NGÀY 25-12-2017
NGA
Chính phủ Nga kê biên Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va
Vào ngày 14-12-2017, các viên chức chính quyền Nga đã đột nhập vào Phòng hội nghị Kolomyazhskiy của Nhân Chứng Giê-hô-va tại St. Petersburg, dùng hàng rào cảnh sát bao vây tòa nhà và nắm quyền kiểm soát bất động sản này. Không một Nhân Chứng Giê-hô-va nào trong Phòng hội nghị bị thương trong đợt đột kích và tòa nhà cũng dường như không bị hư hại gì.
Phòng hội nghị này là bất động sản lớn nhất mà chính quyền Nga đã tịch thu của Nhân Chứng Giê-hô-va kể từ ngày 17-7-2017, dựa trên phán quyết của Tòa Phúc thẩm Tòa án Tối cao Liên bang Nga. Theo đó, Tòa án Tối cao chỉ thị giải thể toàn bộ thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, cấm mọi hoạt động và kê biên tài sản của họ.
Phòng hội nghị này được cải tạo lại vào năm 2002 và có sức chứa 1.500 chỗ, trước đây được dùng cho những buổi họp tôn giáo quy mô lớn và cho sinh hoạt của các hội thánh địa phương. Các luật sư của Nhân Chứng Giê-hô-va được biết rằng các nhà chức trách đã cho đăng ký lại quyền sở hữu Phòng hội nghị dưới tên Liên bang Nga. Kể từ đó, tòa nhà đã được chuyển cho chủ sở hữu mới là một trung tâm y tế gần đó. Bảng hiệu mới cũng đã được dựng lên tại cổng ra vào.
Việc tịch thu tài sản đã được thực hiện chỉ một tuần sau phán quyết của tòa án yêu cầu trưng dụng bất động sản dùng làm văn phòng quốc gia của Nhân Chứng Giê-hô-va gần St. Petersburg. Phán quyết cũng đã hủy bỏ hợp đồng kéo dài 17 năm nay giữa văn phòng quốc gia của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga và Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of Pennsylvania). Nếu kháng cáo này được phê chuẩn thì nó sẽ mở đường cho chính phủ Nga kê biên bất động sản này và các tài sản khác của Nhân Chứng tại Nga đang thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài.
Nhân Chứng Giê-hô-va xem các hành động của chính phủ Nga là sự hạn chế tôn giáo nghiêm trọng, không chỉ tước đoạt quyền tự do tôn giáo của công dân Nga mà còn lấy đi tài sản mà họ đã mua và trùng tu bằng những đồng tiền ít ỏi của mình. Nhân Chứng Giê-hô-va đang cân nhắc mọi lựa chọn khả dĩ nhằm khiếu kiện các hành động của chính phủ, bao gồm việc khởi kiện tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu và Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.