Đi đến nội dung

NGÀY 2-3-2015
KYRGYZSTAN

Bước ngoặt tự do tôn giáo tại Kyrgyzstan

Bước ngoặt tự do tôn giáo tại Kyrgyzstan

Tự do tôn giáo tại Kyrgyzstan đã có những bước tiến bộ khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố một số phần của Luật Tôn giáo 2008 là vi hiến vào ngày 4-9-2014. Điều này đã mở ra cho Nhân Chứng Giê-hô-va cơ hội đăng ký hoạt động tôn giáo tại các khu vực phía nam Kyrgyzstan.

Bất chấp quyết định này, Ủy ban các vấn đề tôn giáo nhà nước (SCRA) vẫn không cho Nhân chứng đăng ký hoạt động tôn giáo tại miền nam Kyrgyzstan. SCRA lập luận rằng các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn hiệu lực cho đến khi quốc hội ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh Luật Tôn giáo 2008. Điều này có nghĩa là Nhân chứng Giê-hô-va vẫn không được công nhận về mặt pháp lý. Như vậy, cùng một hoạt động tôn giáo được đăng ký và tiến hành bình thường tại miền bắc nhưng lại bị phân biệt và cấm đoán ở miền nam Kyrgyzstan. a

Bị bắt giam vì hoạt động tôn giáo không đăng ký

Vào ngày 30-6-2014, tại thành phố Naryn, phía đông nam Kyrgyzstan, khi bà Zhyldyz Zhumalieva, 46 tuổi, đang chia sẻ niềm tin tôn giáo của mình với người khác thì bị chính quyền thành phố bắt giữ và buộc tội chia sẻ niềm tin tôn giáo cho người khác với tư cách là thành viên của tổ chức tôn giáo địa phương không được đăng ký hoạt động. b Kể từ khi Kyrgyzstan là một nước độc lập, đây là lần đầu tiên một Nhân Chứng bị bắt bớ vì tham gia hoạt động tôn giáo.

Tòa án thành phố Naryn đã xét xử phiên tòa kháng cáo buộc tội bà Zhumalieva vào ngày 5-8-2014. Thẩm phán đã hỏi rất nhiều câu hỏi để hiểu thêm về Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như thông điệp mà họ chia sẻ với người khác. Sau khi xem xét bằng chứng, tòa hoãn phiên xét xử để chờ quyết định nói trên của Tòa án Hiến pháp.

Sau đó, tòa án thành phố Naryn đồng ý mở lại phiên tòa xét xử bà Zhumalieva. Tòa không tìm được bằng chứng đối với hành vi vi phạm hành chính nào. Tòa còn xác nhận rằng theo hiến pháp, mọi công dân đều có quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình. Bình luận về quyết định của Tòa án Hiến pháp, tòa án thành phố Naryn ghi nhận Nhân Chứng Giê-hô-va đã đăng ký trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù tòa án thành phố Naryn đã tuyên hủy cáo buộc tại phiên xử sơ thẩm nhưng công tố viên kháng nghị cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp không liên quan đến vụ án này. Vào ngày 24-12-2014, Tòa Tối cao đã bác đơn kháng nghị của công tố viên và tuyên bà Zhumalieva vô tội, ủng hộ quyền chia sẻ niềm tin tôn giáo của bà với người khác.

Thực thi công lý bất chấp cáo buộc bịa đặt tại thành phố Osh

Vào năm 2013, Oksana Koriakina và mẹ em, bà Nadezhda Sergienko bị bắt tại nhà vì bị buộc tội chia sẻ niềm tin của mình với người khác mà không có bằng chứng. Các viên chức chính quyền tại Osh đã đưa ra những cáo buộc bịa đặt để quy chụp Nhân Chứng Giê-hô-va có liên quan đến “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”. Các viên chức cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không thể công khai bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình nếu tổ chức tôn giáo của họ chưa được đăng ký tại địa phương.

Phiên tòa sơ thẩm tại Osh đã tuyên cả hai mẹ con em vô tội. Theo phán quyết ngày 7-10-2014, thẩm phán kết luận rằng các điều tra viên của vụ án đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong quá trình điều tra và họ đã truy tố em Koriakina và bà Sergienko chỉ vì họ là Nhân Chứng Giê-hô-va.

Công tố viên tại Osh đã kháng nghị hủy phán quyết của phiên tòa sơ thẩm. Ông kiến nghị trả hồ sơ vụ án lại cho điều tra viên để “khắc phục” sai sót vì ông nghĩ có thể đưa em Koriakina và bà Sergienko ra tòa lần nữa. Công tố viên đã trình kháng nghị lên Tòa Tối cao Kyrgyzstan khi đề nghị của ông không được tòa án thành phố Naryn chấp nhận. Tòa Tối cao đã mở phiên tòa xét xử vào ngày 3-3-2015. Các Nhân Chứng này hy vọng phán quyết của tòa cũng sẽ bảo vệ công lý.

Liệu Kyrgyzstan sẽ mở rộng hay hạn chế tự do tôn giáo?

Một Nhân Chứng Giê-hô-va có mặt tại phiên tòa xét xử bà Zhumalieva cho biết: “Kể từ năm 1998, các viên chức địa phương đã gây nhiều sức ép trên chúng tôi vì chúng tôi không đăng ký hợp pháp tại thành phố Naryn. Bây giờ nhờ có các phán quyết của Tòa Tối cao, chúng tôi hy vọng sẽ được đăng ký hoạt động tôn giáo hợp pháp”.

Các Nhân Chứng Giê-hô-va mong đợi được đăng ký chính thức tại thành phố Naryn, Osh và những thành phố khác tại miền nam Kyrgyzstan để họ có thể tiếp tục sự thờ phượng tôn giáo một cách bình an và không bị cản trở. Nếu nhà nước Kyrgyzstan chấp thuận quan điểm của tòa án cấp cao thì sẽ nới rộng quyền tự do tín ngưỡng của công dân mình.

a Các Nhân Chứng có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trên toàn quốc, và họ cũng đã đăng ký hoạt động tại các khu vực phía bắc đất nước. Tuy nhiên, các nhà chức trách liên tục từ chối việc đăng ký hoạt động tại những khu vực phía nam.

b Điều 395(2) trong Luật Hành chính của nước Cộng hòa Kyrgyzstan nghiêm cấm việc vi phạm “các quy định về cử hành và tổ chức các buổi họp tôn giáo, lễ rước, và các lễ tôn giáo khác”.