Đi đến nội dung

Cuộc họp báo diễn ra tại Mát-xcơ-va vào ngày 1-4-2021, kỷ niệm 70 năm chiến dịch trục xuất Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia bằng tàu hỏa

NGÀY 5-4-2021
NGA

Cuộc họp báo tại Mát-xcơ-va kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Bắc tiến

Gần 10.000 Nhân Chứng Giê-hô-va bị trục xuất đến Siberia

Cuộc họp báo tại Mát-xcơ-va kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Bắc tiến

Vào ngày 1-4-2021, một cuộc họp báo được tổ chức tại Mát-xcơ-va để kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Bắc tiến, là một chiến dịch trục xuất gần 10.000 Nhân Chứng Giê-hô-va từ sáu nước thuộc cựu cộng hòa Xô Viết đến Siberia bằng tàu hỏa vào năm 1951. Một nhóm sáu diễn giả, bao gồm các học giả và chuyên gia về nhân quyền, đã giải đáp thắc mắc của các phóng viên. Nhóm này không chỉ kể về Chiến dịch Bắc tiến mà còn liên hệ đến sự ngược đãi hiện nay tại Nga. Toàn bộ cuộc họp được phát sóng trực tiếp trên Internet.

Anh Yaroslav Sivulsky, đại diện cho Hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va tại Châu Âu và có gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp từ Chiến dịch Bắc tiến, đã cho biết rất nhiều về cuộc trục xuất tàn bạo này. Anh nói: “Sau khi xem xét các tài liệu lịch sử, chúng tôi xác nhận rằng có tổng cộng 9.793 Nhân Chứng Giê-hô-va và gia đình của họ bị trục xuất. Con số này bao gồm những người mất mạng và những người được sinh ra trong cuộc hành trình”.

Ông Sergey Ivanenko, một học giả tôn giáo người Nga, đã nói về vai trò của Xô Viết trong việc tuyên truyền chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va trong Chiến dịch Bắc tiến, cũng như sự ngược đãi tại Nga ngày nay. Sau khi tóm lược kỹ lưỡng, ông Ivanenko cũng nhấn mạnh về sự kiên cường của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông nói: “Hành động đàn áp mạnh mẽ của Liên Bang Nga giáng lên Nhân Chứng Giê-hô-va từ năm 2017 là vô ích. Điều này được chứng minh qua bài học từ Chiến dịch Bắc tiến và cũng như tình hình hiện tại cho thấy sự kiên định của Nhân Chứng Giê-hô-va trong việc bảo vệ đức tin. Dường như điều tốt nhất cho chính quyền Nga là loại bỏ những lệnh cấm liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va và các hoạt động của họ”.

Ông Artur Artemyev, một học giả tôn giáo người Kazakh và là tác giả của cuốn sách Nhân Chứng Giê-hô-va tại Kazakhstan: Phân tích lịch sử xã hội và tôn giáo (Jehovah’s Witnesses in Kazakhstan: A Social-Historical and Religious Analysis, hiệu đính năm 2020), nói rằng dù chiến thuật của Xô Viết có tàn ác ra sao thì cũng không thể loại bỏ được Nhân Chứng Giê-hô-va hay làm giảm lòng sốt sắng của họ. Trên thực tế, tại quốc gia của ông dưới chế độ Xô Viết, số lượng Nhân Chứng Giê-hô-va đã gia tăng. Tương tự thế, chuyên gia về nhân quyền là ông Valery Borschev thuộc nhóm Helsinki ở Mát-xcơ-va đã khẳng định rằng: “Các chính quyền phải hiểu một điều là sự bắt bớ chỉ làm Nhân Chứng Giê-hô-va càng thêm vững mạnh”.

Ông Valentin Gefter, một thành viên của Hội đồng Chuyên môn dưới quyền Ủy viên Nhân quyền tại Nga, thảo luận đề tài “Tù nhân vì cớ lương tâm đã xuất hiện tại Nga thời nay như thế nào?”. Những Nhân Chứng bị bỏ tù ở Nga không phải là tù nhân chính trị, mà đúng hơn là tù nhân vì cớ lương tâm. Ông cũng nhấn mạnh: “Nhân Chứng Giê-hô-va không chống lại chính quyền”. Ông tiếp tục giải thích rằng niềm tin tôn giáo của Nhân Chứng thúc đẩy họ giữ trung lập về các vấn đề chính trị. Do đó, chính quyền đang bỏ tù các Nhân Chứng một cách vô ích và bất công.

Diễn giả cuối cùng là ông Aleksandr Verkhovsky. Ông là thành viên của Hội đồng Tổng thống về Nhân quyền và là giám đốc của Trung tâm Thông tin và Thống kê SOVA. Trung tâm SOVA theo dõi sát sao và lưu lại tất cả các trường hợp không áp dụng đúng những điều luật về chủ nghĩa cực đoan, bao gồm những trường hợp liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông phân tích về sự ngược đãi đang xảy ra ở Nga. Ông nói: “Chiến dịch chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ giảm bớt không? Đây là một câu hỏi rất quan trọng, và chúng ta không biết câu trả lời”. Ông Verkhovsky tin chắc rằng không sớm thì muộn chính quyền Nga phải chấm dứt việc ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông gợi ý cho những nhà lập pháp một số cách họ có thể chỉnh sửa điều luật về việc chống chủ nghĩa cực đoan, nhằm bảo vệ chính quyền khỏi những hoạt động cực đoan thật mà không vi phạm nhân quyền của những tín đồ yêu hòa bình, như là Nhân Chứng Giê-hô-va.

Các nhà báo được phép đặt câu hỏi cho các diễn giả về những điều được trình bày.

Cũng trong ngày đó, một hội thảo được tổ chức ở thành phố Chisinau, Moldova, dưới sự hỗ trợ của Học viện Lịch sử thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Moldova, trường đại học Alecu Russo State tại thành phố Balti và trường đại học Bogdan Petriceicu Hasdeu State tại thành phố Cahul. Một hội nghị khác được lên lịch vào ngày 9 tháng 4 ở Ukraine.