Đi đến nội dung

NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2017
NGA

Nga tuyên bố Kinh Thánh là “cực đoan”

Nga tuyên bố Kinh Thánh là “cực đoan”

Vào ngày 17 tháng 8 năm 2017, Tòa án thành phố Vyborg tuyên bố Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới bằng tiếng Nga do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản là “cực đoan” mặc dù bản dịch này đã được phát hành trong trong nhiều ngôn ngữ khác. a Với phán quyết này, đây là lần đầu tiên Kinh Thánh bị cấm tại một quốc gia mà đa số người dân theo Ki-tô giáo.

Vào cuối tháng 7 năm 2017, Tòa án thành phố Vyborg mở lại phiên tòa xét xử vụ việc đã bị hoãn từ tháng 4 năm 2016 để có thêm thời gian cho một “nghiên cứu chuyên môn” về Kinh Thánh. Thẩm phán đã ra phán quyết chấp thuận yêu cầu của công tố viên Leningrad-Finlyandskiy là chỉ định một “nghiên cứu chuyên môn” về việc có nên tuyên bố Bản dịch Thế Giới Mới là “cực đoan” hay không. Sau nhiều lần trì hoãn, cuộc nghiên cứu đã hoàn tất và được trình lên tòa án vào ngày 22 tháng 6 năm 2017. Cuộc nghiên cứu này kết luận Kinh Thánh là ấn phẩm “cực đoan”, cũng giống như kết luận của những người được gọi là chuyên gia do tòa án chỉ định qua những cuộc nghiên cứu trước đó về ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va.

“Nghiên cứu chuyên môn” chỉ dựa trên tín ngưỡng thần học, không phải sự thật

Để lý giải cho kết luận trên, cuộc nghiên cứu đã đi xa đến mức cho rằng Bản dịch Thế Giới Mới “không phải là Kinh Thánh”. Khi khẳng định điều này, cuộc nghiên cứu đã cố lách Luật chống lại các hoạt động cực đoan; Luật này cấm tuyên bố các sách thánh như Kinh Thánh là cực đoan. Ông Yaroslav Sivulskiy, đại diện của Cộng đoàn Nhân Chứng Giê-hô-va Châu Âu, cho biết: “Nhiều lần chính phủ Nga đã áp dụng sai luật về cực đoan đối với sự thờ phượng của chúng tôi, bây giờ thì họ lại cố phớt lờ nó khi cho rằng Bản dịch Thế Giới Mới không phải là Kinh Thánh để họ có thể tuyên bố là cực đoan. Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy các nhà chức trách Nga sẽ tiếp tục nói những điều không đúng sự thật về Nhân Chứng Giê-hô-va”.

“Kinh Thánh, Kinh Koran, Kinh Tanakh và Kangyur—cũng như nội dung và trích dẫn của những sách này—không thể bị xem là tài liệu cực đoan”—Luật Sửa đổi Luật chống hành động cực đoan của Liên bang Nga, Điều 3.1: Xem xét đặc biệt khi áp dụng quy định của pháp luật Liên bang Nga chống lại các hoạt động khủng bố đối với các ấn phẩm tôn giáo.

Lý do chính mà cuộc nghiên cứu cho rằng Bản dịch Thế Giới Mới không phải là Kinh Thánh là vì bản dịch này đã khôi phục danh riêng của Đức Chúa Trời, được tượng trưng bằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ YHWH hoặc JHVH, b là “Giê-hô-va”. Các luật sư đại diện cho Nhân Chứng Giê-hô-va đã đưa ra bằng chứng để phản đối lập luận này. Các luật sư trưng ra trước tòa mười quyển Kinh Thánh khác bằng tiếng Nga có sử dụng danh Giê-hô-va, cũng như các tác phẩm thi ca khác của Tsvetaeva và Pushkin, các sách của Kuprin, Goncharov và Dostoyevsky và các đoạn trích từ văn học cổ điển Nga. Họ cũng chỉ ra bản Kinh Thánh tiếng Nga Makarios phát hành bởi các dịch giả Chính Thống giáo vào thế kỷ 19 có danh Giê-hô-va xuất hiện hơn 3.500 lần.

Thêm vào đó, tòa án cũng cho phép hai chuyên gia trình bày bằng chứng cho thấy Bản dịch Thế Giới Mới là một bản Kinh Thánh. Tại phiên tòa ngày 9 tháng 8, giáo sư Anatoliy Baranov, c một nhà ngôn ngữ học có uy tín, xác nhận rằng sự khác nhau về ngôn từ giữa Bản dịch Thế Giới Mới và bản Kinh Thánh Hội nghị tôn giáo không có nghĩa là Bản dịch Thế Giới Mới không phải là Kinh Thánh. Sự khác biệt này có thể xảy ra giữa các bản dịch khác nhau. Để đánh giá khách quan mức độ chính xác của một bản dịch Kinh Thánh hiện đại thì cần phải so sánh với các bản gốc (trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ, A-ram hoặc Hy Lạp) thay vì so sánh với một bản dịch cổ hơn trong cùng một ngôn ngữ.

Trong phiên tòa ngày 16 tháng 8, ông Mikhail Odintsov, d một học giả tôn giáo, xác nhận rằng Bản dịch Thế Giới Mới về căn bản không khác với các bản Kinh Thánh khác trong tiếng Nga và cũng phù hợp với giáo luật Kinh Thánh được chấp nhận rộng rãi. Liên quan đến việc sử dụng danh riêng của Đức Chúa Trời, ông Odintsov xác nhận rằng danh “Giê-hô-va” cũng đã được các dịch giả Nga khác sử dụng, trong đó có các dịch giả của bản dịch Kinh Thánh Hội nghị tôn giáo; danh Đức Chúa Trời xuất hiện khoảng mười lần trong bản dịch này.

Cuộc nghiên cứu cũng cho rằng Bản dịch Thế Giới Mới không phải là Kinh Thánh bởi vì không ghi rõ bản dịch này là “Bible” (Kinh Thánh). Tuy nhiên, ông Odintsov giải thích rằng những từ như “Scriptures” (Kinh, Thánh thư) hoặc “Holy Scriptures” (Thánh Kinh) thì cũng rất thích hợp để mô tả Kinh Thánh.

Phiên tòa về Bản dịch Thế Giới Mới—Một bất công khác nhắm vào Nhân Chứng Giê-hô-va

Phán quyết của Tòa án thành phố Vyborg chưa có hiệu lực và Bản dịch Thế Giới Mới chưa được bổ sung vào danh mục Các tài liệu cực đoan của Liên bang. Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ kháng cáo lên Tòa án Leningrad trong vòng 30 ngày.

Phán quyết về việc cấm Kinh Thánh mà Nhân Chứng Giê-hô-va sử dụng trong sự thờ phượng chỉ là sự bất công gần nhất trong chiến dịch ngược đãi do chính phủ dàn xếp kéo dài hơn một thập kỷ nhằm chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va. Chiến dịch lên đến đỉnh điểm vào ngày 17 tháng 7 khi Tòa án Tối cao Nga xác nhận hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga là trái phép theo phán quyết trước đó của Tòa. Với phán quyết mới nhất này, Tòa án thành phố Vyborg, Nga tiếp tục ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va một cách bất công.

Trình tự thời gian vụ kiện chống lại Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới tại Nga

  1. Ngày 17 tháng 8 năm 2017

    Tòa án thành phố Vyborg chấp thuận yêu cầu của công tố viên tuyên bố Bản dịch Thế Giới Mới là “tài liệu cực đoan”

  2. Ngày 9 tháng 8 năm 2017

    Tòa án thành phố Vyborg mở lại phiên tòa xem xét Bản dịch Thế Giới Mới

  3. Ngày 6 tháng 6 năm 2017

    Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chuyên môn Văn hóa Xã hội kết luận Bản dịch Thế Giới Mới “không phải là Kinh Thánh” và là ấn phẩm “cực đoan”

  4. Ngày 23 tháng 12 năm 2016

    Tòa án Tối cao Liên bang Nga phê chuẩn các phán quyết của tòa sơ thẩm là tịch thu toàn bộ lô Kinh Thánh tháng 7 năm 2015

  5. Ngày 26 tháng 4 năm 2016

    Tòa án thành phố Vyborg yêu cầu Trung tâm Nghiên cứu Chuyên môn Văn hóa Xã hội xem xét Bản dịch Thế Giới Mới có dấu hiệu “cực đoan” hay không

  6. Ngày 15 tháng 3 năm 2016

    Căn cứ đơn khởi kiện của công tố viên, Tòa án thành phố Vyborg mở các phiên tòa tuyên bố Bản dịch Thế Giới Mới là “cực đoan”

  7. Ngày 29 tháng 12 năm 2015

    Tòa án Trọng tài St. Petersburg và Tòa án khu vực Leningrad bác bỏ đơn kiện của Nhân Chứng Giê-hô-va về việc tịch thu Kinh Thánh bất hợp pháp

  8. Ngày 13 tháng 8 năm 2015

    Hải quan Vyborg chỉ đạo tịch thu toàn bộ 2.016 quyển Kinh Thánh trong lô hàng vận chuyển ngày 13 tháng 7 vì cho rằng chúng có thể có dấu hiệu “cực đoan”

  9. Ngày 14 tháng 7 năm 2015

    Hải quan Vyborg tịch thu ba quyển Kinh Thánh để “nghiên cứu chuyên môn” nhằm biện minh cho việc kê biên

  10. Ngày 13 tháng 7 năm 2015

    Hải quan Vyborg Customs tạm giữ lô hàng vận chuyển chỉ có Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Nga

aBản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã được xuất bản toàn bộ hoặc một phần trong hơn 120 ngôn ngữ. Hơn 200 triệu bản đã được phát hành.

b  Bốn mẫu tự יהוה là tên của Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ, chuyển tự thành YHWH hoặc JHVH. Danh này xuất hiện gần 7.000 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (thường gọi là Cựu Ước).

c  Giáo sư Baranov là thành viên của Ủy ban chuyên gia cấp chứng nhận cho các chuyên gia ngôn ngữ học tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật Nga và là trưởng ban Tự điển Thực nghiệm của Viện Ngôn ngữ Nga thuộc Học viện Khoa học Nga.

d  Giáo sư Odintsov là chuyên gia chính và là thành viên của Hội đồng Học thuật thuộc Cơ quan Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội Nga, đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội các nhà nghiên cứu tôn giáo.