Đi đến nội dung

NGÀY 22-6-2015
GEORGIA

Tòa án Nhân quyền Châu Âu chấp nhận lời xin lỗi của chính quyền Georgia về việc vi phạm quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va

Tòa án Nhân quyền Châu Âu chấp nhận lời xin lỗi của chính quyền Georgia về việc vi phạm quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va

Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) chấp nhận lời xin lỗi của chính quyền Georgia về việc đã can thiệp vào quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va về tự do tín ngưỡng và quyền hội họp. Vụ Cộng đoàn Nhân Chứng Giê-hô-va và những người khác khởi kiện chính quyền Georgia (Union of Jehovah’s Witnesses and Others v. Georgia) liên quan đến việc chính quyền Georgia bãi bỏ đăng ký hai thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc bãi bỏ này góp phần làm gia tăng những vụ hành hung Nhân Chứng từ năm 2001 đến 2004.

ECHR chấp nhận lời xin lỗi của chính quyền Georgia

Trong quyết định ban hành ngày 21-5-2015, a ECHR cho biết vào tháng 9 năm 2014, chính quyền Georgia đã đệ trình bản tuyên ngôn đơn phương “bày tỏ sự vô cùng hối tiếc vì đã vi phạm” quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong bản tuyên ngôn, chính quyền này cũng thừa nhận rằng hành động bãi bỏ việc đăng ký những thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 2000 “là vô căn cứ”. Ngoài ra, việc thiếu quy chế đã dẫn đến việc những thực thể này không được đăng ký lại.

ECHR chấp nhận và xem lời xin lỗi của chính quyền Georgia đã đủ cơ sở để giải quyết vụ việc. ECHR nhận định rằng “khi từ chối đăng ký pháp lý cho các nhóm tôn giáo hoặc bãi bỏ việc đăng ký của họ thì các cơ quan liên quan đang can thiệp vào quyền tự do tín ngưỡng và quyền hội họp của bên nguyên đơn. Điều này vi phạm Điều 9 và Điều 11 của Công ước”. Chính quyền Georgia đồng ý trả 6.000 euro cho những chi phí và thiệt hại.

Việc bãi bỏ những thực thể pháp lý dẫn đến sự ngược đãi kéo dài nhiều năm

Hai thực thể pháp lý là Cộng đoàn Nhân Chứng và Cơ quan Đại diện Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania (Hoa Kỳ) ở Georgia đã được đăng ký hợp pháp vào năm 1998. Nhưng một nghị sĩ theo chủ nghĩa cực đoan muốn Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm trên khắp nước Georgia. Một số nhà lãnh đạo thuộc Chính Thống giáo và những phần tử cực đoan đã ủng hộ ông bằng cách tuyên truyền lời vu khống và kích động các vụ hành hung Nhân Chứng.

Tháng 4 năm 1999, nghị sĩ này đã đại diện cho đảng phái chính trị của mình khiếu nại lên Tòa án Lưu động Isani-Samgori của Tbilisi để cấm Nhân Chứng Giê-hô-va và bãi bỏ việc đăng ký hai thực thể pháp lý của họ. Tháng 6 năm 1999, khi phiên tòa bắt đầu, các linh mục Chính Thống giáo và những người ủng hộ có mặt trong phòng xử án. Bên ngoài phòng xử án, một linh mục Chính Thống giáo bị cách chức tên là Vasili Mkalavishvili và những người ủng hộ ông đã công khai đốt ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sau khi xem xét các bằng chứng, Tòa án Lưu động Isani-Samgori đã bác bỏ lời cáo buộc vô căn cứ của nghị sĩ này. Nhưng sau đó, ông lại kháng cáo. Ngày 26-6-2000, hội đồng kháng cáo đã đảo ngược quyết định của phiên xét xử trước đó và ra phán quyết bãi bỏ việc đăng ký những thực thể pháp lý của Nhân Chứng. Sau phán quyết này, những phần tử cực đoan thuộc Chính Thống giáo lợi dụng tình huống bằng cách dàn xếp hàng loạt vụ hành hung Nhân Chứng. Ngày 22-2-2001, Tòa Tối cao Georgia đã ủng hộ việc bãi bỏ các thực thể pháp lý của Nhân Chứng. Vì không đủ quy chế nên Tòa này đã đưa ra phán quyết bất lợi cho Nhân Chứng. Không còn giải pháp nào khác ở trong nước nên vào ngày 16-8-2001, Nhân Chứng Giê-hô-va đã kháng án lên ECHR.

Sau phán quyết của Tòa Tối cao, các vụ ngược đãi và hành hung Nhân Chứng gia tăng đáng kể. Điều này đã dẫn đến hàng trăm vụ tấn công. Trong hầu hết trường hợp, các cơ quan thi hành luật không bảo vệ Nhân Chứng, thậm chí họ còn nhúng tay vào một số vụ. Nhiều Nhân Chứng bị thương nặng. Những phần tử cực đoan đã xông vào và hành xử bạo lực tại các buổi nhóm họp. Ngoài ra, họ còn đốt và lục soát nhà cửa, lấy cắp, phá hoại tài sản và đốt ấn phẩm của Nhân Chứng. Các nhà chức trách phủ nhận việc cho phép Nhân Chứng nhập khẩu ấn phẩm. Họ tịch thu ấn phẩm đã được nhập khẩu trước đó. Họ cũng không cho phép Nhân Chứng thuê các cơ sở để tổ chức các buổi nhóm họp. Vì sự ngược đãi ngày càng gia tăng và chính quyền không bảo vệ các nạn nhân nên Nhân Chứng Giê-hô-va ở Georgia đã đệ đơn lên ECHR, cho thấy rõ họ bị ngược đãi và các cơ quan thi hành luật đã nhúng tay vào những vụ hành hung. Trong hai vụ kiện đã diễn ra, ECHR xử có lợi cho Nhân Chứng. b

Khi tình hình ở Georgia cải thiện, Nhân Chứng đã có thể đăng ký những thực thể pháp lý. Vì thế, họ có thể sở hữu các cơ sở và được bảo vệ về mặt pháp lý. Trong thời gian đó, chính quyền Georgia đã bắt và bỏ tù ông Mkalavishvili, người cầm đầu vụ hành hung, cùng đồng bọn. Sự ngược đãi khắc nghiệt đối với Nhân Chứng ở Georgia chấm dứt vào năm 2004.

Tình hình hiện nay

Dù việc đối xử với Nhân Chứng Giê-hô-va ở Georgia đã được cải thiện trong những năm qua nhưng các hoạt động tôn giáo của họ thỉnh thoảng vẫn bị can thiệp. Một báo cáo gần đây được trình lên Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu cho biết trong năm 2014, ở Georgia xảy ra 63 vụ quấy nhiễu Nhân Chứng vì lý do tôn giáo.

Ông Michael Jones, người đại diện địa phương của Nhân Chứng Giê-hô-va, cho biết: “Chúng tôi biết ơn Tòa án Nhân quyền Châu Âu vì đã nhìn nhận việc Nhân Chứng bị đối xử bất công trong những năm qua. Chúng tôi rất cảm kích khi thấy Georgia cam kết bảo vệ nhân quyền, và hy vọng rằng phán quyết này và những phán quyết khác của Tòa sẽ giúp Nhân Chứng ở Georgia được đối xử công bằng, thậm chí được nhiều tự do hơn về tín ngưỡng”.

a ECHR đã quyết định vụ kiện vào ngày 21-4-2015, nhưng một tháng sau, họ chính thức đưa ra phán quyết.

b Vụ Members of the Gldani Congregation of Jehovah’s Witnesses and Others v. Georgia, số 71156/01, ngày 3-5-2007; và vụ Begheluri and Others v. Georgia, số 28490/02, ngày 7-10-2014.