NGÀY 30-4-2021
THẾ GIỚI
TÓM LƯỢC | Chuỗi các hội thảo tại Moldova, Nga và Ukraine được tổ chức để kỷ niệm 70 năm sự kiện Xô Viết trục xuất Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia
Một loạt các hội thảo và họp báo đã được tổ chức tại Moldova, Nga và Ukraine để kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Bắc tiến khi Xô Viết trục xuất 9.793 Nhân Chứng Giê-hô-va đến Siberia bằng tàu hỏa vào năm 1951.
Trong một số sự kiện này, người tham dự được mời truy cập vào trang web 1951deport.org. Đây là trang web do Nhân Chứng Giê-hô-va thiết kế và có sẵn trong tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Ukraine. Trang web này cung cấp nhiều thông tin và các nghiên cứu về Chiến dịch Bắc tiến.
Ngày 1 tháng 4 | Hội thảo tại Moldova
Tiến sĩ Lidia Padureac thuộc Trường Đại học Alecu Russo State tại thành phố Balti cho biết: “Cuộc trục xuất của Liên bang Xô Viết (USSR) diễn ra vào năm 1951 nhằm trừng phạt công khai và ngăn cản việc lan truyền những hệ tư tưởng khác với đảng của họ”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nicolae Fustei, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Sử học, cho biết: “Chiến dịch Bắc tiến không đạt được mục tiêu... Tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va không bị tan rã và các Nhân Chứng không ngừng chia sẻ niềm tin với người khác mà thậm chí còn dạn dĩ hơn”.
Tiến sĩ Virgiliu Birladeanu, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Sử học và cũng là chủ trì của cuộc hội thảo, đã bình luận về phẩm chất nổi bật của những Nhân Chứng bị trục xuất, là những người được phỏng vấn trong nghiên cứu của ông. Ông nói: “Tôi kinh ngạc trước tinh thần lạc quan được thể hiện qua đôi mắt của họ, dù phải chịu nhiều áp bức từ chính quyền Xô Viết nhưng họ không hề oán giận”.
Anh Victor Dornicenco, thành viên chi nhánh Moldova, cho biết rằng lịch sử Nhân Chứng Giê-hô-va bị đàn áp dưới thời Xô Viết đang lặp lại ở Nga. Anh nói: “Đáng buồn là nước Nga đã không rút ra được bài học. Vào mùa hè năm 2017, tổ chức tôn giáo Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, gồm 175.000 thành viên, đã bị cấm dù không có cơ sở pháp lý nào. Thành kiến và những thông tin sai lệch về thực hành của Nhân Chứng Giê-hô-va đã khiến họ bị tước mất những quyền cơ bản, như tự do tư tưởng, lương tâm và tín ngưỡng”.
Ngày 1 tháng 4 | Cuộc họp báo tại Mát-xcơ-va
Như đã đưa tin trước đó, năm học giả và các chuyên gia nhân quyền cùng với anh Yaroslav Sivulskiy, đại diện cho Hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va tại Châu Âu, đã trình bày trước giới truyền thông về Chiến dịch Bắc tiến cũng như tình trạng ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va đang diễn ra tại Nga. Toàn bộ cuộc họp này được phát sóng trực tiếp trong tiếng Anh và tiếng Nga.
Ngày 6 tháng 4 | Hiệp hội Tưởng niệm Quốc tế tổ chức hội nghị bàn tròn tại Mát-xcơ-va
Như đã đưa tin trước đó, sự kiện này chỉ được phát sóng trực tiếp trong tiếng Nga.
Ngày 8 tháng 4 | Hội thảo tại Kyiv
Mười bốn học giả từ sáu quốc gia cùng với anh Ivan Riher thuộc chi nhánh Ukraine đã trình bày những bài thuyết trình ngắn. Trong các nghiên cứu của mình, một số học giả đã phỏng vấn rất chi tiết những người sống sót sau cuộc trục xuất. Những người tham dự được xem các đoạn trích video từ các cuộc phỏng vấn này.
Tiến sĩ Tomasz Bugaj, nhà nghiên cứu kiêm nhà sử học của Viện Khoa học Văn hóa thuộc Đại học Silesia ở Ba Lan, cho biết: “Dù phải sống và làm việc trong điều kiện tồi tệ, nhưng niềm tin và tiêu chuẩn đạo đức của Nhân Chứng Giê-hô-va không hề lay chuyển. Họ không bao giờ nghĩ đến việc thỏa hiệp để đổi lấy điều kiện sống và làm việc tốt hơn hay thậm chí là đồ ăn”. Tiến sĩ Bugaj nói Nhân Chứng Giê-hô-va là “một nhóm người đặc biệt” vì họ đã giữ vững lập trường và tiếp tục thực hành đức tin dù phải sống dưới chế độ Xô Viết.
Giáo sư Liudmyla Fylypovych, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Tôn giáo của Ukraine, cho biết Nhân Chứng Giê-hô-va tại Ukraine hiện đang phân phát ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong 36 ngôn ngữ. Bà cũng nhấn mạnh rằng công việc thánh chức của Nhân Chứng không chỉ mang lại lợi ích cho chính họ mà còn cho người khác. Bà nói: “Các Nhân Chứng góp phần lớn vào việc giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xã hội Ukraine”. Chẳng hạn, các Nhân Chứng cố gắng tìm kiếm những người khiếm thính và khiếm thị để dạy họ Kinh Thánh cũng như giúp họ cảm thấy mình có giá trị trong cộng đồng.
Sự kiện này được phát sóng trực tiếp trong tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Ngày 9 tháng 4 | Cuộc họp báo tại Kyiv
Giáo sư Fylypovych nói trong cuộc họp báo: “Nhân Chứng Giê-hô-va cho thấy họ có thể nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Hơn nữa, họ có thể biến một nghịch cảnh thành lợi thế và tiếp tục chia sẻ niềm tin với người khác... Vào thời Xô Viết, Nhân Chứng Giê-hô-va được những người xung quanh tôn trọng vì không thỏa hiệp niềm tin của mình”.
Giáo sư Igor Kozlovskyy, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tôn giáo và Mối liên kết Tôn giáo Quốc tế (Center of Religious Science Research and International Spiritual Relations) tại Ukraine, cho biết: “Để biết mình là ai, chúng ta cần tìm hiểu về quá khứ của mình... Chúng ta nên bàn luận nhiều hơn về cuộc trục xuất Nhân Chứng Giê-hô-va vì đây cũng là một phần lịch sử của Ukraine. Trách nhiệm của các chuyên gia tôn giáo là loại bỏ những phát ngôn thù ghét và lời dối trá nhắm vào Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như các tôn giáo khác”.
Sự kiện này được phát sóng trực tiếp trong tiếng Anh và tiếng Ukraine.