Đi đến nội dung

Bên trái: Một nhóm các anh chị tiên phong và học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át vào thập niên năm 1940. Phía trên bên phải: Các thành viên của hội thánh đầu tiên ở làng Xylophagou. Phía dưới bên phải: Các anh quảng bá bài diễn văn công cộng vào năm 1952

NGÀY 29-3-2022
SÍP

Năm 1922-2022: Gìn giữ 100 năm di sản của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở đảo Síp

Năm 1922-2022: Gìn giữ 100 năm di sản của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở đảo Síp

Năm 2022 đánh dấu 100 năm kể từ khi Nhân Chứng Giê-hô-va bắt đầu rao giảng ở đảo Síp thuộc Địa Trung Hải. Sứ đồ Phao-lô đã đến đảo này cùng với Ba-na-ba, một cư dân đảo Síp, trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất của ông. Vào thời hiện đại, hạt giống chân lý đầu tiên được gieo tại đây vào năm 1922 khi một tu sĩ nhận sách nhỏ Linh hồn có chết không? (Does the Soul Die?).

Hai năm sau, một học viên Kinh Thánh tên là Cyrus Charalambous sống tại Hoa Kỳ đã quay về đảo Síp. Ông bắt đầu rao giảng một cách sốt sắng và gửi tờ chuyên đề Người chết ở đâu? (Where Are the Dead?) đến mỗi làng và thị trấn ở đảo Síp.

Anh Antonis Spetsiotes

Tờ chuyên đề đã đến tay một người đàn ông là Antonis Spetsiotes. Ấn tượng với những gì mình đọc, anh đã thảo luận điều này với hàng xóm là Andreas Christou. Sau đó, cả hai bắt đầu chia sẻ với người khác về những gì mình học được.

Giáo hội Chính thống Hy Lạp đã chống đối công việc rao giảng của họ và cả anh Antonis cùng với anh Andreas đều bị rút phép thông công. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục rao giảng. Vào thập niên năm 1930, những nỗ lực của họ đã giúp thành lập hội thánh đầu tiên ở làng Xylophagou tại đảo Síp.

Công việc rao giảng được đẩy mạnh hơn khi giáo sĩ đầu tiên là anh Antonios Karandinos, một học viên tốt nghiệp trường Ga-la-át, được bổ nhiệm đến đảo vào năm 1947. Đến năm 1948, có 50 người công bố trên đảo và văn phòng chi nhánh đầu tiên được thành lập. Các anh đã thiết lập một thực thể pháp lý vào năm 1960. Chỉ hai năm sau, Phòng Nước Trời đầu tiên được xây dựng ở Nicosia. Số Nhân Chứng tiếp tục gia tăng, một cơ sở Bê-tên mới và rộng hơn được dâng hiến vào năm 1969.

Cùng với sự phát triển của tin mừng, sự ngược đãi cũng gia tăng. Vào giữa thập niên năm 1960, những anh trẻ từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự phải đối mặt với việc ngồi tù. Quân đội còn tra tấn một số anh để ép họ thỏa hiệp đức tin.

Đồ cứu trợ chuyển đến Limassol

Các anh chị gặp phải thử thách khó khăn hơn vào năm 1974 khi chiến tranh bùng nổ trên đảo này. Khoảng 300 anh chị đã phải đi tị nạn. Gia đình Bê-tên đã di tản khỏi cơ sở chi nhánh. Các anh chị từ nước khác đã gửi đồ cứu trợ cho anh em ở đảo Síp. Những anh chị có hoàn cảnh cho phép đã dùng nhà mình để giúp các anh em đồng đạo có chỗ ở.

Trong những năm sau đó, công việc thánh chức vẫn tiếp tục phát triển. Hơn nữa, năm 2006 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi các anh tổ chức hội nghị địa hạt với chủ đề “Sự giải cứu gần kề” tại Limassol. Tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va ở đảo Síp đã có thể nhóm lại với nhau lần đầu tiên trong một sự kiện sau nhiều năm.

Hội nghị địa hạt năm 2006 với chủ đề “Sự giải cứu gần kề” ở Limassol

Hiện nay, có 2.866 người công bố đang phụng sự tại 41 hội thánh và 17 nhóm trong 14 ngôn ngữ ở đảo. Vào năm 2001, có 5.588 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô.

Chúng ta vui mừng với các anh chị ở đảo Síp. Chúng ta biết rằng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va các anh chị sẽ tiếp tục tiến bộ theo bước tiến ấy.​—Phi-líp 3:16.