Đi đến nội dung

Ông Sergey Igorevich Ivanenko, học giả về tôn giáo kiêm cố vấn chính phủ của Liên Bang Nga

NGÀY 18-10-2019
NGA

Một học giả nổi tiếng chuyên về tôn giáo làm chứng trước tòa cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Saratov

Một học giả nổi tiếng chuyên về tôn giáo làm chứng trước tòa cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Saratov

Trong phiên xét xử sáu Nhân Chứng Giê-hô-va ở Saratov vào ngày 4-9-2019, một học giả nổi tiếng chuyên về tôn giáo kiêm cố vấn chính phủ của Liên Bang Nga là ông Sergey Igorevich Ivanenko đã được mời để làm chứng trước tòa cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông Ivanenko là tác giả của hai tác phẩm nghiên cứu về Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nga. Những đoạn dưới đây được trích từ lời chứng trước tòa của ông:

Đời sống tôn giáo và các thực hành của Nhân Chứng Giê-hô-va. “Một điều khiến Nhân Chứng Giê-hô-va đặc biệt là họ không dựa trên những luật lệ khắt khe, cũng không làm theo luật lệ mà một người đứng đầu nào đó đưa ra. Thay vì thế, họ cố gắng giúp giáo dân rèn luyện lương tâm dựa trên Kinh Thánh để mỗi cá nhân có thể tự nguyện và tự mình đưa ra quyết định theo những điều Kinh Thánh dạy.

Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng làm theo những điều được viết trong Kinh Thánh, phù hợp với khuôn mẫu mà Chúa Giê-su Ki-tô và các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất công nguyên đã lập ra.

Việc Nhân Chứng Giê-hô-va cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách học Kinh Thánh, trả lời câu hỏi dựa trên các đề tài Kinh Thánh, hát các bài hát được sáng tác theo câu Kinh Thánh cho thấy rõ ràng là họ nỗ lực hết sức để làm mọi việc dựa trên Kinh Thánh.

Họ cũng tin rằng đời sống tôn giáo của một tín đồ là phải tham gia vào hội thánh. Nhân Chứng Giê-hô-va nghiên cứu Tân Ước, những điều về Chúa Giê-su Ki-tô và các môn đồ, những người theo ngài cũng như giai đoạn đầu về sự phát triển của hội thánh đạo Đấng Ki-tô... Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng họ cần cùng nhau thờ phượng với tư cách là thành viên của hội thánh.

Họ nhấn mạnh rằng môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô sẽ được nhận diện bởi tình yêu thương mà họ dành cho nhau”.

Hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va. “Nhân Chứng Giê-hô-va được nhận biết qua việc sốt sắng rao giảng. Nếu nói về hoạt động rao giảng và lòng sốt sắng thì tôi sẽ xếp Nhân Chứng Giê-hô-va đứng hàng đầu. Mỗi tín đồ phải đi rao giảng và dành ra thời gian để làm công việc đó.

Họ thường nói: ‘Kinh Thánh cho biết như sau’. Người ta có thể xem Kinh Thánh và tự mình kiểm chứng. Nếu người đó đồng tình thì sẽ gia nhập, còn nếu không thì không gia nhập. Họ không ép buộc ai cả”.

Lời cáo buộc Nhân Chứng Giê-hô-va là phần tử cực đoan. “Ban đầu, một số ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va bị xem là tài liệu cực đoan vì các chuyên gia cho rằng những ấn phẩm này quả quyết Nhân Chứng Giê-hô-va là tôn giáo chân chính duy nhất còn tất cả các tôn giác khác là sai lầm. Các giáo phái khác cũng khẳng định tương tự nhưng chỉ có Nhân Chứng Giê-hô-va bị cáo buộc là phần tử cực đoan. Việc khẳng định tôn giáo của họ là tôn giáo chân chính duy nhất còn tất cả các tôn giác khác là sai lầm bị hiểu thành việc tuyên truyền tư tưởng tôn giáo này ưu việt hơn tôn giáo khác.

Theo quan điểm của tôi với tư cách là một học giả về tôn giáo, điểm yếu trong [phán quyết của tòa] nằm ở chỗ nếu một người thật sự muốn thì họ có thể tìm thấy lời khẳng định như thế từ bất cứ giáo phái nào rằng họ là tôn giáo chân chính duy nhất, còn tất cả các tôn giác khác là sai lầm hoặc đã bị dẫn dụ.

Có thể nói rằng bất cứ người có đạo nào cũng đều xem tôn giáo của mình là hoàn toàn chân chính còn các tôn giáo khác thì hoặc là hoàn toàn sai lầm, hoặc là hầu như sai lầm. Họ phải tin như thế, nếu không sẽ bị xem là giả hình.

Tuy nhiên, nếu luật pháp của quốc gia không đi ngược lại luật pháp của Đức Chúa Trời thì Nhân Chứng Giê-hô-va rất nỗ lực để vâng theo. Đó là lý do vì sao có rất nhiều trường hợp Nhân Chứng Giê-hô-va trả lại ví tiền bị mất hoặc nộp những khoản thuế mà lẽ ra họ có thể trốn được. Họ hành động theo lương tâm của mình và tôi không nghĩ rằng họ là những người cực đoan đang giả vờ làm thế”.

Nhân Chứng Giê-hô-va và Kinh Thánh. “Một điều đặc biệt về Nhân Chứng Giê-hô-va là họ dùng nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau để học hỏi và rao giảng. Họ rất chú trọng việc phát hành Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Về phương diện này thì họ là nhóm người duy nhất xem Kinh Thánh là trọng tâm trong sự thờ phượng. Nhưng bản dịch Kinh Thánh của họ lại bị tuyên bố là tài liệu cực đoan ở đây… Có lẽ những người đưa ra phán quyết ấy nghĩ rằng Nhân Chứng Giê-hô-va phải phụ thuộc vào bản dịch của mình nên nếu bản dịch ấy bị cấm đoán thì họ sẽ phải ngừng hoạt động. Nhưng đó là quan niệm sai. Nhân Chứng Giê-hô-va thấy rằng bản dịch Kinh Thánh nào cũng đều có giá trị”.

Việc sử dụng thực thể pháp lý để thờ phượng. “Phán quyết của Tòa án Tối cao Liên Bang Nga cho thấy rằng… đa số các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là một thực thể pháp lý… Vì vậy, không thể nói rằng mỗi Nhân Chứng Giê-hô-va trong vùng nào đó là thành viên của một thực thể pháp lý.

Nói về thực thể pháp lý…, tôi đã cẩn thận xem xét giấy tờ pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va và thấy rằng họ không hề đề cập đến giám thị, trưởng lão hay tiên phong trong đó; không có những từ như thế. Những giấy tờ này thường chỉ cho biết thông tin về người đại diện và con số đó giới hạn trong khoảng mười người. Những người này chỉ đại diện về mặt pháp luật chứ không có vị thế đặc biệt để quyết định các hoạt động thờ phượng của Nhân Chứng Giê-hô-va… Cách thờ phượng của họ giống nhau bất kể là ở quốc gia hay khu vực nào.

Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng tôn trọng phán quyết của [Tòa án Tối cao về việc cấm đoán các thực thể pháp lý của họ]. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục các hoạt động tôn giáo của mình vì chúng không bị chính quyền cấm đoán. Họ tiếp tục sinh hoạt với tư cách cá nhân đang thực hành tôn giáo của mình. Theo quan điểm của họ và của các học giả về tôn giáo, hành động của họ không vi phạm phán quyết của Tòa án Tối cao”.

Nhân Chứng Giê-hô-va và việc không truyền máu. “Kinh Thánh nói rằng ‘sự sống ở trong máu’, vì thế không được lạm dụng máu. Văn cảnh câu này đang nói về việc ăn huyết nhưng họ hiểu theo nghĩa rộng hơn. Họ tin rằng không nên dùng máu trong bất kỳ trường hợp nào dù là trong thức ăn (họ không ăn dồi huyết) hay là trong việc truyền máu. Dù vậy, họ có thể chấp nhận các chất chiết xuất từ máu. Quyết định đó tùy thuộc vào mỗi tín đồ… Tuy không chấp nhận truyền máu nhưng không có nghĩa là họ chọn cái chết mà họ muốn chọn những phương pháp y khoa tân tiến nhất. Theo quan điểm của họ và của nhiều chuyên gia y tế, việc truyền máu có rủi ro vì người nhận có thể bị truyền bệnh AIDS hoặc các bệnh khác. Phẫu thuật không truyền máu là phương pháp an toàn hơn. Khi xem xét các con số thống kê, tôi thấy những người giàu thường chọn phương pháp không truyền máu vì phương pháp này giúp họ giảm thiểu được những biến chứng và việc bị nhiễm trùng”.

Nhân Chứng Giê-hô-va và việc đóng góp. “Một người có thể quyết định là không đóng góp chút gì. Nói về mặt lý thuyết, một người có thể tham dự các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va suốt cuộc đời mà không cần đóng góp một đồng nào cả. Mỗi cá nhân sẽ tự quyết định là mình có đóng góp hay không”.

Mặc dù ông Ivanenko là một chuyên gia và đã làm chứng trước tòa rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là những tín đồ thành thật và tuân thủ luật pháp nhưng tòa vẫn bỏ qua lời chứng của ông và kết án sáu anh với mức án tù khác nhau.

Trong khi Nga tiếp tục kết án và bỏ tù anh em chúng ta một cách bất công, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho các anh em đồng đạo can đảm và trung thành ở Nga để họ tiếp tục chịu đựng với niềm vui vì biết rằng họ được ngài chấp nhận.—Thi thiên 109:2-4, 28.