Đi đến nội dung

Từ trái sang phải: Các chuyên gia Nhân quyền gồm ông Valeriy Borshchev, ông Aleksandr Guryanov, và ông Sergey Davidis, trong cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm cuộc lưu đày Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia, được tổ chức tại Hiệp hội Tưởng niệm Quốc tế ở Mát-xcơ-va vào ngày 6-4-2021

NGÀY 12-4-2021
NGA

Hiệp hội Tưởng niệm Quốc tế tổ chức hội thảo kỷ niệm 70 năm chiến dịch trục xuất Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia của Xô Viết

Hiệp hội Tưởng niệm Quốc tế tổ chức hội thảo kỷ niệm 70 năm chiến dịch trục xuất Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia của Xô Viết

Chỉ vài ngày sau cuộc họp báo kỷ niệm 70 năm cuộc lưu đày Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia được tổ chức vào ngày 1-4-2021 tại Mát-xcơ-va, Hiệp hội Tưởng niệm Quốc tế đã mời một số học giả Nga và những nhà hoạt động nhân quyền đến một cuộc hội thảo diễn ra vào ngày 6 tháng 4. Các diễn giả không chỉ thảo luận về cuộc trục xuất năm 1951 (được người Xô Viết gọi là Chiến dịch Bắc tiến), mà còn kể lại lịch sử lâu đời về sự ngược đãi mà Nhân Chứng Giê-hô-va phải chịu đựng ở Nga.

Chiến dịch Bắc tiến được châm ngòi bởi Bộ An ninh Nhà nước Xô Viết (MGB). Vào đầu năm 1951, MGB đã gửi một thư tín đến lãnh đạo của Liên Xô là Joseph Stalin, với một phần nội dung như sau: “Nhằm tiến xa hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động bí mật chống lại Xô Viết của những người theo Giê-hô-va, MGB của USSR xét thấy ngoài việc bắt những kẻ lãnh đạo của giáo phái Giê-hô-va, thì cần trục xuất những người được xác nhận theo Giê-hô-va cùng với gia đình của chúng ra khỏi biên giới của Ukraine, Belarus, Moldova, Latvia, Lithuania và Estonia đến vùng Irkutsk và Tomsk”. Tổng cộng gần 10.000 người, hơn 3.000 gia đình đã bị trục xuất. Đây là cuộc trục xuất mang tính chất tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô Viết (USSR).

Ông Aleksandr Guryanov, chủ trì của hội thảo, đã nói như sau trong phần phát biểu mở đầu: “Sự ngược đãi nhóm tôn giáo này... vẫn đang diễn ra, nên cuộc thảo luận hôm nay về lịch sử của Chiến dịch Bắc tiến là điều đặc biệt quan trọng”.

Ông Pavel Polyan, nhà sử học kiêm nhà địa lý học và chuyên gia nghiên cứu về sự cưỡng chế di cư dưới thời USSR, đã nói về lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời Liên Xô và giải thích một lý do đằng sau cuộc trục xuất. Vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, MGB bắt đầu nhận thấy Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức chặt chẽ. Ngoài ra, ông Polyan nhận xét: “[Nhân Chứng Giê-hô-va] là những người truyền giáo xuất sắc. Các chính quyền vô thần không thích điều này”.

Ông Valeriy Borshchev, nhà hoạt động nhân quyền và đồng chủ tịch của nhóm Helsinki ở Mát-xcơ-va, đã nói về việc chính quyền Xô Viết cố “cải tạo” Nhân Chứng Giê-hô-va bằng những lời tuyên truyền và các phương pháp khác. Ông Borshchev cho biết rằng theo thời gian, “các nhà chức trách [về vấn đề tôn giáo] nhận ra rằng những điều này là vô ích và không có kết quả”. Ông nói thêm: “Chúng ta phải khen các Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ đã có lòng quyết tâm không lay chuyển”.

Ông Sergey Davidis, thành viên của Hội đồng Trung tâm Tưởng niệm Nhân quyền và là người dẫn đầu chương trình Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, đã xem xét việc Nhân Chứng Giê-hô-va ngày càng bị ngược đãi kể từ năm 1998. Ông nhắc đến quyết định của Tòa Tối Cao vào tháng 4 năm 2017 về việc đóng cửa các thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông giải thích rằng Tòa đưa ra quyết định này vì Nhân Chứng Giê-hô-va cho rằng họ là tôn giáo vượt trội nhất so với các tôn giáo khác. Ông Davidis nói: “Đây thật là một sự cáo buộc vô lý. Mỗi người sùng đạo đều tin rằng tôn giáo của mình là vượt trội nhất”.

Anh Yaroslav Sivulskiy, đại diện cho Hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va tại Châu Âu, nói về những thử thách mà Nhân Chứng phải đối mặt khi sống ở Siberia theo lời cha mẹ anh kể lại. Khi đến đó, một số gia đình bị bắt phải sống trong khu rừng lạnh lẽo mà không có chỗ ở. Các anh phải đào những cái hố lớn dưới đất để trú ngụ. Gia đình họ phải sống trong những cái hố đó nhiều tháng, cho đến khi họ dựng được một nơi chắc chắn hơn. Khi sống trong rừng, các Nhân Chứng thường phải ăn lá tầm ma và vỏ cây. Nhiều người chết vì đói hoặc vì bệnh tật.

Một anh và bảy chị đang chuẩn bị dựng một chỗ ở trong rừng Siberia

Anh Sivulskiy nói rằng lý do của cuộc trục xuất vào năm 1951 giống với lý do mà Nga ngược đãi Nhân Chứng ngày nay. Chính quyền đã sai lầm khi nghĩ rằng vì Nhân Chứng có lập trường trung lập về chính trị nên họ không muốn vâng lời chính quyền. Những nhà chức trách đã không xem xét về việc Nhân Chứng được biết đến là những người tôn trọng chính quyền, tuân thủ luật pháp và lao động siêng năng.

Ông Aleksandr Guryanov, chủ trì của cuộc hội thảo, đã kết luận với một số điểm liên quan đến tình hình hiện tại ở Nga. Ông nói: “Chính quyền đặc biệt ghét Nhân Chứng Giê-hô-va”. Cử tọa được nhắc về cuộc trục xuất vào 70 năm trước, và lịch sử đang tái diễn. Những người tuân thủ luật pháp của nước này một lần nữa bị xem là tội phạm chỉ vì họ thực hành đức tin, là một trong những quyền được hiến pháp công nhận.

Video về hội thảo này chỉ phát trực tuyến trong tiếng Nga.