Đi đến nội dung

Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg, Pháp

NGÀY 10-6-2020
NGA

Mười năm sau khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu ban hành phán quyết lịch sử, Liên bang Nga vẫn thách thức luật pháp quốc tế

Mười năm sau khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu ban hành phán quyết lịch sử, Liên bang Nga vẫn thách thức luật pháp quốc tế

Cách đây mười năm, vào ngày 10-6-2010, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) ra phán quyết chính phủ Nga đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của Nhân Chứng Giê-hô-va do cấm họ thờ phượng tự do trong nhiều năm. Phán quyết này của ECHR đã buộc Nga nộp một khoản tiền phạt lớn và yêu cầu chính phủ nước này cấp phép cho tổ chức tôn giáo địa phương của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Mat-xcơ-va hoạt động trở lại sau khi bị Nga thu hồi giấy phép vào năm 2004.

Ngay sau khi bản án được tuyên, anh Ivan Chaykovskiy, chủ tịch của tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va tại Mát-xcơ-va lúc đó, phát biểu: “Quyết định này của Tòa án cho thấy sự phải lẽ chiến thắng định kiến tôn giáo. Tôi hy vọng sau phán quyết này, chính quyền sẽ nhanh chóng khôi phục quyền hợp pháp của chúng tôi và chấm dứt việc bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn quốc”.

Tuy vậy, sự lạc quan đó nhanh chóng biến mất khi chính quyền Liên bang Nga không những không tuân theo phán quyết của ECHR mà trái lại họ còn bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va dữ dội hơn trên cả nước. Việc bắt bớ trở nên tồi tệ hơn khi Tòa án Tối cao Liên bang Nga chính thức cấm Nhân Chứng Giê-hô-va thờ phượng trong hòa bình vào năm 2017. Sau hành động bất công này, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị bắt, bị xét xử và bị bỏ tù.

Mặc dù đã mười năm trôi qua, nhiều phán quyết thích đáng của Tòa án Nhân quyền Châu Âu chống lại chính phủ Nga vẫn còn nguyên giá trị. Vào năm 2010, ECHR đã bác bỏ thẳng thừng nhiều cáo buộc vô căn cứ mà chính phủ Nga vẫn còn áp đặt trên các Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay.

Để kết luận, ECHR cho rằng Sở Tư pháp thành phố Mát-xcơ-va và Tòa án Mát-xcơ-va “không có cơ sở” khi từ chối cấp phép hoạt động cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Tòa án đã công khai chỉ trích chính quyền thành phố Mát-xcơ-va và khẳng định rằng họ “đã không thể hiện đúng vai trò trung lập và công bằng của mình”. Ngoài ra, chính quyền thành phố Mát-xcơ-va đã vi phạm Công ước Châu Âu về nhân quyền, theo đó Nga đã tham gia với tư cách là một bên của Công ước.

Cũng như vào năm 2010, việc chính phủ Nga bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2020 sẽ không bị bỏ qua. Bà Rachel Denber, phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Âu và Trung Á nói: “Đối với Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, việc thực hành đức tin của họ cũng đồng nghĩa với việc đánh đổi sự tự do”. Trong phát biểu ngày 9-1-2020, bà nói thêm: “Việc này hoàn toàn không có lý do chính đáng nào”.

Trước sự bất công này, chúng ta cầu nguyện và tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục làm vững mạnh anh chị chúng ta tại Nga, những người đang phải chịu bắt bớ một cách bất công. Ngài sẽ giúp họ “chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng”.—Cô 1:11.