Đi đến nội dung

Anh Charles Rutaganira được sống sót qua nạn diệt chủng là nhờ anh em đồng đạo đã yêu thương liều mạng sống để chăm lo và bảo vệ anh

NGÀY 1-8-2019
RWANDA

Kỷ niệm 25 năm nạn diệt chủng ở Rwanda

Kỷ niệm 25 năm nạn diệt chủng ở Rwanda

Nạn diệt chủng người Tutsi năm 1994 ở Rwanda là một trong những nạn diệt chủng thần tốc và khủng khiếp nhất trong lịch sử thời hiện đại. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 800.000 đến 1.000.000 người bị giết trong khoảng 100 ngày. Đa số nạn nhân là người Tutsi, nhưng những người Hutu từ chối tham gia vào cuộc thảm sát thì cũng bị giết. Điều này có nghĩa là mỗi một người trong số 2.500 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Rwanda đều đối mặt với nguy cơ bị giết.

Có khoảng 400 anh em chúng ta ở Rwanda đã mất mạng trong nạn diệt chủng, hầu hết là người Tutsi. Nhưng các Nhân Chứng người Hutu cũng bị giết vì họ không thể làm hại người khác và đã nỗ lực để cứu anh em đồng đạo của mình khỏi những kẻ thảm sát.

Anh Charles Rutaganira, một người Tutsi đã sống sót qua nạn diệt chủng 25 năm trước, vẫn còn nhớ như in buổi sáng Chủ Nhật khi anh biết chắc là mình sẽ bị giết, nhưng nhờ có tình yêu thương bất vị kỷ của anh em đồng đạo mà anh đã được cứu mạng.

Anh cảm thấy sốc vô cùng khi có khoảng 30 kẻ tấn công bao vây nhà mình. Anh nói: “Hầu hết những người trong số đó là hàng xóm của tôi. Chúng tôi chào hỏi nhau mỗi ngày”. Nhưng khi đám người ấy đến nhà anh sáng hôm đó, anh thấy họ đã đổi khác. “Mắt họ đỏ ngầu và đầy sự thù ghét. Họ trông giống như những dã thú sẵn sàng ăn tươi nuốt sống con mồi”.

Đám đông hành hung anh Rutaganira bằng dao rựa, giáo và dùi cui có gắn đinh tán chỉ vì anh là một người Tutsi. Sau đó, họ kéo anh ra đường và bỏ mặc anh cho đến chết. Khi anh nằm đó, nửa tỉnh nửa mê và máu me đầy người thì có một nhóm người cầm xẻng đến để chôn anh. Bất chợt, một người trong số họ nhận ra anh Rutaganira là một tín đồ hiếu hòa nên người ấy hỏi: “Sao người ta lại giết anh Nhân Chứng này?”. Không ai trả lời. Ngay lúc đó, một trận mưa lớn ập xuống và họ bỏ đi.

Anh Samuel Rwamakuba, một người Hutu sống gần đó, biết chuyện xảy ra với anh Rutaganira thì đã bảo con trai đội mưa lớn đến để đưa anh về nhà mình. Hai anh khác người Hutu cũng không màng nguy hiểm mang thuốc men và băng gạc đến cho anh. Những kẻ thảm sát đã truy tìm anh Rutaganira. Khi phát hiện anh đang ở nhà của một người Hutu, tên cầm đầu đe dọa: “Bọn tao sẽ xử chúng bay vào sáng mai”.

Tất cả các anh chị người Hutu đều biết rằng họ có thể chết khi giúp một người Tutsi. Anh Rutaganira cho biết: “Nếu một người đã bị nhắm đến để bị giết mà mình cố gắng cứu người ấy thì bọn chúng sẽ giết cả hai cùng một lúc”.

Là một người Hutu, anh Rwamakuba lẽ ra đã có thể chạy trốn và qua được các chốt kiểm soát có dân quân vũ trang đứng canh gác ngày và đêm. Nhưng anh đã không bỏ mặc người anh em Tutsi đang bị thương của mình. Anh nói với anh ấy: “Tôi sẽ không bỏ mặc anh. Anh chết ở đâu thì tôi sẽ chết ở đó”.

Sáng sớm hôm sau, quân lính của phe đối lập đã đến đánh nhau với bọn thảm sát khiến cho chúng phải chạy trốn.

Sau khi hồi phục vết thương, anh Rutaganira đã trở về và thấy nhiều anh chị khác trong hội thánh đang than khóc vì người thân của họ bị giết vô cớ. Các anh chị ấy cũng đang phải chịu đựng những nỗi đau về thể chất lẫn cảm xúc vì đã bị tra tấn hoặc hãm hiếp. Anh Rutaganira nhớ lại: “Khoảng thời gian vài tháng đầu sau nạn diệt chủng thật sự rất khó khăn. Nhưng nhờ có tình yêu thương và sự đồng cảm, các anh chị người Hutu và Tutsi đã giúp nhau vượt qua nỗi đau. Họ nỗ lực để không có bất cứ sự giả hình, phân biệt hay chia rẽ nào giữa họ”.

Vào tháng 4 năm 2019, một cuộc triển lãm tại Trung tâm Quốc gia về Dân sự và Nhân quyền ở Atlanta, Georgia đã trưng bày những câu chuyện về các anh chị còn sống sót cũng như các anh chị bị tàn sát trong nạn diệt chủng ở Rwanda

Dù vô cùng đau buồn, các Nhân Chứng ở Rwanda đã tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức trở lại. Họ tìm được nhiều người thật sự cần được nghe thông điệp an ủi từ Kinh Thánh. Một số người cảm thấy đau đớn vì nhiều người thân của họ đã bị giết một cách dã man. Số khác thì cảm thấy dằn vặt lương tâm vì những điều tồi tệ mà họ đã làm. Nhiều người ở Rwanda cảm thấy bị phản bội bởi những người hàng xóm, chính phủ và đặc biệt là nhà thờ của họ. (Xin xem khung “ Trách nhiệm của nhà thờ trong nạn diệt chủng ở Rwanda”).

Dù vậy, nhiều người Rwanda nhận thấy sự bình an trong vòng dân của Đức Giê-hô-va là điều thật đặc biệt. Một giáo viên người Tutsi theo đạo Công giáo cùng với sáu đứa con đã được che giấu bởi một gia đình Nhân Chứng mà cô không hề quen biết. Cô nói: “Tôi vô cùng nể phục Nhân Chứng Giê-hô-va… Hầu như ai cũng nhận thấy rằng họ không can dự vào nạn diệt chủng”.

Sau nạn diệt chủng kinh hoàng ấy, càng có nhiều người Rwanda đến tham dự nhóm họp tại Phòng Nước Trời. Trung bình, mỗi người công bố điều khiển ba học hỏi Kinh Thánh. Trong năm công tác năm 1996, số Nhân Chứng ở Rwanda đã gia tăng hơn 60 phần trăm vì người ta được thu hút để nghe thông điệp đầy an ủi về Nước Trời.

Đối với nhiều người, đặc biệt là những người sống sót, kỷ niệm 25 năm sau nạn diệt chủng là một dịp để hồi tưởng những gì đã xảy ra. Anh Rutaganira và những người khác đã tận mắt chứng kiến nạn diệt chủng tin chắc rằng tình yêu thương chân thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô còn mạnh mẽ hơn sự thù ghét về sắc tộc rất nhiều. Anh Rutaganira nói: “Chúa Giê-su Ki-tô dạy các môn đồ chân chính phải yêu thương nhau hơn chính bản thân mình. Tôi còn sống được đến hôm nay cũng là nhờ tình yêu thương ấy trong vòng dân của Đức Giê-hô-va”.—Giăng 15:13.