Đi đến nội dung

NGÀY 21-10-2015
ERITREA

Ủy ban Liên Hiệp Quốc báo cáo tình hình vi phạm nhân quyền ở Eritrea

Ủy ban Liên Hiệp Quốc báo cáo tình hình vi phạm nhân quyền ở Eritrea

Một ủy ban điều tra của LHQ đang lên lịch trình bày báo cáo miệng cho Đại Hội Đồng LHQ, cập nhật thông tin về tình hình vi phạm nhân quyền ở Eritrea vào cuối tháng 10 này. Ủy ban này thành lập vào tháng 6 năm 2014 và được ủy quyền một năm để điều tra Eritrea về việc xâm phạm các quyền hợp pháp và sự tự do của người dân. a

Trong quá trình điều tra, Ủy ban Điều tra về Nhân quyền ở Eritrea của LHQ (COIE) kết luận rằng “nhiều hành động vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, phổ biến và nghiêm trọng” đã xảy ra tại Eritrea. Ngày 23-6-2015, COIE đã trình bày bản báo cáo bao gồm những phát hiện và kiến nghị của mình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC) ở Geneva. Ngày 29-10-2015, COIE sẽ trình bày miệng những thông tin cập nhật cho Ủy ban Thứ ba của Đại Hội Đồng LHQ ở New York. b

Ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va

Ngoài báo cáo được trình bày cho HRC, COIE cũng đã nộp một bản báo cáo bổ sung dài 484 trang về những phát hiện cụ thể của mình trong cuộc điều tra liên quan đến việc phân biệt đối xử và ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì các Nhân Chứng giữ trung lập về chính trị nên họ đã trở thành mục tiêu bắt bớ của chính phủ Eritrea kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1993. Các Nhân Chứng đã bị tra tấn và giam giữ dài hạn trong những điều kiện nhà tù khắc nghiệt. Chính phủ đã tước quyền công dân, tịch thu giấy tờ tùy thân, sa thải họ khỏi những việc làm trong các tổ chức công lập, thu hồi giấy phép kinh doanh và từ chối cung cấp cho họ các phúc lợi xã hội.

“Tất cả người dân Eritrea đều được nhận phiếu mua thực phẩm ngoại trừ Nhân Chứng Giê-hô-va vì chúng tôi không có thẻ căn cước. Chúng tôi không được xem là công dân”.—Một Nhân Chứng Giê-hô-va cho biết.

Trong số rất nhiều những kiến nghị của mình, COIE kết luận rằng chính phủ Eritrea nên:

“Thực hiện ngay các biện pháp nhằm chấm dứt tất cả sự ngược đãi về tôn giáo, nhất là đối với các nhóm tôn giáo cụ thể, chẳng hạn như Nhân Chứng Giê-hô-va..., và khôi phục ngay quyền công dân cũng như các quyền liên quan khác”.

“Chấm dứt việc dùng vũ lực để cưỡng chế nhằm trả đũa các tôn giáo không được công nhận, chẳng hạn như Nhân Chứng Giê-hô-va và những người từ chối tham gia chiến đấu”. c

HRC thông qua nghị quyết

Sau khi COIE trình bày báo cáo ở Geneva, HRC đã thông qua nghị quyết vào ngày 30-6-2015, cho biết rằng họ “lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, phổ biến và nghiêm trọng mà chính phủ Eritrea đang thực hiện”. d Trong nghị quyết, HRC cũng kêu gọi chính phủ Eritrea “thực hiện ngay các bước cụ thể để áp dụng những kiến nghị” mà COIE đưa ra, bao gồm cả những kiến nghị liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngoài ra, HRC cũng kêu gọi chính phủ Eritrea:

  • “Chấm dứt việc giam giữ tùy tiện công dân của mình và chấm dứt việc sử dụng tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục”.

  • “Đảm bảo quyền được xét xử không mất phí và công bằng cho những người bị giam giữ cũng như cải thiện điều kiện nhà tù”.

  • “Tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hay tín ngưỡng của mỗi người cũng như các quyền tự do nhóm lại và tự do hội họp”.

Việc đối xử với Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ được cải thiện?

Hiện tại có 54 Nhân Chứng Giê-hô-va đang bị cầm tù ở Eritrea và ba anh trong số đó đã bị giam giữ hơn 21 năm. Không ai được xét xử chính thức. Một số bị giam trong các công-te-nơ bằng kim loại hoặc trong các tòa nhà bị chôn vùi một nửa nên phải chịu đựng điều kiện rất tồi tệ và nhiệt độ nóng bức kinh khủng. Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới biết những gian khổ mà anh em đồng đạo ở Eritrea đang phải chịu và hy vọng rằng chính phủ nước này sẽ ngừng việc ngược đãi họ.

a Ủy ban Điều tra về Nhân quyền ở Eritrea được thành lập ngày 27-6-2014 bởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc theo Nghị quyết 26/24.

b Ủy ban Thứ ba xem xét các vụ việc liên quan đến vấn đề xã hội và nhân đạo cũng như vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến người dân trên khắp thế giới.

c Báo cáo về những phát hiện cụ thể của Ủy ban Điều tra về Nhân quyền ở Eritrea (bản đầy đủ), A/HRC/29/CRP.1, các điều 1530(c) và 1531(c).

d Nghị quyết A/HRC/29/L.23.