Đi đến nội dung

NGÀY 6-6-2018
KAZAKHSTAN

Bị cầm tù 441 ngày—Phỏng vấn anh chị Teymur và Mafiza Akhmedov

Bị cầm tù 441 ngày—Phỏng vấn anh chị Teymur và Mafiza Akhmedov

Sau khi tổng thống Kazakhstan là Nursultan Nazarbayev chính thức đưa ra quyết định ân xá, anh Teymur Akhmedov được trả tự do vào ngày 4-4-2018 sau 441 ngày bị ngồi tù. Chính quyền bắt giữ anh chỉ vì chia sẻ niềm tin với người khác.

Không lâu sau khi anh Teymur được trả tự do, Phòng Thông tin (OPI) thuộc trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Warwick, New York, đã có cuộc trò chuyện với anh và vợ anh là chị Mafiza. Bây giờ, họ đã trở về nhà ở Astana, thủ đô của Kazakhstan. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện đã được điều chỉnh để ngắn gọn và dễ hiểu hơn.

OPI: Trước hết, xin anh Teymur cho chúng ta biết nhiều hơn về bản thân. Khi nào anh trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va?

Anh Teymur Akhmedov: Tôi báp-têm vào ngày 9-10-2005. Trước khi bắt đầu tìm hiểu chân lý, tôi là một người vô thần. Trong nhiều năm, tôi không tin vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Khi vợ tôi bắt đầu học Kinh Thánh, tôi tò mò về các cuộc thảo luận của cô ấy với Nhân Chứng. Tôi từng đứng sau cánh cửa và nghe lén cuộc nói chuyện của họ.

Khi nghe họ thảo luận, tôi rất thích thú vì họ chỉ nói về những điều tốt đẹp. Cuối cùng, các Nhân Chứng giới thiệu tôi với anh Veslav, một anh đến từ Ba Lan và đang phụng sự ở Kazakhstan. Trong buổi thảo luận đầu tiên, tôi nói với anh ấy: “Tôi chỉ hỏi anh một câu. Nếu tôi hài lòng với câu trả lời, chúng ta sẽ trở thành bạn và thảo luận tiếp. Còn nếu tôi không hài lòng với câu trả lời thì tôi sẽ ngừng thảo luận, xin anh đừng buồn”. Rồi tôi hỏi anh Veslav: “Khi chết điều gì xảy ra?”. Anh mở đến Truyền đạo 9:5 và nói: “Để biết câu trả lời, mời anh đọc câu Kinh Thánh này”. Khi đọc, tôi nhận ra đây là chân lý. Cho nên tôi đồng ý tiếp tục thảo luận Kinh Thánh với anh.

Thế là anh tìm hiểu Kinh Thánh và báp-têm vào năm 2005.

Giờ đây, chúng ta hãy nói về điều xảy ra trước khi anh bị bắt. Vào tháng 5 năm 2016, anh gặp một nhóm người đàn ông nói rằng họ chú ý đến niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong vòng vài tháng, anh và họ đã nhiều lần gặp nhau để thảo luận Kinh Thánh. Khi nhớ lại những lần đó, anh có nhận thấy họ nói gì hoặc làm gì khả nghi không?

Anh Teymur: Có, tôi nói rằng chúng tôi thường thảo luận Kinh Thánh như thế này với một người thay vì một nhóm người. Tôi đề nghị thảo luận riêng với từng người trong số họ. Nhưng mỗi lần tôi nhắc đến điều này, họ đều từ chối và nói rằng họ thích thảo luận theo nhóm. Ngoài ra, nhiều lần họ còn mời người khác đến học cùng và bảo tôi nhắc lại những điều được thảo luận lần trước.

Chị Mafiza Akhmedov: Một lần tôi tham dự cuộc thảo luận Kinh Thánh cùng họ. Tôi nhận thấy họ nói nhiều về những tôn giáo khác dù đã thảo luận Kinh Thánh một thời gian khá lâu. Tôi cũng để ý thấy căn hộ của họ quá đắt đối với sinh viên. Tôi nói rằng đời sống của họ khá sang so với những sinh viên khác. Lời nói của tôi khiến họ khó chịu. Khi vợ chồng tôi ra về, họ kéo anh Teymur ra một chỗ và trong khi tôi đứng đợi ở bên ngoài, họ bảo anh ấy đừng đưa tôi đến thảo luận Kinh Thánh với họ nữa.

Khi nào anh phát hiện ra những người này đang hợp tác với cảnh sát chìm của Kazakhstan, hay Ủy ban An ninh Quốc gia (KNB), chứ không chú ý đến niềm tin của Nhân Chứng?

Anh Teymur: Lúc ở phiên tòa xét xử tôi mới biết được điều đó.

Anh phản ứng thế nào khi bị bắt và bị kết tội “kích động chia rẽ tôn giáo” và quảng bá “sự ưu việt [của tôn giáo mình]”?

Anh Teymur: Thật ra, khi bị bắt, tôi nghĩ rằng cảnh sát sẽ giải tôi đến đồn như lời họ nói để làm rõ sự việc và rồi sẽ thả tôi ra. Tôi sẵn sàng biện hộ cho mình và giải thích điều tôi thảo luận với họ.

Tôi không thể ngờ về chuyện xảy ra sau đó, nhưng tôi không sợ. Họ buộc tôi vào tội kích động sự thù ghét và cực đoan về tôn giáo, điều này khiến tôi sửng sốt. Nhân Chứng Giê-hô-va là những người nói về Đức Giê-hô-va và không bao giờ cổ vũ sự thù ghét hoặc chia rẽ. Tôi tin chắc mình vô tội và Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ tôi. Dù lo lắng nhưng tôi đã nhớ lại lời khuyên trong Kinh Thánh: “Hãy trút hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến anh em”.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

Vào ngày 2-5-2017, sau hơn ba tháng bị giam trước khi xét xử, anh bị một tòa án quận ở Astana kết án 5 năm tù và bị cấm tham gia việc dạy dỗ Kinh Thánh trong vòng ba năm tiếp theo. Bản án đó ảnh hưởng đến anh ra sao?

Anh Teymur: Khi tòa tuyên án, tôi chấp nhận sự thật là mình sẽ phải ngồi tù 5 năm. Tôi nghĩ: “Nếu đây là thử thách thì thời hạn của thử thách nằm trong tầm kiểm soát của Đức Giê-hô-va và ngài biết khi nào nó sẽ chấm dứt”. Tôi quyết tâm đợi cho đến khi thử thách ấy chấm dứt.

Trại giam ở thành phố Pavlodar, Kazakhstan, nơi anh Teymur bị giam.

Nhưng theo chúng tôi biết, anh bị bệnh nặng khi bị bỏ tù. Có phải vậy không?

Anh Teymur: Vâng, trước khi bị bỏ tù, tôi bị bệnh và đang phải điều trị. Lúc bị bắt, tôi phải tạm dừng điều trị, vì thế bệnh tình ngày càng trầm trọng.

Chị Mafiza, chị cảm thấy thế nào vào thời điểm ấy?

Chị Mafiza: Tôi lo sợ và rất nản lòng. Sau khi anh Teymur bị bỏ tù, tôi thấy khó đưa ra các quyết định, vì chúng tôi chưa bao giờ xa nhau trong suốt 38 năm kết hôn. Nhưng anh Teymur an ủi tôi: “Em đừng lo! Đức Giê-hô-va sẽ ban thêm 25 năm để bù đắp cho 5 năm vợ chồng mình xa cách, thậm chí ngay trong đời này!”.

Có điều gì khác giúp chị vượt qua khó khăn trong thời gian anh Teymur bị bỏ tù?

Chị Mafiza: Anh em đồng đạo đã giúp tôi rất nhiều. Khi anh Teymur ở trong tù, tôi nghĩ mọi người sẽ sợ đến thăm tôi vì anh Teymur bị bắt. Cảnh sát chìm theo dõi nhà và mọi hoạt động của chúng tôi.

Ngày nọ, một trưởng lão và vợ anh đến thăm tôi, khiến tôi được khích lệ rất nhiều. Tôi hỏi họ: “Anh chị không sợ khi đến đây sao?”. Họ trả lời: “Tại sao chúng tôi phải sợ? Ngày nay, chính quyền có thể theo dõi chúng ta qua điện thoại. Vì thế, nếu muốn, họ có thể dễ dàng phát hiện ra chúng ta”.

Trong một lần thăm chiên, các trưởng lão khuyến khích tôi đừng khuất phục trước thử thách và hãy mạnh mẽ về mặt thiêng liêng.

Anh Teymur, điều gì giúp anh chịu đựng thử thách này và giữ tinh thần tích cực?

Anh Teymur bị xích vào chiếc giường ở một bệnh viện tại Almaty không lâu trước khi được trả tự do. Dù ban đầu anh không được chữa trị nhưng khi bệnh tình của anh trầm trọng hơn thì chính quyền đã cho phép điều đó.

Anh Teymur: Cầu nguyện với Đức Giê-hô-va! Mỗi ngày, tôi cầu xin ngài ban cho sự hướng dẫn, sự thông hiểu và sức mạnh để giữ niềm vui cũng như lòng trung thành. Tôi thấy rõ ngài đáp lời cầu xin của tôi. Được ngài nâng đỡ, tôi không cảm thấy cô đơn khi ở trong tù.

Việc đọc Kinh Thánh cũng giúp tôi rất nhiều. Tại một trại giam, tôi luôn có sẵn cuốn Kinh Thánh. Tại một trại khác, thư viện của nhà tù có Kinh Thánh, và tôi được phép đến đó đọc mỗi tuần một lần.

Tôi cũng nhớ những lời của anh hướng dẫn tôi học Kinh Thánh. Anh thường nói rằng chúng ta không cần sợ đối mặt với thử thách. Tôi đã hỏi anh ấy: “Tại sao không cần sợ? Nếu là thử thách khó đương đầu và khủng khiếp thì sao?”. Anh ấy nói rằng Đức Giê-hô-va sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức mình và sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua bất cứ khó khăn nào (1 Cô-rinh-tô 10:13). Vì thế khi ở trong tù, tôi không bao giờ quên ý tưởng dựa trên Kinh Thánh ấy.

Anh cảm thấy thế nào khi hay rằng các anh chị trên khắp thế giới biết được tình cảnh của anh và đang cầu nguyện cho anh?

Anh Teymur: Tôi cảm nhận rất rõ bàn tay chăm sóc của Đức Giê-hô-va vì tổ chức này thuộc về ngài. Nhờ thế, tôi tin chắc mình sẽ không bị bỏ rơi và đến một ngày, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu tôi.

Điều đáng chú ý, nhà tù là nơi tôi sợ nhất. Tôi khiếp sợ nhà tù. Khi đọc về các anh chị ở trong tù, tôi đã cầu nguyện: “Lạy Đức Giê-hô-va, bất cứ thử thách nào cũng được, nhưng xin đừng để con bị bỏ tù!”. Dù vậy, tôi rất muốn đến thăm tù nhân và chia sẻ chân lý với họ. Khi tôi hỏi về việc làm chứng ở trong tù, các anh nói rằng chúng ta chưa được phép thăm các nhà tù ở Kazakhstan. Vì thế khi gặp thử thách này, tôi có cảm xúc lẫn lộn. Tôi vừa sợ hãi vừa cảm thấy ước muốn rao giảng cho các tù nhân sắp thành hiện thực.

Vậy anh có cơ hội để làm chứng khi bị giam trong tù không?

Anh Teymur: Có. Lần nọ, tôi được một viên cảnh sát gọi đến nói chuyện. Khi tôi bước vào văn phòng của ông ta, viên cảnh sát nói: “Tôi biết anh là Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng đừng nghĩ đến việc rao giảng cho tôi!”. Tôi đáp: “Tôi không có ý định đó”. Rồi ông hỏi tôi: “Tên Đức Chúa Trời là gì?”. Tôi nói: “Tên ngài là Giê-hô-va”. Ông hỏi tiếp: “Vậy Chúa Giê-su là ai? Ngài không phải là Đức Chúa Trời sao?”. Tôi trả lời: “Không, ngài là Con Đức Chúa Trời”. Rồi ông hỏi: “Nếu vậy thì tại sao tín đồ Chính Thống giáo tin rằng ngài là Đức Chúa Trời?”. Tôi nói: “Ông nên hỏi họ về điều đó”.

Lần khác, tôi có dịp nói chuyện với một nhóm ít nhất 40 người. Một chuyên gia tâm lý đến thăm tù nhân. Chúng tôi thảo luận về hôn nhân khi bà ấy hỏi chúng tôi nghĩ gì về tục đa thê. Mọi người đều có cơ hội nói lên quan điểm của mình.

Khi đến lượt mình, tôi nói rằng tôi không có quan điểm riêng về điều này, nhưng rất thích quan điểm của một người khác về đề tài ấy và xin được chia sẻ. Rồi tôi nói: “Vì vậy, người nam sẽ rời cha mẹ và gắn bó với vợ mình, hai người sẽ trở nên một” (Sáng thế 2:24). Chuyên gia tâm lý hỏi: “Đó là quan điểm của ai?”. Tôi trả lời: “Là quan điểm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đấng tạo ra nhân loại. Ngài chỉ nhắc đến hai người, không hơn”.

Rồi chuyên gia tâm lý hỏi tôi: “Điều gì khác khiến anh nghĩ rằng một người đàn ông chỉ nên có một vợ?”. Tôi trích Ma-thi-ơ 7:12: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”. Tôi nói: “Đây là lời của Chúa Giê-su. Xin hãy hỏi những người nam trong hội trường này xem họ có muốn chia sẻ vợ mình với người khác không. Nếu người nam không muốn vợ mình có thêm chồng khác thì chắc chắn phụ nữ cũng không muốn chồng mình có nhiều vợ”. Chuyên gia tâm lý cho biết bà thích câu trả lời của tôi nhất.

Thật khích lệ khi biết rằng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng anh vẫn tìm cơ hội để rao giảng cho người xung quanh!

Sau khi các tòa án nhiều lần bác đơn kháng cáo xin được trả tự do của anh, kể cả đơn trình lên Tòa Tối Cao Kazakhstan, nhìn từ góc độ pháp lý thì dường như không còn giải pháp nào nữa.

Nhưng anh có cơ hội được trả tự do nếu ký vào bản thú tội. Xin anh kể cho chúng tôi về cơ hội đó và cho biết tại sao anh không ký.

Anh Teymur: Họ đã vài lần đề nghị tôi ký vào bản thú tội. Dù đây có vẻ là hành động tử tế nhưng thật ra nếu ký vào bản thú tội thì tôi công nhận là mình đã phạm tội mà tòa kết án và xin lỗi về hành động của mình. Sau đó, tôi được chọn một cách khác là tự viết bản thú tội và xin ân xá. Chính quyền bảo tôi viết rằng tôi đã phạm tội khi nói với người khác về niềm tin của mình và xin lỗi về việc đã làm, đồng thời xin được trả tự do vì vấn đề sức khỏe.

Tôi không chấp nhận những bản thú tội như thế. Tôi bảo họ là thà ngồi tù mà có lương tâm trong sạch còn hơn được trả tự do mà lương tâm bị cắn rứt.

Chúng tôi rất quý trọng gương mẫu về đức tin của anh và việc anh không làm trái lương tâm.

Sau đó, một chuyện bất ngờ xảy ra. Xin cho chúng tôi biết làm thế nào anh được ân xá và trả tự do.

Anh Teymur: Ngày nọ, một lính gác đến phòng giam để báo với tôi là có người gọi điện cho tôi. Tôi nghĩ: “Ai mà lại gọi điện cho mình?”. Khi tôi bắt máy, một người phụ nữ tự giới thiệu về mình và nói rằng cô ấy sẽ đến nhà tù để trả tự do cho tôi. Tôi không biết phản ứng thế nào. Bởi vậy, sau khi người phụ nữ ấy cúp máy, tôi quyết định nói với con trai về chuyện này, vì tôi không muốn vợ mình bị sốc khi nghe tin đó hoặc khiến cô ấy hy vọng vô căn cứ.

Sau khi tôi cúp máy, lính gác bèn hỏi: “Họ vừa nói gì với anh?”. Tôi đáp rằng chắc ai đó đang trêu chọc tôi, vì có một người phụ nữ nói là cô ấy sẽ đến nhà tù để trả tự do cho tôi.

Anh Mark Sanderson, thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo, với anh chị Teymur và Mafiza Akhmedov ít lâu sau khi anh Teymur được trả tự do.

Lính gác cho biết cô ấy nói thật, chứ không nói đùa.

Chị Mafiza, chị phản ứng thế nào khi nghe tin này?

Chị Mafiza: Khi con trai báo tin, tôi cũng nghĩ rằng đó là một trò đùa, vì chúng tôi đã mong đợi mòn mỏi!

Chúng tôi có thể hình dung anh chị hạnh phúc thế nào khi được đoàn tụ sau hơn một năm anh Teymur bị bắt.

Nhìn lại chuyện đã qua, anh chị học được gì từ thử thách này?

Chị Mafiza: Tôi nhớ là mình đã khóc khi nghe về hoàn cảnh của anh Bahram [Hemdemov] và chị Gulzira Hemdemov. [Anh Hemdemov bị chính quyền bắt vào tháng 3 năm 2015 ở Turkmenistan. Ngày 19-5-2015, anh bị kết án bốn năm tù dựa trên những cáo buộc ngụy tạo về tội “kích động sự thù ghét về tôn giáo”. Đến nay anh vẫn chưa được trả tự do]. Ngay cả trước khi anh Teymur bị bắt, tôi nghĩ rằng chị Gulzira hẳn đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giờ đây, tôi muốn ôm lấy chị và gửi tình yêu thương nồng ấm cũng như lời khích lệ đến chị. Sau khi vượt qua thử thách này, tôi muốn nói với chị là tôi cảm nhận được nỗi đau của chị. Tôi cũng hiểu rằng giống như tôi, chị cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo.

Tôi rất biết ơn tất cả mọi người đã hỗ trợ chúng tôi, các anh chị trong hội thánh, đoàn thể anh em quốc tế, Hội đồng Lãnh đạo, luật sư và các con trai của chúng tôi.

Anh Teymur đang cầm giấy chứng nhận ân xá sau khi được ra tù.

Anh Teymur: Tôi chỉ có thể nói rằng mọi người đều gặp thử thách. Dĩ nhiên, không phải ai cũng gặp thử thách là bị bỏ tù. Đối với một số anh chị, thử thách có thể là sự chống đối bắt bớ của người thân không cùng đức tin. Đối với một số anh chị khác, thử thách có thể là khó hòa thuận với một anh chị trong hội thánh. Dù gặp thử thách nào, mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn làm theo các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va hay lờ đi. Nếu làm theo thì chúng ta sẽ vượt qua được thử thách. Tốt nhất là chấp nhận thử thách và nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua thử thách ấy.

Tôi rất biết ơn gia đình và các con trai vì đã hỗ trợ tôi. Họ đã tận dụng mọi cơ hội để đến thăm tôi, điều này giúp tôi tiếp tục mạnh mẽ.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến đoàn thể anh em của chúng ta vì tất cả những gì họ đã làm. Tôi biết ơn về những lời cầu nguyện và các lá thư khích lệ của họ. Tôi không cảm thấy bị bỏ rơi dù chỉ trong giây lát. Những chuyện xảy ra càng khiến tôi yêu mến đoàn thể anh em và thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.