Đi đến nội dung

Tòa nhà Hofburg tại Vienna, nơi Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đặt trụ sở

NGÀY 11-8-2020
NGA

Hoa Kỳ và châu Âu kịch liệt lên án Liên bang Nga ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va một cách có tổ chức

Hoa Kỳ và châu Âu kịch liệt lên án Liên bang Nga ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va một cách có tổ chức

Hoa Kỳ và khoảng 30 quốc gia châu Âu khác kịch liệt lên án việc anh em chúng ta tại Liên bang Nga bị ngược đãi và bị trừng phạt một cách có tổ chức. Tại cuộc họp ngày 23-7-2020 do Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) a chủ trì, quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động này của Liên bang Nga.

Phát biểu trước các viên chức tại buổi họp, cố vấn chính trị của phái đoàn Hoa Kỳ tại OSCE, bà Lane Darnell Bahl cho biết: “Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác có mặt trong hội trường đã, đang và sẽ tiếp tục lên tiếng trước các báo cáo liên quan đến những cuộc đột kích vô lý của cảnh sát Nga, các vụ bắt giam tùy tiện cũng như việc chính quyền Liên bang Nga ngược đãi và kết án Nhân Chứng Giê-hô-va lên đến sáu năm tù giam”.

Các viên chức đặc biệt quan ngại đối với các báo cáo gần đây về việc chính quyền tại vùng Voronezh đột kích vào hơn 100 ngôi nhà của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bà Bahl nói thêm: “Quy mô của các cuộc trấn áp nhằm chống lại nhóm tôn giáo thiểu số sinh hoạt trong hòa bình này thật sự gây nhiều phẫn nộ”.

Phó trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Anh là bà Nicola Murray cũng bày tỏ sự quan ngại trước “số vụ khám xét nhà ngày càng tăng cũng như các cuộc đột kích nhà dân trên diện rộng tạo cảm giác rằng đây là chiến dịch tấn công Nhân Chứng Giê-hô-va một cách có tổ chức”. Bà Murray nói tiếp: “Cái gọi là ‘bằng chứng’ dùng để chống lại những người bị điều tra và bị kết tội chẳng qua chỉ là các sinh hoạt tôn giáo đời thường của họ”.

Thêm vào đó, bà Bahl đã vạch trần sự giả dối của chính quyền Voronezh khi cáo buộc Nhân Chứng “thực hiện kế sách âm mưu”. Các kế sách này bao gồm lưu trữ các báo cáo và tài liệu khác dưới dạng điện tử, tổ chức các nhóm và sử dụng video để hội họp. Bà Bahl gọi việc chính quyền Liên bang Nga cáo buộc Nhân Chứng là “lố bịch và đáng xấu hổ”. Bà nói thêm: “Bản thân tôi cũng sử dụng ‘kế sách âm mưu’ trong cuộc sống hàng ngày”. Bà cho biết việc thành viên phái đoàn Liên bang Nga tham dự buổi họp của OSCE từ xa thật ra cũng đã “phạm tội tham gia các hoạt động tương tự rồi”.

Trong một tuyên bố chung trước đó, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với tám quốc gia khác đã khẳng định như sau: “Chúng tôi đã nghe nhiều lần phái đoàn Liên bang Nga phát biểu trước Hội đồng thường trực rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đang và sẽ tiếp tục được tự do thực hành tôn giáo. Chính phủ Liên bang Nga đảm bảo quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng đối với họ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các báo cáo về việc cảnh sát đột kích nhà dân, bắt giam và điều tra hình sự đối với Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này hoàn toàn trái ngược với các phát biểu của phái đoàn Liên bang Nga”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu cũng nói rõ: “Tất cả mọi người bao gồm thành viên Nhân Chứng Giê-hô-va phải được hưởng quyền con người bao gồm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do hội họp trong hòa bình và tự do ngôn luận mà không bị phân biệt đối xử theo Hiến pháp Liên bang Nga, các cam kết và nghĩa vụ của Nga tại OSCE theo luật pháp quốc tế”.

Bà Murray kết luận bài phát biểu của đại diện Vương quốc Anh bằng cách kêu gọi Liên bang Nga chấm dứt ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va.

Bà Bahl thúc giục Nga: (1) chấm dứt điều tra hình sự đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, (2) ngừng việc tịch thu bất động sản của trụ sở Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga và (3) trả tự do cho các Nhân Chứng đang bị giam giữ ngay lập tức.

Đây không phải lần đầu các tổ chức quốc tế lên án Liên bang Nga về việc ngược đãi anh em của chúng ta. Chính quyền nước này đã được cảnh báo—cộng đồng quốc tế đều biết Liên bang Nga đối xử tàn nhẫn đối với anh em chúng ta. Quan trọng hơn, chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va biết cảnh ngộ anh em chúng ta đang phải chịu đựng tại Nga (Thi thiên 37:18). Cha yêu thương trên trời chắc chắn sẽ tiếp tục ban phước cho lòng trung thành và sự can đảm chịu đựng của các anh chị ấy.—Thi thiên 37:5, 28, 34.

a Một trong những nhiệm vụ của OSCE là bảo vệ nhân quyền. Hội đồng thường trực là cơ quan quyết định hầu hết các vấn đề của OSCE.