bỏ niềm tin và nhất quyết không theo Hitler. Trong phim tài liệu, chị Annemarie xuất hiện cùng với những tài liệu và các bức hình quý giá.

Trong một cuộc phỏng vấn không lâu trước khi qua đời, chị Annemarie đã kể lại khoảng thời gian mật vụ Gestapo bắt chị trong căn hộ của mình và chị suýt mất những tư liệu quan trọng. Chị nói: “Tôi để cặp ở phòng ngoài. Ở trong cặp là những lá thư và tất cả các tài liệu còn lại khác”. Chị bỏ táo vào đầy chiếc cặp to ấy và mong cảnh sát không nhìn thấy những gì ở dưới. Chị tự nhủ rằng nếu bị phát hiện thì ít nhất chị vẫn có đồ ăn khi ở trong tù. Thật tốt là kế hoạch của chị đã thành công.

Sự chuyển nhượng trái phép

Không lâu sau khi chị Annemarie qua đời, tư liệu biến mất khỏi nhà chị. Sau này, người ta phát hiện ra rằng một trong số anh em của chị Annemarie, người không còn là Nhân Chứng Giê-hô-va, đã bán tư liệu cho bảo tàng. Chị Annemarie chưa bao giờ ủy quyền cho người đó làm như vậy. Người đó nay đã qua đời.

Vì biết rõ di nguyện của chị Annemarie, những thành viên còn sống thuộc gia đình Kusserow đã bị sốc khi tòa án đưa ra phán quyết rằng bảo tàng vẫn được giữ tư liệu ấy. Kể từ đó, gia đình, bạn bè và các Nhân Chứng Giê-hô-va khác từng bị ngược đãi dưới chế độ Quốc Xã đã viết hàng trăm lá thư đến bảo tàng và tới Bộ Quốc phòng, cơ quan vận hành bảo tàng đó, để xin trả lại tài liệu cho Nhân Chứng Giê-hô-va như ước nguyện của chị Annemarie.

Những tài liệu độc nhất

Trong số những tư liệu đáng chú ý đó, có một bức thư từ biệt của anh Wilhelm, em trai của chị Annemarie. Anh đã viết những lời cuối cùng đó vào ngày 26-4-1940. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh đã từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Vì điều này, Quốc Xã đã kết án tử hình anh.

Trong thư, anh Wilhelm viết như sau: “Cha mẹ kính yêu và các anh chị em thương mến: Con muốn cả nhà biết rằng mọi người rất quan trọng với con, và con được nhắc về điều đó mỗi lần xem hình gia đình mình. Thời gian cả nhà quây quần bên nhau thật quý biết bao! Nhưng trên hết, chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời, như Führer chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô đã ban mệnh lệnh. Nếu chúng ta đứng về phía Đức Chúa Trời, ngài sẽ tưởng thưởng cho chúng ta”. Anh bị xử bắn vào sáng ngày 27 tháng 4 khi anh 25 tuổi.

Cha mẹ của chị Annemarie, là anh Franz và chị Hilda Kusserow, có 11 người con. Giống như anh Wilhelm, anh Franz và những người con trai lớn bị bỏ tù vì từ chối tham gia chiến tranh. Những người con nhỏ hơn từ chối thực hiện kiểu chào Hitler đã bị tách khỏi cha mẹ và bị gửi đến các trường cải huấn rồi sau đó đến các gia đình nhận con nuôi.

Anh Wolfgang, một trong những người con nhỏ trong gia đình Kusserow, bị đưa đến tòa án quân sự. Tại đó, anh đã can đảm tuyên bố: “Tôi lớn lên là một Nhân Chứng Giê-hô-va theo Lời Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh. Điều răn thánh và quan trọng nhất mà ngài ban cho nhân loại là: ‘Ngươi phải yêu thương Đức Chúa Trời trên hết và yêu người lân cận như chính mình’. Điều răn khác là: ‘Ngươi không được giết người’. Có phải Đấng Tạo Hóa cho ghi lại những lời đó để cho cây cối?”.

Vào ngày 28-3-1942, anh Wolfgang, bị chém đầu khi mới 20 tuổi.

Một vấn đề về đức tin

Chị Annemarie và gia đình đã trả một giá cao để bảo vệ niềm tin và từ chối ủng hộ Quốc Xã. Một số người đã mất mạng vì từ chối tham gia chiến tranh. Tổng cộng cả gia đình đã bị giam 47 năm.

Tư liệu này giúp chúng ta thấy được gương nổi bật về đức tin của gia đình họ. Chúng cũng cho thấy rõ đức tin có thể mang lại sức mạnh ra sao khi chúng ta đối mặt với sự ngược đãi dữ dội và bị đe dọa tính mạng. Thông điệp này chỉ có thể được hiểu và trân trọng một cách trọn vẹn khi tư liệu ấy ở trong những bảo tàng của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Vào tháng 10 năm 2022, anh Paul Gerhard Kusserow, người con trai sống sót cuối cùng của gia đình đã qua đời. Anh hy vọng được chứng kiến ngày mà bảo tàng quân đội sẽ tôn trọng ý nguyện của chị gái anh, là một điều anh đấu tranh công khai cho đến khi chết. Anh giải thích: “Những người anh của tôi đã qua đời vì từ chối nhập ngũ. Tôi tin rằng việc tư liệu này được giữ ở trong các bảo tàng quân sự là điều không hợp lý”.

Nhân Chứng Giê-hô-va đồng ý rằng thật là bất công lớn khi bảo tàng không coi trọng ý nguyện rõ ràng của chị Annemarie. Di nguyện của gia đình Kusserow bị xem thường trong quá khứ dưới thời Quốc Xã, và lại tiếp tục bị xem thường trong nước Đức thời hiện đại.

Đáng buồn là chính tư liệu cũng bị xem thường. Trong số hơn 1.000 tài liệu được lưu trữ, chỉ có 6 tài liệu được trưng bày ở bảo tàng, còn lại thì không. Điều này sẽ khiến người ta không bao giờ có thể xem và học được từ những tài liệu ấy.

Chúng ta cầu nguyện rằng tòa án sẽ trả lại tư liệu cho Nhân Chứng Giê-hô-va, là những người có cả quyền pháp lý lẫn quyền thân nhân đối với tư liệu ấy.​—Lu-ca 18:7.