NGÀY 18-5-2020
NGA
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi bắt giam 18 Nhân Chứng Giê-hô-va
Hội đồng chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa có văn bản dài 15 trang nêu ý kiến kết luận liên quan đến việc chính quyền Liên bang Nga vi phạm luật pháp quốc tế trong việc bắt giam 18 Nhân Chứng Giê-hô-va đến từ nhiều thành phố khác nhau trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019. Về cơ bản, Tổ công tác yêu cầu chính phủ Nga trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với các Nhân Chứng Giê-hô-va đang bị giam giữ.
Văn bản đã được công bố vào ngày 15-5-2020 và sẽ sớm được đăng tải trên trang web của LHQ.
Đây là lần thứ ba trong vòng một năm nay, Tổ công tác về bắt giữ tùy tiện đã đưa ra ý kiến chính thức có lợi cho chúng ta. Trong văn bản mới nhất, Tổ công tác đã lên án nhiều hành động bất công của chính phủ Nga đối với anh chị của chúng ta.
Liên quan đến việc nhà chức trách sử dụng “lực lượng đặc nhiệm” để bắt giữ Nhân Chứng, Tổ công tác cho rằng “cảnh sát Nga không có bất kỳ lý do chính đáng nào khi hành động như vậy”. Tổ công tác cũng nhấn mạnh “chính quyền Liên bang Nga không được bắt giam Nhân Chứng cho dù trong quá khứ hoặc trong tương lai”.
Tổ công tác bác bỏ thẳng thừng việc chính phủ Nga cho rằng Nhân Chứng hoạt động cực đoan và giải thích thêm anh chị của chúng ta chỉ “thực hành quyền tự do tôn giáo trong hòa bình”.
Văn bản cũng lên án các chiến thuật tòa án sử dụng khi xét xử anh em chúng ta, chẳng hạn như trường hợp hai chị của chúng ta bị giam trong lồng sắt khi xét xử. Tổ công tác giải thích, luật pháp quốc tế công nhận mọi công dân “được hưởng quyền suy đoán vô tội trước pháp luật”. Vì lý do này, các chị của chúng ta đáng lẽ ra không phải bị “còng tay hoặc giam trong lồng sắt hoặc xem là tội phạm nguy hiểm”.
Tổ công tác yêu cầu chính phủ Nga xóa tòa bộ án tích của 18 Nhân Chứng và bồi thường cho họ theo quy định của luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Tổ công tác cũng yêu cầu chính phủ nước này “mở cuộc điều tra toàn diện và khách quan nhằm xem xét các trường hợp bất công này” cũng như “có các biện pháp truy cứu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quyền công dân của các Nhân Chứng”.
Văn bản ghi nhận 18 Nhân Chứng này chỉ là “số ít trong nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị bắt giam và truy tố hình sự chỉ vì họ thực hành quyền tự do tôn giáo” dù quyền này đã được bảo đảm theo công ước quốc tế mà Liên bang Nga cũng tham gia. Vì vậy, tuy văn bản này chỉ đề cập đến 18 anh chị nhưng Tổ công tác nêu rõ đề nghị “áp dụng cho tất cả các trường hợp tương tự khác”.
Mặc dù văn bản đề nghị của Tổ công tác không đảm bảo các anh chị của chúng ta tại Nga sẽ được trả tự do nhưng chúng ta hy vọng ý kiến này sẽ giúp cải thiện tình hình. Chúng ta chờ đợi phản ứng của chính quyền Liên bang Nga. Trong lúc này, anh chị của chúng ta tại Nga đang can đảm đương đầu với sự ngược đãi, chúng ta biết rằng Cha yêu thương của chúng ta, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban cho họ sự vui mừng và bình an vì các anh chị tin cậy ngài.—Rô-ma 15:13.