Đi đến nội dung

Từ trái sang phải, hàng trên: Anh Aleksey Budenchuk, anh Dennis Christensen, anh Gennadiy German và anh Roman Gridasov. Hàng dưới: Anh Vadim Kutsenko, anh Feliks Makhammadiyev và anh Aleksey Miretskiy

NGÀY 6-11-2020
NGA

Các quan chức quốc tế phản đối việc Nga ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va

Các quan chức quốc tế phản đối việc Nga ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va

“Đó là một sự bất công trắng trợn”.—Bà Gayle Manchin, chủ tịch USCIRF

Các quan chức từ châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục lên án việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi tại Nga.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF)

Chủ tịch Gayle Manchin nói trong một bài phát biểu vào ngày 27-10-2020: “USCIRF bị sốc trước cách Nga đối xử với ông Dennis Christensen. Rõ ràng họ thù ghét người đàn ông vô tội này, chỉ vì ông thực hành tôn giáo trong sự hòa bình. Thay vì thể hiện sự thương xót, thì quốc gia này đang đối xử với ông ấy như một tội phạm nguy hiểm. Đó là một sự bất công trắng trợn”.

Bà Manchin bênh vực anh Christensen qua Dự án giúp tù nhân tôn giáo vì lương tâm của USCIRF. USCIRF đã nhiều lần lên án mạnh mẽ bản án sáu năm tù của anh Christensen.

Trong bài phát biểu, USCIRF cũng lên án Nga vì từ chối cho anh Christensen ra tù sớm. USCIRF báo cáo rằng “ông được phép ra tù vào ngày 23-6-[2020], nhưng quyết định đó nhanh chóng bị một công tố viên của chính quyền phản đối. Thay vì được trả tự do, ông Christensen bị giam trong buồng giam kỷ luật ngột ngạt vì bị cáo buộc là vi phạm nội quy nhà tù”.

Bài phát biểu của USCIRF kết thúc bằng cách đề cập đến Báo cáo thường niên năm 2020 của tổ chức này. Báo cáo ấy lên án chính phủ Nga vì “vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, liên tiếp và bất công” và đề nghị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt Nga bằng cách đánh dấu nước này là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Tương tự, tám quan chức cấp cao do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chọn đã viết thư cho Đại diện Thường trực của Liên Bang Nga tại Liên Hiệp Quốc. Trong lá thư đó, họ giải thích rằng họ quan ngại khi thấy “Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục bị ngược đãi tại Liên Bang Nga, trung tâm hành chính của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Saint Petersburg bị đóng cửa, và hoạt động tôn giáo của tất cả 395 chi nhánh trong cả nước bị cấm”. Các quan chức này cũng chỉ trích Nga vì lờ đi những lời kêu gọi liên tục của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt sự ngược đãi.

Các quan chức LHQ giải thích rằng luật chống chủ nghĩa cực đoan mơ hồ của Nga “được dùng để cấm mọi hoạt động tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va, để khiến họ sợ hãi, và vi phạm quyền riêng tư của họ bằng cách dùng cảnh sát quấy rối và đột kích nhà của họ, để bắt một số đến đồn cảnh sát nhằm tra khảo và trong một số trường hợp là để buộc tội và tống giam họ”.

Các quan chức cũng nhận định rằng “quyền thực hành và bày tỏ niềm tin tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va được bảo vệ theo điều lệ 18 (1) của ICCPR”. a Do đó, họ yêu cầu Liên Bang Nga “đảm bảo luật chống lại các hoạt động cực đoan của Liên Bang năm 2002 không vi phạm quyền dựa trên hiến pháp, đó là quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc niềm tin”.

Lá thư cũng vạch trần một số hình thức ngược đãi tàn ác đối với anh em chúng ta. Chẳng hạn, lá thư nhắc đến năm Nhân Chứng từ Saratov bị đánh đập vào ngày 6-2-2020. Lá thư cho biết: “Vì niềm tin tôn giáo mà tù nhân là Nhân Chứng thường bị giam trong điều kiện khắc nghiệt, bị đối xử thậm tệ và bị hành hung về thể chất lẫn tinh thần; những điều này có thể bị xem là tra tấn”.

Lá thư của các quan chức cũng đề cập đến một trường hợp khác bị ngược đãi thậm tệ, đó là trường hợp của anh Vadim Kutsenko bị cảnh sát Nga tra tấn vào ngày 10-2-2020. Chính quyền Nga phủ nhận việc tra tấn anh Kutsenko. Các quan chức LHQ không tin điều này và vẫn “rất quan ngại về sự đàn áp Nhân Chứng Giê-hô-va dường như xảy ra ở khắp nước Nga qua việc cho rằng những hoạt động bình an của họ là trái phép”.

Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu

Sau khi Nga cấm đoán Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 2017 và sau đó ngược đãi họ, Ủy ban Bộ trưởng b của Hội đồng Châu Âu bắt đầu theo dõi kỹ hơn xem Nga có làm theo hai phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu hay không, là hai phán quyết đã kết án Nga vi phạm quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va. c Vì thế, Ủy ban đã ban hành một quyết định vào ngày 1-10-2020, cho biết “mối quan ngại sâu sắc về lệnh cấm năm 2017 và những báo cáo gây sửng sốt từ nhiều nguồn... Những báo cáo đó cho biết vì lệnh cấm này nên Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục bị bắt, truy tố và bỏ tù chỉ vì thực hành niềm tin tôn giáo trong sự hòa bình”.

Để ngăn cản những vi phạm tương tự, Ủy ban đề nghị Nga tìm cách cải tiến “luật hiện hành chống lại chủ nghĩa cực đoan, là luật được dùng làm cơ sở cho lệnh cấm mới này và việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị truy tố hình sự”. Ngoài ra, Nga cũng nên xem xét “việc gỡ bỏ lệnh cấm và loại bỏ những vụ truy tố Nhân Chứng Giê-hô-va chỉ vì họ thực hành niềm tin tôn giáo trong sự hòa bình”. Việc Nga có cải tiến tình hình hay không sẽ được xem xét lại vào năm 2021.

Từ năm 2017, hơn 400 anh em ở Nga đã bị buộc tội. Hơn 210 Nhân Chứng bị bỏ tù trong hơn 70 thành phố khắp nước Nga.

‘Chúng ta kêu cầu danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời’, xin ngài tiếp tục giúp anh em chúng ta kiên nhẫn chịu đựng.​—Thi thiên 20:2, 7.