NGÀY 14-6-2018
HOA KỲ
Việc can đảm làm theo lương tâm tạo tiền lệ cho Tòa Tối Cao cách đây 75 năm
Gathie Barnett 9 tuổi và em gái 8 tuổi, là Marie, đứng trang nghiêm và im lặng khi các bạn cùng lớp đang chào lá quốc kỳ Mỹ và tuyên thệ trung thành với tổ quốc. Họ không biết rằng hành động biểu lộ đức tin này sẽ khiến mình là tâm điểm của vụ kiện lịch sử trong Tòa Tối Cao vào năm 1943. Hai chị em nhà Barnett đơn giản tin rằng họ chỉ nên tuyên thệ trung thành với Đức Chúa Trời. Họ nằm trong số hàng ngàn con em Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện.—Công vụ 5:29.
Vì can đảm không chào cờ, Gathie và Marie đã bị đuổi khỏi trường cấp 1 Slip Hill ở bang West Virginia. Cha của họ đã kháng cáo lên tận Tòa Tối Cao Hoa Kỳ. Vào ngày 14-6-1943, tòa phán quyết rằng trường học không được bắt các em chào cờ, và nêu rõ là Nhân Chứng Giê-hô-va không có ý “thiếu tôn trọng lá quốc kỳ hay đất nước”. Phán quyết của tòa trong vụ kiện này (vụ Sở Giáo dục của bang West Virginia kiện Barnette) đã hủy phán quyết của vụ Ban giám hiệu của các trường thuộc Minersville kiện Gobitis được đưa ra trước đó chỉ ba năm là nhà trường có quyền đòi hỏi học sinh phải chào cờ. a
Trong văn bản bày tỏ quan điểm số đông (6/9 thẩm phán) của Tòa Tối Cao, thẩm phán Robert Jackson hùng hồn tuyên bố rằng nguyên tắc không bao giờ thay đổi trong hiến pháp của Hoa Kỳ là không một viên chức nào, dù có quyền hạn đến đâu, có thể buộc người dân phải có quan điểm nào đó về chính trị, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo hoặc các vấn đề khác. Họ cũng không thể buộc người dân phải nói hoặc hành động để cho thấy mình tin vào điều chính phủ muốn.
Dù các em Nhân Chứng là người trước tiên nhận được lợi ích từ phán quyết này, ông Andrew Koppelman, giáo sư ngành luật tại Đại học Northwestern, nói: “Những công dân Mỹ quan tâm đến dân quyền nên biết ơn Nhân Chứng Giê-hô-va, vì họ đã chịu đựng sự ngược đãi tàn bạo ở nước Mỹ trong cuộc chiến đòi những quyền công dân mà tất cả chúng ta đang hưởng”.
Ông Philip Brumley, cố vấn pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va, cho biết phán quyết ấy không chỉ ảnh hưởng đến luật Hoa Kỳ. Ông nói: “Phán quyết trong vụ Barnette có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Điều này được thấy qua việc các Tòa Tối Cao của Argentina, Ấn Độ, Canada, Costa Rica, Ghana, Philippines và Rwanda, cũng như Tòa án Nhân quyền Châu Âu đều trích và làm theo lập luận của phán quyết ấy”.
Vào năm 2006, bà Gathie và bà Marie được mời thảo luận về tầm quan trọng của vụ liên quan đến họ cùng với nhóm học giả nổi tiếng tại trung tâm Robert Jackson ở New York. Bà Marie nói: “Tôi rất vui vì vụ này đã giúp ích cho thế hệ học sinh sau mình”. Bà Gathie nói thêm: “Tôi nhớ là khi con trai lớn của tôi bị đưa lên văn phòng vì không chào cờ. Hiệu trưởng đã nói với cháu: ‘Giáo viên của em đã không nhớ phán quyết của Tòa Tối Cao rồi’”.
Bà Gathie nói lên cảm nghĩ của tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va: “Chúng tôi tôn trọng lá quốc kỳ cũng như ý nghĩa của nó. Chúng tôi hoàn toàn không chống lại nó. Chỉ là chúng tôi không chào cờ hoặc tôn thờ nó”.—1 Giăng 5:21.
a Nhân viên tòa án viết sai tên họ của các em trong gia đình Gobitas và Barnett.