Đi đến nội dung

Tòa án Vùng Oryol

NGÀY 11-6-2019
NGA

Lời phát biểu của anh Dennis Christensen trước tòa ngày 16 tháng 5

Lời phát biểu của anh Dennis Christensen trước tòa ngày 16 tháng 5

Trong phiên tòa kháng cáo vào thứ năm ngày 16-5-2019, anh Dennis đã có thể biện hộ cho mình gần một tiếng đồng hồ. Dưới đây là lời phát biểu mạnh mẽ của anh Dennis trước tòa (được dịch từ tiếng Nga).

Nhiều năm trước, một kẻ tồi tệ đã nói nguyên tắc sau: ‘Lời nói dối càng được lặp đi lặp lại thì nó càng trở thành sự thật’, hay nói cách khác, một lời nói dối được lặp lại một ngàn lần thì nó sẽ trở thành sự thật. Lời nói dối đó, điều mà một số người cố khiến người khác tin là thật, đã dẫn đến biết bao vấn đề và gây đau khổ cho nhiều người vô tội.

Tất cả những điều này đã là quá khứ, và thường người ta nghĩ rằng những người có tri thức trong thế kỷ 21 sẽ rút ra bài học và không đi theo vết xe đổ đó.

Nhưng dường như điều ấy đã không xảy ra. Thủ đoạn nói dối lại được dùng trong phiên tòa này để chống lại tôi và những Nhân Chứng Giê-hô-va khác ở Nga. Và một lần nữa, lời nói dối đó dẫn đến biết bao vấn đề và gây đau khổ cho nhiều người vô tội.

Trong trường hợp của tôi, lời nói dối gồm những cáo buộc cho rằng tôi đã và đang tham gia các hoạt động của một thực thể pháp lý bị cấm của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Oryol (LRO), là thực thể bị tòa tuyên bố là cực đoan, và tôi bị xem là đã hoạt động bí mật cho thực thể này.

Lời cáo buộc ấy được lặp đi lặp lại trong suốt phiên tòa này, nhưng họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Khi làm thế, dường như họ đang cố làm cho lời dối trá đó trở thành sự thật.

Sự thật là tôi chưa bao giờ tham gia các hoạt động của thực thể pháp lý Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Thật vậy, tôi là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn bè và tôi tham dự các buổi nhóm họp tôn giáo được điều khiển bởi một nhóm tôn giáo không hề liên quan đến thực thể pháp lý Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va, và những thực hành đó hoàn toàn phù hợp với Điều 28 trong Hiến pháp của Liên Bang Nga.

Tôi không hoạt động cho thực thể pháp lý Oryol LRO bị cấm của Nhân Chứng Giê-hô-va, và không vi phạm bất cứ điều luật nào của Nga. Tôi không bao giờ dính líu đến chủ nghĩa cực đoan.

Nhiều người hỏi tôi: “Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va là những người hòa bình mà lại bị gán cho là cực đoan, và chính xác họ làm điều gì mà bị gọi như vậy?”. Câu trả lời của tôi là: “Tôi không biết!”.

Nhân Chứng Giê-hô-va yêu thương người đồng loại như chính mình. Họ cố gắng làm những việc tốt để mang lại lợi ích cho xã hội. Họ là người trung thực, tuân thủ pháp luật và đóng thuế đầy đủ. Vậy tại sao những gì họ làm lại bị xem là “cực đoan”? Bản thân tôi không biết tại sao, và trong những phiên xét xử này, tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời cho câu hỏi đó.

Tôi bị cáo buộc là hoạt động cho một thực thể pháp lý nhỏ gồm khoảng mười thành viên và bị tòa tuyên bố là cực đoan. Nhưng tôi hoạt động cho thực thể đó khi nào và như thế nào? Và chính xác tôi đã làm gì để bị xem là cực đoan?

Tôi không nhận được bất cứ câu trả lời nào cho những câu hỏi này trong các phiên xét xử. Quý vị có biết tại sao không? Vì họ đang cố làm cho lời nói dối trở thành sự thật bằng cách lặp đi lặp lại lời nói dối đó!

Tại Nga, một số người tìm mọi cách để người khác tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là cực đoan, nhưng điều đó không công bằng và hoàn toàn sai sự thật. Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là những người cực đoan. Quý vị có biết tại sao không?

Thứ nhất, Nhân Chứng Giê-hô-va không bao giờ cầm vũ khí và tham gia những cuộc xung đột về chính trị. Trong Thế Chiến II tại Đức, họ bị giết vì từ chối phục vụ trong Wehrmacht, quân đội của Đức. Họ không tham gia chiến tranh và không giết binh lính Xô Viết.

Vào thời Liên bang Xô Viết (USSR), Nhân Chứng Giê-hô-va trở thành mục tiêu của sự ngược đãi và bị gán là kẻ thù của cộng sản. Nhưng họ không ghét những người đã ngược đãi họ.

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va là một đoàn thể anh em quốc tế gồm những người từ các quốc gia và chủng tộc khác nhau. Họ sống hòa bình với nhau. Điều này cho thấy dù khác biệt nhưng chúng tôi có thể hợp nhất trong một thế giới chia rẽ.

Thứ hai, không nơi nào khác trên thế giới, chỉ có Nga cáo buộc Nhân Chứng Giê-hô-va là cực đoan. Nhân Chứng Giê-hô-va hoạt động tự do và hòa bình trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Họ được biết đến là những người hiền hòa và không hề dính líu đến chủ nghĩa cực đoan.

Họ hợp nhất vì có cùng niềm tin dựa trên Kinh Thánh, là cuốn sách khuyến khích họ thể hiện những phẩm chất tốt như tình yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, đức tin, [mềm mại] và tự chủ.

Kinh Thánh gọi những phẩm chất này là “bông trái của thần khí”. Các phẩm chất đó không gây vấn đề cho xã hội và không có bất kỳ điểm chung nào với chủ nghĩa cực đoan. Thay vì thế, chúng mang lại lợi ích cho mọi người.

Thứ ba, việc Nga áp dụng luật chống hoạt động cực đoan đối với Nhân Chứng Giê-hô-va bị các chuyên gia về nhân quyền của Nga lên án. Nhiều người trong số họ đã nói rằng đó là một điều đáng hổ thẹn cho danh tiếng của Nga, một nhà nước dân chủ được chi phối bởi luật pháp. Những chuyên gia uy tín này hẳn đã không lên án hành động trên nếu Nhân Chứng Giê-hô-va có bất kỳ dấu hiệu nào của sự cực đoan.

Thứ tư, cộng đồng quốc tế cũng lên án việc Nga áp dụng luật chống hoạt động cực đoan đối với Nhân Chứng Giê-hô-va tại nước này. Nghị trưởng của Hội đồng Châu Âu đề nghị chính quyền Nga ngừng áp dụng luật này đối với Nhân Chứng Giê-hô-va. Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại với Nga vì hành động chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va dẫn đến việc những người vô tội và ôn hòa đang bị ngược đãi.

Chúa Giê-su cảnh báo với các môn đồ: “Nếu họ ngược đãi tôi thì cũng sẽ ngược đãi anh em” (Giăng 15:20) a. Cuối cùng, ngài bị kết án và bị giết dựa trên lời chứng giả. Một sự bất công trắng trợn!

Nhưng không phải chúng ta đang sống vào thế kỷ thứ nhất hay thời Trung Cổ. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thời kỳ mà quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng cần phải được tôn trọng như nhau.

Có đúng không nếu cấm một người tin có Đức Chúa Trời và tống họ vào tù vì niềm tin? Tôi tin rằng điều đó là sai. Điều này chỉ xảy ra ở những nước dưới chế độ độc tài, chứ không phải ở các nước dân chủ được chi phối bởi luật pháp. Tôi hy vọng Nga là một nước như thế, hay ít nhất là đang cố gắng làm điều đó.

Trong quá trình xét xử, tôi nghe một số người ở Nga cho rằng việc một người tin chắc niềm tin của mình là chân lý và công khai chia sẻ về niềm tin ấy là cực đoan. Điều này hoàn toàn vô lý vì tất cả những người có tín ngưỡng đều tin rằng tôn giáo của họ là chân lý. Làm sao họ có thể tiếp tục chia sẻ về tôn giáo của mình nếu không tin tôn giáo ấy là chân lý?

Nếu chỉ dựa vào lập luận này để tuyên bố một người là cực đoan thì Chúa Giê-su cũng là cực đoan. Ngài nói với Bôn-xơ Phi-lát: “Sở dĩ tôi được sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tôi”.​—Giăng 18:37.

Những gì Chúa Giê-su nói cho thấy quý vị có thể tìm được chân lý trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su rao giảng về chân lý và dạy chân lý cho các môn đồ. Ngài không nói về chân lý chung chung. Thay vì thế, ngài nói về chân lý liên quan đến những ý định của Đức Chúa Trời. Về cơ bản, ý định của Đức Chúa Trời dành cho Chúa Giê-su, “Con vua Đa-vít” (hậu duệ của ông), là ngài sẽ phục vụ với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Vua Nước Trời.

Chúa Giê-su giải thích rằng mục đích chính của ngài xuống thế và làm thánh chức trên đất là để rao truyền sự thật về Nước Trời. Ngày nay người ta có xem Chúa Giê-su là cực đoan chỉ vì ngài chia sẻ về chân lý không?

Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo gương của Chúa Giê-su và rao giảng về sự thật được ghi trong Kinh Thánh, đó là Nước Trời là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của nhân loại. Họ chia sẻ những điều được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh với tất cả mọi người.

Chúa Giê-su từng nói trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Xin Cha dùng chân lý khiến họ nên thánh, lời Cha là chân lý” (Giăng 17:17). Vì thế, tất cả mọi người đều cần học về chân lý Kinh Thánh. Điều này mang lại vô vàn lợi ích và không hề dính líu đến chủ nghĩa cực đoan.

Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là những người duy nhất quý trọng Kinh Thánh. Nhà khoa học Nga tên là Mikhail Lomonosov nói: “Đấng Tạo Hóa ban cho nhân loại hai cuốn sách. Trong một cuốn, ngài tiết lộ về quyền năng của ngài, còn trong cuốn khác, ngài nói về ý định của ngài. Cuốn thứ nhất là thế giới hữu hình ngài tạo ra... Cuốn thứ hai chính là Kinh Thánh”.

Chắc chắn ông Lomonosov đã nghiên cứu kỹ Kinh Thánh, và ông đã đúng. Chúng ta có thể học được nhiều điều về Đức Chúa Trời qua việc quan sát công trình sáng tạo. Thậm chí chúng ta có thể học nhiều hơn về ngài nếu đọc, xem xét và nghiên cứu Lời ngài là Kinh Thánh.

Kinh Thánh nói rằng: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn, hữu ích cho việc dạy dỗ... sửa trị người ta theo tiêu chuẩn công chính, hầu cho tôi tớ Đức Chúa Trời có đủ khả năng, được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Để làm mọi việc lành!

Tại các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô mà tôi tham dự được điều khiển bởi một nhóm tôn giáo không liên hệ gì đến thực thể pháp lý Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại đây, chúng tôi thảo luận về những cách làm điều tốt cho người khác.

Trong hai video quay về buổi nhóm họp diễn ra vào ngày 19 và 26 tháng 2 năm 2017 được chiếu tại tòa, chúng tôi không nói hay làm bất cứ điều gì dính líu đến cực đoan. Chúng tôi chỉ thảo luận Kinh Thánh, là những sự dạy dỗ hữu ích cho tất cả mọi người. Các buổi nhóm họp này diễn ra bình an và vui mừng, là điều thường thấy trong các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Những ý tưởng trong Kinh Thánh mà chúng tôi thảo luận không đe dọa sự an nguy của xã hội. Trái lại, những ý tưởng đó mang lại lợi ích và niềm an ủi cho nhiều người. Chẳng hạn đối với những người đang đau buồn vì mất người thân, Kinh Thánh chứa đựng lời hứa đầy an ủi sau: “Và kẻ thù sau cùng là sự chết sẽ bị hủy diệt”.​—1 Cô-rinh-tô 15:26.

Sự chết là kẻ thù khiến tất cả mọi người sợ hãi, nhưng đối với Đức Chúa Trời thì không. Ngài hứa nơi Ê-sai 25:8: “Ngài sẽ nuốt sự chết đến muôn đời, Chúa Tối Thượng Giê-hô-va sẽ lau nước mắt trên mọi mặt”.

Hãy hình dung thời điểm lúc đó! Sẽ không còn đám tang hay nghĩa trang. Những giọt nước mắt vui mừng sẽ thay cho những giọt nước mắt đau buồn khi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa kinh ngạc là làm người chết sống lại. Rồi những nỗi đau mà sự chết gây ra sẽ được chữa lành.

Hy vọng này an ủi tôi biết bao vì nhiều người mà tôi yêu quý đã qua đời. Trong thời gian bị giam, một người rất gần gũi và quan trọng đối với tôi đã mất, là bà tôi Helga Margrethe Christensen.

Bà là người đầu tiên trong gia đình học Kinh Thánh và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc đầu bà dạy chân lý cho cha tôi và sau đó dạy cho tôi. Nhiều người biết về bà; hàng xóm, đồng nghiệp và gia đình đều yêu mến và kính trọng bà.

Bà cũng yêu quý và tôn trọng tất cả mọi người, bất kể họ có tôn giáo, chủng tộc hay màu da nào. Bà cố gắng giúp đỡ mọi người, và bà làm những việc tốt cho hàng xóm. Đáng buồn là có lẽ một số người gọi bà là cực đoan. Nhưng đa số người biết lý lẽ sẽ không đồng tình với quan điểm đó.

Tôi trông mong ngày mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho bà sống lại, và chúng tôi sẽ đoàn tụ. Tôi rất buồn khi không thể dự tang lễ của bà. Tôi không thể an ủi gia đình trong thời điểm khó khăn này, vì tôi bị giam bởi lời cáo buộc về tội cực đoan hết sức phi lý này.

Hy vọng về sự sống lại đã an ủi tôi và đảm bảo rằng tôi không mất bà mãi mãi, và một ngày nào đó, tôi sẽ gặp lại bà trên đất được tẩy sạch dưới sự trị vì của Nước Đức Chúa Trời. Nếu hy vọng này có thể giúp và an ủi tôi, thì tôi tin chắc nó cũng có thể giúp và an ủi người khác.

Một ý tưởng khác trong Kinh Thánh được thảo luận tại các buổi nhóm họp là địa đàng trong tương lai, là nơi sẽ có dư dật thức ăn và bình an trong vòng mọi người. Đó là nơi không có ai đau ốm, như được tiên tri ở Ê-sai 33:24: “Không cư dân nào sẽ nói: ‘Tôi đau ốm’. Dân sống trong xứ sẽ được tha lỗi lầm”.

Việc chia sẻ những lời hứa này cho người khác có thể gây nguy hại cho xã hội không? Trái lại, những lời hứa đó mang lại cho người ta hy vọng và niềm vui. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Hạnh phúc cho những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời!”.​—Lu-ca 11:28.

Tin điều này hay không là quyền của mỗi người. Đức Chúa Trời không bắt bất cứ ai phụng sự ngài. Nơi Giê-rê-mi 29:11, ngài phán: “Ta biết rõ ý ta đang nghĩ về các con, đó là ý bình an, chứ không phải ý thảm họa, hầu ban cho các con một tương lai và một hy vọng”.

Đức Chúa Trời mời tất cả chúng ta bước đi trên con đường tốt nhất. Ngài muốn chúng ta vun trồng mối quan hệ mật thiết với ngài. Nhân Chứng Giê-hô-va đang mời người ta chọn con đường tốt nhất dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Những điều này không hề dính líu đến chủ nghĩa cực đoan. Tôi đã làm gì để bị xem là cực đoan, và tại sao tôi bị kết án tù sáu năm?

Tôi không hành động giống như một tội phạm hoặc kẻ cực đoan. Hàng xóm, cảnh sát địa phương và cán bộ quản giáo đều nói tốt về tôi. Vì thế, một lần nữa, tôi muốn nêu lên câu hỏi: “Tôi đã làm gì để bị xem là cực đoan, và tại sao tôi bị kết án tù sáu năm?”.

Tôi không hiểu; trong hai năm qua, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao. Có lẽ Tòa Phúc thẩm có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi của tôi, vì tòa sơ thẩm đã không trả lời được.

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, không phải thời Trung Cổ. Con người ngày nay tiến bộ hơn trước kia. Nhưng thật đáng buồn là những người ở Nga lại đang bị ngược đãi, thậm chí bị tra tấn chỉ vì đức tin.

Vào ngày 15-2-2019, trong cuộc thẩm vấn bảy Nhân Chứng Giê-hô-va, Ủy ban Điều tra ở Surgut đã tra tấn Nhân Chứng để lấy lời khai theo ý của họ. Theo Điều 51 của Hiến pháp Liên Bang Nga, tất cả công dân Nga, gồm cả những Nhân Chứng này, đều có quyền từ chối khai về họ và thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, quyền này của các Nhân Chứng bị vi phạm.

Họ bị buộc quỳ xuống và giơ tay lên, bị đánh vào đầu và vào người, bị sỉ nhục vì quốc gia và tôn giáo của họ, bị trùm đầu và siết chặt bằng băng keo quấn quanh cổ khiến họ không thể thở; tay của họ bị còng ra phía sau, còn chân thì bị trói. Họ bị quát tháo và bị buộc nói một số điều. Có những lần, một số Nhân Chứng cảm thấy như thể mình sắp chết và mất ý thức vì không thể thở được. Các điều tra viên đã tạt nước và chích điện vào họ.

Tất cả những điều này được ghi lại rõ ràng, nhưng Ủy ban Điều tra không bị cáo buộc hình sự. Những người có trách nhiệm chỉ nhắm mắt làm ngơ hoặc khẳng định rằng chính những Nhân Chứng này đã tự gây ra thương tích đó. Thật nực cười! Quả là lời nói dối nhẫn tâm!

Những điều này sỉ nhục lịch sử hiện đại của nước Nga. Tôi hy vọng thủ phạm sẽ bị xét xử và trừng phạt. Làm sao họ có thể làm những điều này với con người? Làm sao họ có thể dùng những hình thức ghê rợn và tàn bạo giống như Hitler và Stalin? Tôi hy vọng những điều này sẽ được giải quyết. Tôi rất mong đó chỉ là một sai lầm và sẽ sớm được sửa chữa!

Phán quyết của tòa sơ thẩm có ghi: “Nếu một người tiếp tục đi theo tổ chức tôn giáo mà bị tòa cấm và xem là cực đoan thì người đó đang theo chủ nghĩa cực đoan và bị xem là tội phạm, và có thể bị pháp luật trừng trị”. Điều này dễ hiểu. Nhưng nó có liên quan gì đến tôi?

Tôi không liên quan gì! Tôi không dính líu gì đến Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi không hoạt động cho thực thể này.

Những gì tôi làm là vì tôi là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhóm tôn giáo mà tôi kết hợp không phải là thực thể pháp lý Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mọi hành động của tôi là hợp pháp và phù hợp với Điều 28 của Hiến pháp Liên Bang Nga.

Tôi không bao giờ làm bất cứ điều gì dính líu đến thực thể được xem là bất hợp pháp Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong một cuộc nói chuyện điện thoại mà chúng ta cũng được nghe trước tòa, tôi nói với một người bạn: “Chúng ta là một nhóm tôn giáo. Chúng ta không liên quan gì đến LRO hoặc Trung tâm Hành chính”.

Tòa sơ thẩm không màng đến điều này. Thay vì thế, họ dùng nhân chứng giả là một mật vụ tên Yermolov thuộc FSB. Tòa phúc thẩm có thể xác minh rằng Yermolov chính là Oleg Gennadyevich Kurdyumov.

Lúc đầu, Oleg Kurdyumov khai rằng ông ta không biết gì và từ chối đưa ra lời khai dựa trên Điều 51 của Hiến pháp Liên Bang Nga. Ngày kế tiếp, ông ta đưa ra lời khai khác và dùng biệt hiệu là Yermolov. Sau đó, cũng với biệt hiệu này, ông ta tiếp tục đưa ra nhiều lời khai khác.

Tại tòa, chúng ta đã xem hai video về buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô vào ngày 19 và 26 tháng 2 năm 2017; hai buổi nhóm này không hề liên quan đến Oryol LRO của Nhân Chứng Giê-hô-va, và rõ ràng Oleg Kurdyumov là người đã bí mật quay lại các buổi nhóm họp tôn giáo ấy. Trong video, ai trong chúng ta cũng thấy rõ là ông ta có máy quay. Máy quay di chuyển khi ông ta di chuyển và khi có người đến gần, quý vị có thể nghe rõ ông ta đã nói: “Chào, tôi là Oleg”.

Điều này có nghĩa là ban đầu, ông ta làm việc với tư cách là một mật vụ của FSB, bí mật quay lại các buổi nhóm họp tôn giáo của chúng tôi. Sau đó, ông ta dùng tên thật của mình và nói rằng ông ta không biết gì hết. Ngày kế tiếp, ông ta đưa ra lời khai dối và dùng biệt hiệu của mình. Sau đó, ông ta lặp đi lặp lại lời nói dối ấy tại tòa. Điều này có công bằng không?

Theo luật pháp, mật vụ FSB không có quyền dùng biệt hiệu để đưa ra lời chứng trước tòa. Nhưng các công tố viên, văn phòng công tố và tòa sơ thẩm đã nhắm mắt làm ngơ trước điều này và cho phép ông ta đưa ra lời khai dối. Giờ đây, họ dùng lời khai dối ấy để chống lại tôi. Tôi không thể hiểu nổi tại sao tòa sơ thẩm cho phép điều này xảy ra.

Tôi lại càng bối rối hơn khi thấy văn phòng công tố để tất cả những điều này xảy ra như vậy. Họ là những người phải đảm bảo rằng mọi luật pháp của Nga phải được thực thi và không ai được vi phạm những luật ấy. Vậy mà họ lại làm ngơ trước mọi điều này.

Rất mong tòa phúc thẩm hiểu đúng ý tôi. Tôi không chống lại cá nhân những người này. Tôi chắc họ là những người tốt, và tôi hy vọng trong tương lai chúng tôi sẽ là bạn của nhau và cùng cười khi nói về những điều đã qua. Nhưng tôi thất vọng với cách làm việc tắc trách của họ, phải nói là thật tệ hại.

Tôi biết là việc dùng một nhân chứng giả, một mật vụ của FSB, sẽ thật thuận tiện cho tòa sơ thẩm. Tại sao? Vì ông ta không có lương tâm và có thể dễ dàng nói dối, bẻ cong sự thật. Ông ta có thể khai bất cứ điều gì trước tòa nhằm mục đích kết án tôi.

Một nhân chứng như thế không đáng tin và không thể xem là nguồn thông tin đáng tin cậy. Họ không thể dùng nhân chứng giả để bỏ tù một người vô tội.

Khoảng hai năm trước, tại một trong nhiều phiên tòa xét xử đề nghị kéo dài thời gian tạm giam của tôi, tôi đã nói “Tôi đề nghị tòa trả lại cuộc sống cho tôi!”, và hôm nay tôi vẫn đề nghị như vậy.

Về việc bị bắt giam, tôi cảm thấy dường như họ không chỉ muốn cách ly tôi khỏi xã hội và kết án tôi. Họ muốn cách ly tôi khỏi công chúng để không ai để ý đến những điều đang diễn ra tại phiên tòa này.

Thực tế là tôi xem việc mình bị bắt giam trước và trong khi bị xét xử là bất hợp pháp và vô nhân đạo. Việc này đã khiến tôi không thể chuẩn bị tốt để bào chữa cho chính mình và mất đi cơ hội cho giới truyền thông biết về câu chuyện của tôi cũng như những điều đang diễn ra. Nhưng tôi tin chắc sẽ đến thời điểm tôi có thể tự do lên tiếng!

Đúng vậy, tôi muốn tòa trả lại cuộc sống cho tôi để một lần nữa, tôi có thể được sống trong yên bình tại thành phố xinh đẹp này cùng với vợ mình là Irina. Trong gần hai năm qua, tôi không có cuộc sống của riêng mình. Tôi đã phải sống cuộc sống mà người khác sắp đặt cho mình.

FSB đã vu khống và bôi nhọ danh tiếng của tôi. Họ giả mạo tài liệu và các ghi chép, dùng nhân chứng giả để làm chứng chống lại tôi trước tòa.

Họ làm tất cả những điều này để cáo buộc tôi, một người tin đạo ôn hòa, là cực đoan, gây nguy hiểm cho người khác và an ninh quốc gia Nga. Những lời cáo buộc này thật nực cười và lố bịch.

Thật đáng buồn là tòa sơ thẩm đã ủng hộ những cáo buộc ấy và lờ đi sự thật. Thưa ngài thẩm phán, mong ngài chấm dứt những điều bất công này và ủng hộ sự thật. “Tôi đề nghị tòa trả lại cuộc sống cho tôi!”.

Như tôi đã nói tại tòa sơ thẩm vào ba tháng trước: “Kết quả duy nhất cho phiên tòa này mà tôi ưng thuận đó là tôi được trả tự do, nhận lời xin lỗi và bồi thường. Tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì khác!”. Tôi vẫn không thay đổi quyết định ấy.

Bất cứ quyết định nào khác đều sẽ là bất công, và tôi sẽ kháng án lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg. Tôi tin chắc mình sẽ thắng kiện tại đó.

Sau khi tôi thắng kiện, Tòa án Nhân quyền Châu Âu, người ta trên khắp thế giới và nhiều viên chức cấp cao tại Nga gồm cả ngài tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin sẽ ngạc nhiên và thắc mắc tại sao tòa Oryol lại không nhìn thấy một sự thật rõ ràng, đó là phiên tòa chống lại tôi là dựa trên một lời nói dối mà họ cố khiến nó trở thành sự thật bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần.

Có cần thiết phải đi một chặng đường dài như thế để có được công bằng không? Nếu hôm nay, tòa phúc thẩm cho rằng đây là điều cần thiết thì tôi muốn cho tòa và mọi người hiện đang có mặt tại đây, cũng như những ai đang theo dõi phiên tòa này biết rằng “Tôi sẵn sàng cho chặng đường đó!”.

Tôi sẽ không bỏ cuộc vì tôi biết rằng tôi vô tội và sự thật đứng về phía tôi. Tôi không sợ bị chuyển đến nhà tù ở xa, dù rằng điều đó sẽ là một phán quyết hoàn toàn bất công.

Tôi không sợ hãi và không lo lắng. Tôi cảm nhận được sự thanh thản và bình an nội tâm. Đức Chúa Trời của tôi, Đức Giê-hô-va, sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi và tôi đã nhìn thấy những lời hứa tuyệt vời sau ứng nghiệm:

Vì Chúa, đấng công chính muôn đời,

Ngài không quên công khó, tình yêu thương tôi.

Chúa luôn gần bên tôi mọi lúc,

Tôi chẳng sợ hãi, chẳng thấy lẻ loi.

Thật Chúa, đấng chăm sóc ân cần,

Ngài yêu thương che chở dù trong gian khó.

Chính ngài là Chúa, cũng là Cha tốt,

Là Bạn của tôi.

Tôi xin hết. Cám ơn vì đã lắng nghe!

a Anh Dennis đã trích các câu Kinh Thánh trong bản dịch Kinh Thánh nổi tiếng của Nga. Tuy nhiên, vì đã được dịch lại nên tất cả các câu Kinh Thánh đã được trích từ Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới hiệu đính.