Đi đến nội dung

Tòa án Vùng Leningrad nơi diễn ra phiên xét xử phúc thẩm

NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2017
NGA

Tòa án Nga bác kháng cáo, tuyên bố Kinh Thánh là “cực đoan”

Tòa án Nga bác kháng cáo, tuyên bố Kinh Thánh là “cực đoan”

Tòa phúc thẩm phê chuẩn một phán quyết của tòa án trước đó về việc tuyên bố Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới trong tiếng Nga là ấn phẩm “cực đoan”. Phán quyết giờ đã có hiệu lực thi hành, khẳng định rằng bản Kinh Thánh này đã bị cấm lưu hành và sẽ sớm bị liệt kê trong danh mục Các tài liệu cực đoan của Liên bang. Giờ đây việc phân phát Bản dịch Thế Giới Mới cho người khác là tội hình sự. Ngay cả việc sở hữu một bản cho cá nhân cũng có thể khiến một người có nguy cơ bị phạt tiền nặng hoặc tệ hơn nữa.

Tòa án phớt lờ việc thiếu bằng chứng của các “chuyên gia”

Vào ngày 20-12-2017, Tòa án Vùng Leningrad tuyên bố giữ nguyên phán quyết của Tòa án thành phố Vyborg bất chấp việc công tố viên và các “chuyên gia” do tòa án chỉ định không thể tìm ra cơ sở để tuyên bố Bản dịch Thế Giới Mới là “cực đoan”. Các phán quyết của tòa chỉ dựa trên một nghiên cứu “chuyên sâu” duy nhất phê bình bản dịch Kinh Thánh tiếng Nga hiện đại này.

Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán của tòa án vùng đã thừa nhận rằng có nhiều mâu thuẫn trong nghiên cứu về Bản dịch Thế Giới Mới và đã triệu tập các “chuyên gia” là tác giả của cuộc nghiên cứu để thẩm vấn. Khi chủ tọa phiên tòa Larisa Gorbatova hỏi trưởng nhóm nghiên cứu là bà Kryukova xem Bản dịch Thế Giới Mới có phải là Kinh Thánh không, bà đã trả lời là không, theo “nghĩa truyền thống của Chính thống giáo”. Khi một luật sư bào chữa yêu cầu viện dẫn chỉ một câu Kinh Thánh có cách dịch mang dấu hiệu cực đoan, bà Kryukova đã không thể trả lời. Sau đó, thẩm phán Gorbatova hỏi bà Kryukova yếu tố cấu thành tính chất cực đoan trong bản dịch này là gì, nhưng bà từ chối trả lời và nói rằng đó là “vấn đề pháp lý”.

Khi một trong các luật sư bào chữa hỏi xem các tiêu chí nào được sử dụng để xác định Bản dịch Thế Giới Mới có là Kinh Thánh hay không, bà Kryukova nói nó phải ghi rõ “đã được giáo trưởng ban phước” hoặc phải giống chính xác từng từ với bản dịch được ban phước. Bà Kryukova cũng bị chất vấn tại sao nghiên cứu lại kết luận rằng Bản dịch Thế Giới Mới là “bản dịch thiếu sót”. Khi bà Kryukova và các “chuyên gia” khác của nhóm nghiên cứu không thể nêu rõ các tiêu chí khách quan, tòa án đã chấm dứt phần thẩm vấn các “chuyên gia”.

Sau đó, các luật sư của Nhân Chứng Giê-hô-va đã yêu cầu tòa chấp nhận bằng chứng cho thấy thành kiến của các “chuyên gia”, trong đó bao gồm việc nghiên cứu của họ dựa trên rất nhiều tài liệu lấy từ Wikipedia và từ một học viên trường dòng Chính thống giáo. Hội đồng xét xử đã ghi nhận lời đề nghị nhưng bác bỏ mọi yêu cầu về việc mời các chuyên gia chân chính nghiên cứu Bản dịch Thế Giới Mới và xét xử lại vụ án.

Mục tiêu của cuộc tấn công nhằm vào Kinh Thánh này là gì?

Trong phần tranh luận kết thúc, một luật sư của Nhân Chứng Giê-hô-va đã hỏi tòa: “Mục tiêu chính đáng mà văn phòng công tố theo đuổi là gì? Văn phòng công tố đang cố đạt được điều gì? Hàng trăm ngàn công dân nói tiếng Nga đang đọc bản Kinh Thánh này sẽ phải đốt sách ư? Nếu họ không muốn đốt Kinh Thánh thì họ sẽ bị khởi tố hình sự sao?”.

Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga đang lo sợ trước phản ứng bất hợp lý của các nhà chức trách trong việc thi hành các phán quyết trước đó khi tuyên bố ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va là “cực đoan”. Luật của Nga về chủ nghĩa cực đoan cấm phân phát tài liệu hoặc tàng trữ tài liệu phục vụ cho chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, các cơ quan thi hành pháp luật của Nga đã đi quá xa ranh giới của luật đó. Họ đã lục soát nhà riêng của các Nhân Chứng và khởi xướng việc phạt hành chính đối với những người chỉ sở hữu vài ấn phẩm phục vụ cá nhân. Thêm vào đó, trong nỗ lực ngụy tạo chứng cớ bằng mọi giá, các nhà chức trách đã giấu một vài ấn phẩm bị cấm tại những nơi thờ phượng của các Nhân Chứng. Sau đó họ dùng cớ đã “phát hiện” các ấn phẩm này để làm cơ sở cho việc đóng cửa các thực thể pháp lý của Nhân Chứng và ngay cả buộc tội hình sự chống lại các Nhân Chứng.

Liệu các Nhân Chứng còn phải chịu đựng thêm các cuộc lục soát nhà riêng nữa hay không? Liệu họ có bị phạt hành chính hay bị cáo buộc hình sự chỉ vì sở hữu một Bản dịch Thế Giới Mới? Hãy chờ xem các nhà chức trách Nga sẽ dùng phán quyết này như một vũ khí khác nhằm đàn áp sự tự do tôn giáo của các Nhân Chứng hay không.