NGÀY 2-5-2018
NGA
Chiến dịch khủng bố bắt đầu với Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga
Cảnh sát tại ít nhất bảy thành phố trên khắp nước Nga đã bắt đầu các cuộc bố ráp công kích Nhân Chứng Giê-hô-va. Chiến dịch dường như có tổ chức, thỉnh thoảng người ta lại thấy lực lượng cảnh sát đặc nhiệm (OMON) mang mặt nạ và súng máy đột kích vào nhà của các Nhân Chứng, chĩa súng vào họ và bắt cả người già lẫn trẻ em để thẩm vấn.
Trong suốt một năm qua, nhà cầm quyền đã mở ít nhất mười cuộc điều tra hình sự và bắt giam năm Nhân Chứng, trong đó có ông Dennis Christensen đã bị tạm giam từ ngày 25-5-2017 đến nay. Một Nhân Chứng khác, ông Arkadya Akopyan, 69 tuổi, hiện đang bị xét xử tại Cộng hòa Kabardino-Balkaria. Tất cả có thể phải đối mặt với bản án từ hai đến mười năm tù chỉ vì họ gặp nhau để cùng thờ phượng.
Vào ngày 20-4-2017, Tòa án Tối cao Liên bang Nga đã cấm Trung tâm Hành chính của Nhân Chứng Giê-hô-va và tất cả 395 thực thể pháp lý địa phương của Nhân Chứng. Trong phiên tòa, chính quyền Nga cho rằng mặc dù họ giải thể các thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng các cá nhân Nhân Chứng vẫn có thể tự do thực hành đức tin của mình. Tuy vậy, các phát biểu của chính quyền không đi đôi với hành động của họ.
Giờ đây khi chính phủ Nga đã giải thể xong tất cả thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va và tịch thu tài sản của Nhân Chứng thì họ quay sang tấn công những người thờ phượng. Bây giờ đối với hơn 175.000 Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, thực hành đức tin là tội hình sự.
Bố ráp, thẩm vấn và bắt giam
Kể từ tháng 1 năm 2018, cảnh sát tư pháp đã nhắm đến Nhân Chứng Giê-hô-va với tần suất ngày càng tăng.
Ngày 20-4-2018 tại Shuya, Ivanovo: Cảnh sát đã lục soát nhà của bốn Nhân Chứng. Họ áp giải ông Dmitriy Mikhailov đến trụ sở cảnh sát, bắt giữ ông và sau đó thả ra. Nhà cầm quyền đã mở một cuộc điều tra hình sự và cáo buộc ông theo Điều 282, khoản 2(2) của Bộ luật Hình sự với tội danh “tham gia các hoạt động của một tổ chức cực đoan”. Ông không được phép đi khỏi Shuya cho đến khi có thông báo mới.
Ngày 19-4-2018 tại Vladivostok: Cảnh sát và Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đột kích vào một căn hộ và bắt ông Valentin Osadchuk cùng ba phụ nữ lớn tuổi về trụ sở cảnh sát để thẩm vấn. Nhà cầm quyền đã buộc tội ông Osadchuk theo Điều 282, khoản 2(2) của Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ hai đến bốn năm tù giam và đã tạm giam ông. Vào ngày 23 tháng 4, Tòa án Quận Frunzenskiy ra lệnh bắt tạm giam ông Osadchuk đến ngày 20-6-2018. Hiện ông đang bị giam tại trại giam điều tra số 1 ở Vladivostok.
Ngày 18-4-2018 tại Polyarny, Murmansk: Vào chiều tối, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm (OMON) mang mặt nạ và súng máy đột kích vào nhà của ông Roman Markin. Cảnh sát chĩa súng buộc ông nằm xuống sàn. Con gái tuổi thiếu niên của ông ngã ngay xuống sàn và lấy tay che đầu khi thấy cảnh sát có vũ trang. Cảnh sát lục soát căn nhà, sau đó áp giải ông Markin về đồn và bắt tạm giam ông.
Cùng buổi tối hôm đó, cảnh sát cũng lục soát nhà của 14 Nhân Chứng khác trong khu vực và tịch thu điện thoại di động, máy tính bảng và các tư trang khác của họ. Sau đó cảnh sát áp giải các Nhân Chứng này về đồn để thẩm vấn. Nhà chức trách địa phương đã khởi tố vụ án hình sự ông Markin và ông Viktor Trofimov, một Nhân Chứng địa phương khác. Cả hai ông đều bị buộc tội theo Điều 282, khoản 2(1) của Bộ luật Hình sự với tội danh “tổ chức các hoạt động của một tổ chức cực đoan”. Nếu bị kết án, họ sẽ đối mặt với bản án từ sáu đến mười năm tù. Cả hai vẫn đang bị tạm giam tại trại giam số 1 ở Murmansk.
Ngày 10-4-2018 tại quận Zaton, Ufa: Từ hơn 6 giờ sáng, cảnh sát điều tra và đặc nhiệm OMON đã đột nhập và lục soát nhà của một vài Nhân Chứng. Cảnh sát cũng thẩm vấn các Nhân Chứng trong quá trình lục soát. Trong một vụ thẩm vấn, cảnh sát nói với một nạn nhân: “Anh sẽ được thả ra ngay nếu tuyên bố mình không phải là thành viên của tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va”. Trong một trường hợp khác, một sĩ quan cảnh sát nói với một nạn nhân: “Chúng tôi sẽ tống khứ các người khỏi trái đất”. Tất cả Nhân Chứng đều bị dẫn giải về trụ sở cảnh sát lấy vân tay và điều tra thêm.
Khi đột kích nhà của ông bà Khafizov, cảnh sát chĩa vũ khí vào họ và bắt đầu lục soát cơ ngơi. Sau khi lục soát, một cảnh sát túm lấy tay bà Khafizova và đẩy lên xe cảnh sát, áp giải bà đến trụ sở cảnh sát để thẩm vấn. Ông Khafizov không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va.
Cảnh sát cũng đột kích nhà của ông Anatoliy Vilitkevich và bắt giam ông. Họ nói với vợ ông rằng bà sẽ không gặp được ông trong “một thời gian dài”. Nhà cầm quyền buộc tội ông theo Điều 282, khoản 2(1) của Bộ luật Hình sự với tội danh “tổ chức các hoạt động của một tổ chức cực đoan”. Ông đang bị tạm giam đến ngày 2-6-2018. Nếu bị kết án, ông sẽ đối mặt với bản án lên đến mười năm tù giam.
Tháng 3 năm 2018 tại Oryol: Bên cạnh vụ án hình sự Dennis Christensen, nhà chức trách đã bắt đầu cuộc điều tra hình sự thứ hai đối với ông Sergey Skrynnikov sau khi lục soát bảy căn nhà tại Oryol hồi tháng 5 năm 2017. Ông Skrynnikov hiện chưa bị chính thức buộc tội. Ông bị cáo buộc theo Điều 282, khoản 2(2) của Bộ luật Hình sự với tội danh “tham gia các hoạt động của một tổ chức cực đoan”. Nếu bị kết án, ông sẽ đối mặt với bản án từ hai đến bốn năm tù.
Ngày 7-2-2018 tại Belgorod: Những đoàn cảnh sát tư pháp đã bố ráp ít nhất mười ngôi nhà của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cảnh sát dùng vũ lực bắt một số chủ nhà nằm xuống sàn nhà hoặc ghìm chặt họ vào tường. Cảnh sát lục soát nhà và tịch thu các thiết bị điện tử, hộ chiếu, hình ảnh và tiền bạc, áp giải tất cả Nhân Chứng về đồn để thẩm vấn và sau đó thả họ ra, ngoại trừ ông Anatoly Shalyapin và ông Sergei Voikov. Cảnh sát đã giam hai ông này trong 48 giờ rồi mới thả họ. Tuy vậy, họ không được phép rời Belgorod.
Ngày 23-1-2018 tại Kemerovo: Cảnh sát đã đột kích và lục soát 12 ngôi nhà của Nhân Chứng và tịch thu tất cả thiết bị điện tử, ấn phẩm tôn giáo và nhiều tài liệu khác. Trước cuộc đột kích, một người đàn ông giả dạng là Nhân Chứng Giê-hô-va đến tham dự các buổi họp của Nhân Chứng, bí mật thu hình chương trình và chuyển cho cảnh sát. Dựa trên các băng ghi hình này, cảnh sát đã bắt đầu cuộc điều tra hình sự.
Phán quyết của Tòa Tối cao có thể gây chia rẽ gia đình
Bên cạnh các hành động của lực lượng cảnh sát hùng hậu và của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), các nhà chức trách Nga còn ra chỉ thị rằng Nhà nước có thể bắt giữ con cái của Nhân Chứng Giê-hô-va với mục đích “tái hòa nhập xã hội”. Vào ngày 14-11-2017, Tòa án Tối cao Liên bang Nga ra phán quyết số 44 nêu rõ cha mẹ có thể bị “tòa án tước quyền cha mẹ” nếu họ cho con cái tham gia vào một tổ chức tôn giáo bị cấm và liệt vào “tổ chức cực đoan”.
Vào ngày 23-11-2017, Bộ Giáo dục và Khoa học đã ban hành “khuyến cáo” trên cả nước kêu gọi “tái hòa nhập xã hội” đối với các trẻ em bị đặt vào tình thế nguy hiểm bởi “ý thức hệ tôn giáo cực đoan”. Bộ Giáo dục chỉ chọn ra hai nhóm trẻ em là thành viên của tổ chức ISIS và của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bộ nhấn mạnh rằng “hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên” có cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Đến nay chưa có trẻ em Nhân Chứng nào bị cách ly khỏi cha mẹ.
Chiến dịch kinh hoàng này sẽ kết thúc tại đâu?
Hiện chưa có nước nào khác thuộc Hội đồng Châu Âu khởi xướng một cuộc tấn công gay gắt như thế để nhắm vào một nhóm tôn giáo hiếu hòa. Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga không còn được gặp nhau công khai để thờ phượng hay cùng đọc và học Kinh Thánh. Để tránh bị bắt và bị truy tố hình sự, họ phải thờ phượng bí mật như trong thời Xô-viết.
Nhân Chứng Giê-hô-va trên thế giới vô cùng lo ngại cho các tín đồ đồng đạo tại Nga cũng như chiến dịch do chính phủ hậu thuẫn sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình trạng tinh thần, tâm linh và thể chất của họ. Ông Philip Brumley, người đại diện pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va, nói: “Chính phủ Nga nên chấm dứt các hành động ngược đãi và tuân thủ các cam kết quốc tế về việc tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo. Giờ đây khi chính quyền đã chuyển từ việc tấn công các thực thể pháp lý của Nhân Chứng sang bắt giam các cá nhân thì chuyện gì nữa sẽ xảy ra cho Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga?”.