Đi đến nội dung

Trong hai năm vừa qua, những người công bố và người chú ý khiếm thị hoặc suy giảm thị lực đã nhận được lợi ích từ phần mô tả âm thanh của hội nghị

NGÀY 26-1-2022
THẾ GIỚI

Phần mô tả âm thanh giúp người khiếm thị và suy giảm thị lực nhận lợi ích từ chương trình hội nghị

Phần mô tả âm thanh giúp người khiếm thị và suy giảm thị lực nhận lợi ích từ chương trình hội nghị

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp mà hội nghị vùng của chúng ta sẽ có phần mô tả âm thanh. Phần mô tả âm thanh giải thích những hình ảnh và cảnh vật xuất hiện trong video, chủ yếu được dùng cho người khiếm thị và suy giảm thị lực. Việc sản xuất video với mô tả âm thanh là một phần trong nỗ lực không ngừng của Nhân Chứng Giê-hô-va nhằm giúp khoảng 43 triệu người khiếm thị và 295 triệu người suy giảm thị lực trên thế giới để họ dễ dàng tiếp cận với thức ăn thiêng liêng.

Giáo sư Joel Snyder, chủ tịch Hiệp hội Mô tả Âm thanh và là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực mô tả âm thanh, nhận xét như sau về nỗ lực của chúng ta: “Tôi rất ấn tượng với cách mà Nhân Chứng Giê-hô-va thêm vào chức năng hỗ trợ a để giúp người khiếm thị và suy giảm thị lực tiếp cận với thông tin. Việc sản xuất ra các video và đảm bảo rằng chúng có chức năng hỗ trợ là phần mô tả âm thanh để người khiếm thị có thể xem được là điều hiếm có ai nghĩ đến. Vì vậy, tôi vô cùng hoan nghênh Nhân Chứng Giê-hô-va vì đã làm điều này”.

Khi Hội đồng Lãnh đạo quyết định rằng hội nghị vùng năm 2020 sẽ được quay sẵn vì đại dịch thì các anh cũng quyết định thực hiện phần mô tả âm thanh. Trong năm 2020, Ban Hỗ trợ Dịch thuật tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Warwick, New York, Hoa Kỳ đã phụ trách sản xuất phần mô tả âm thanh cho hội nghị. Năm 2021, công việc này được chuyển giao cho Ban Hỗ trợ Ấn phẩm tại Trung tâm Giáo dục của Hội Tháp Canh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Patterson, New York. Nhóm phụ trách phần mô tả âm thanh này đã được huấn luyện qua một hội thảo trực tuyến để có thể sản xuất phần mô tả âm thanh một cách hiệu quả.

Giáo sư Snyder cho biết rằng “chúng ta có thể huấn luyện người khác mô tả âm thanh theo những cách hiệu quả nhất”. Ông cho biết để làm được điều này, người ta cần “dùng những từ súc tích, rõ ràng và gợi hình”.

Quy trình sản xuất phần mô tả âm thanh: (1) Nhóm sản xuất phần mô tả âm thanh nghe phần tiếng của video; (2) nhóm chuẩn bị kịch bản; (3) một anh chị thu âm phần mô tả âm thanh; (4) những tập tin tài liệu của phần mô tả âm thanh được gửi đến tất cả các chi nhánh

Khi xem xét một đoạn video của hội nghị, trước tiên nhóm sản xuất sẽ chỉ nghe tiếng mà không xem hình để hiểu cảm nhận của một người khiếm thị hoặc suy giảm thị lực. Mỗi thành viên sẽ viết ra ấn tượng đầu tiên của mình. Sau đó, nhóm sẽ xem lại video, ghi chú những đoạn tạm ngưng giữa các câu thoại vì đây là nơi để chèn phần mô tả âm thanh vào.

Việc tạo ra phần mô tả âm thanh vừa với khoảng trống giữa các câu thoại trong video có thể là một thử thách lớn. Anh Michael Millen, làm việc với nhóm sản xuất phần mô tả âm thanh, cho biết: “Vì độ dài của các khoảng trống có giới hạn nên chúng tôi chỉ giữ lại những chi tiết quan trọng nhất để giúp hiểu được video. Chúng tôi cố gắng cho biết về thời gian, nơi chốn, nhân vật và hành động”.

Nhóm sản xuất cần tránh đưa ra nhận xét về những chi tiết trong video. Trong quyển sách của mình về mô tả âm thanh (The Visual Made Verbal), Giáo sư Snyder có lời khuyên dành cho những người mô tả âm thanh như sau: “Hãy để người nghe tự cảm nhận video dựa trên những câu mô tả càng khách quan càng tốt. Vì thế, không nên nói: ‘Anh ấy đang giận dữ’ hoặc ‘Cô ấy đang buồn’. Thay vì thế, hãy nói: ‘Anh ấy đang nắm chặt tay lại’ hoặc ‘Cô ấy đang khóc’”.

Sau khi nhóm sản xuất viết xong kịch bản mô tả âm thanh, một anh chị sẽ tiến hành thu âm. Người thu cần đọc với giọng bình thường. Anh Michael Millen cho biết: “Người thu không cần cố gắng để giống với nhân vật trong video. Nếu giọng của người thu quá nhiệt tình hoặc diễn cảm thì có thể khiến người nghe nghĩ rằng người mô tả âm thanh là một nhân vật khác trong video”.

Một nhóm kỹ thuật phụ trách phần chỉnh sửa để cho ra kịch bản cuối cùng, và các tập tin tài liệu được gửi đến các chi nhánh để họ có thể dịch và thu âm phần mô tả âm thanh trong ngôn ngữ của họ. Anh Michael cho biết rằng trong hai kỳ hội nghị vùng vừa qua, tính toàn bộ quá trình sản xuất phần mô tả âm thanh thì nhóm phụ trách đã mất khoảng ba tiếng cho mỗi phút của video.

Cho đến nay, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dịch sách báo và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh ra hơn 1.000 ngôn ngữ. Dù con số thống kê ấy không bao gồm phần mô tả âm thanh nhưng một số người xem đây cũng là một ngôn ngữ. Anh Michael nói: “Phần mô tả âm thanh thật sự là một bản dịch dành cho người khiếm thị. Các hình ảnh trong video đã được dịch thành tiếng”.

Chúng ta rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đảm bảo rằng mọi người trong mọi hoàn cảnh đều nhận được lợi ích từ thức ăn thiêng liêng dư dật mà ngài cung cấp!—Ê-sai 65:13.

a Chức năng hỗ trợ có thể nói đến việc một dịch vụ hoặc một cấu trúc có những tính năng khả dụng và dễ dàng sử dụng đối với người khuyết tật.