Đi đến nội dung

NGÀY 4-7-2017
TURKMENISTAN

Turkmenistan sẽ làm theo phán quyết của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không?

Turkmenistan sẽ làm theo phán quyết của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không?

Trong mười phán quyết mới nhất, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi chính phủ Turkmenistan tôn trọng cam kết bảo vệ nhân quyền của công dân trong nước. a Các phán quyết đưa ra vào năm 2015 và 2016 nói rằng chính phủ Turkmenistan phải ngưng trừng phạt những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, và phải tuân theo Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự và chính trị, vì Turkmenistan là nước thành viên.

Các Nhân Chứng tìm kiếm sự giúp đỡ

Các phán quyết của Ủy ban ấy căn cứ trên những đơn khiếu nại được đệ trình bởi mười Nhân Chứng bị trừng phạt do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Chín trong số mười người đó đã bị bỏ tù trong điều kiện khắc nghiệt, bị đánh đập và hạ thấp nhân phẩm. Họ cũng phải chịu thời tiết khắc nghiệt trong những phòng giam dơ bẩn và đông nghẹt, cũng như tiếp xúc với người bị bệnh truyền nhiễm.

Mỗi phán quyết của Ủy ban cho biết Turkmenistan đã vi phạm “quyền tự do suy nghĩ, lương tâm và tôn giáo” của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Trong trường hợp chín người bị bỏ tù, Ủy ban này nói rằng Turkmenistan đã không “đối xử nhân đạo và tôn trọng với họ”, và “bắt họ phải chịu tra tấn, cũng như đối xử hoặc trừng phạt họ một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay nhục nhã”.

Ủy ban này nói rằng để khắc phục các vi phạm ấy, chính phủ Turkmenistan phải xóa bỏ tiền án, bồi thường cho các Nhân Chứng và xem xét lại pháp chế của nước họ để chắc chắn “tính hiệu quả của sự đảm bảo về quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm”. Ủy ban cũng chỉ thị cho chính phủ Turkmenistan điều tra một cách không thiên vị và kỹ càng các thông tin về sự ngược đãi, đồng thời truy tố bất cứ người nào dính líu đến vụ việc.

Năm 2013, có thêm năm Nhân Chứng khiếu nại lên Ủy ban này về việc bị trừng phạt do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Các luật sư của họ mong đợi những phán quyết sắp tới sẽ được đưa ra giống như phán quyết của mười Nhân Chứng kia.

Ông Navruz Nasyrlayev bị ngược đãi tàn bạo

Ông Navruz Nasyrlaye

Một trong những phán quyết của Ủy ban này được đưa ra vào ngày 15-7-2016 liên quan đến ông Navruz Nasyrlayev. Lần đầu ông Navruz được gọi nhập ngũ là vào tháng 4 năm 2009 ở tuổi 18, và ông đã giải thích với chính quyền rằng lương tâm không cho phép ông nhập ngũ. Tuy nhiên, ông nói rằng ông sẵn sàng làm bất cứ nghĩa vụ dân sự nào để thay thế. Sau này ông bị kết tội là trốn nghĩa vụ quân sự và bị kết án hai năm tù tại nhà tù LB-E/12 ở Seydi. Tại đó, ông thường bị biệt giam và bị cai tù đánh đập tàn nhẫn.

Tháng 1 năm 2012, một tháng sau khi được thả, ông Navruz lại bị gọi nhập ngũ. Ông vẫn nói rằng mình sẵn sàng làm bất cứ nghĩa vụ dân sự nào nhưng lại bị buộc tội và bị kết án hai năm tù như lần trước tại “một nhà tù rất khắt khe” và được miêu tả là “vô cùng tồi tệ”. Như lần trước, ông bị cai tù đánh đập tàn nhẫn và bị ép làm những việc hèn hạ.

Các thành viên trong gia đình của ông Navruz cũng bị đối xử bất công. Không lâu sau khi Ủy ban ấy gửi đơn khiếu nại của ông Navruz cho chính phủ Turkmenistan giải quyết, cảnh sát đã đột kích vào nhà của ông ở Dashoguz và đối xử tàn bạo với các thành viên trong gia đình ông và khách của họ, hẳn đây là hành động trả đũa vì đơn khiếu nại của ông.

Dù ông Navruz được thả vào tháng 5 năm 2014, ông vẫn phải chịu thiệt hại về thể chất lẫn tinh thần. Ủy ban ấy thấy rằng ông bị ngược đãi tàn bạo, hai lần bị kết án và trừng phạt bởi “giữ vững lập trường vì lý do lương tâm”. Ủy ban ấy kết luận: “Việc [ông Navruz] từ chối nhập ngũ là dựa vào niềm tin tôn giáo... Việc [ông] bị kết án liên tiếp là vi phạm quyền tự do suy nghĩ, lương tâm và tôn giáo của ông”.

Liệu Turkmenistan sẽ đối xử tốt hơn với Nhân Chứng Giê-hô-va?

Năm 2012, trong một báo cáo về nhân quyền ở Turkmenistan, Ủy ban ấy kêu gọi chính phủ nước này “chấm dứt việc bắt bớ những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm và thả những ai đang thụ án”. Vào tháng 2 năm 2015, chính phủ Turkmenistan hưởng ứng phần nào khi thả Nhân Chứng cuối cùng bị tù do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Kể từ đó, không có thêm Nhân Chứng nào bị kết án tù do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm.

Tuy nhiên, khi bắt bớ và trừng phạt những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, chính phủ Turkmenistan tiếp tục vi phạm công ước quốc tế về việc bảo vệ nhân quyền.

  • Từ cuối năm 2014, chính phủ nước này đã bắt Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm phải nộp 20% lương để xung vào công quỹ nhà nước trong một đến hai năm. Hiện nay, có hai Nhân Chứng Giê-hô-va đang phải chịu hình phạt này.

  • Trong những trường hợp khác, các viên chức gây áp lực nặng nề trên những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm để ép họ thỏa hiệp niềm tin.

Ông Artur Yangibayev

Chẳng hạn, vào ngày 16-6-2016, cảnh sát địa phương và hai người đại diện của Bộ Quân sự đến nhà ông Artur Yangibayev, một Nhân Chứng đã nộp đơn xin thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế. Các viên chức giải ông về văn phòng công tố, và ở đó họ dùng chiến thuật gây áp lực tâm lý để ông viết thư xin rút lại đơn đã nộp trước đó. Sau này, ông Artur nộp đơn khiếu nại về sự ép buộc đó và sau ba tuần bị giam giữ, ông được thả ra nhưng vẫn bị quản chế trong hai năm. b

Các vụ vi phạm nhân quyền khác chưa được giải quyết

Ngoài việc ngược đãi những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm, Turkmenistan cũng hạn chế và trừng phạt người ta vì các hoạt động tôn giáo. Vào tháng 1 năm 2017, Ủy ban Chống tra tấn thuộc Liên Hiệp Quốc gửi một thông báo cho chính phủ Turkmenistan để “đảm bảo rằng chính phủ này phải nhanh chóng mở cuộc điều tra không thiên vị... về việc tra tấn một Nhân Chứng Giê-hô-va là ông Bahram Hemdemov ở trong tù vào tháng 5 năm 2015, cũng như việc bắt giam, đánh đập tàn nhẫn và giam ông Mansur Masharipov, cũng là một Nhân Chứng, tại một trại cai nghiện vào tháng 7 năm 2014”. Ông Mansur được thả ra sau một năm bị giam ở đó. Ông Bahram bị kết án là hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, còn ông Mansur bị bỏ tù dựa trên lời cáo buộc dối vì hoạt động tôn giáo của ông. Cả hai người này đều vô tội.

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Turkmenistan mong rằng chính phủ sẽ sớm thực hiện các bước để giải quyết những vụ việc này nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo và lương tâm. Làm thế cho thấy họ tôn trọng những người giữ lập trường vì cớ lương tâm và đang nỗ lực hết sức để lấy lại danh tiếng về nhân quyền của nước mình.

a Luật quốc tế công nhận rằng từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm là một quyền căn bản của con người, và đa số các nước đưa ra luật bảo vệ quyền này trong bộ luật quốc gia. Tuy nhiên, Turkmenistan, cùng với Azerbaijan, Eritrea, Singapore, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ bác bỏ quyền này mà còn tiếp tục bắt bớ những Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm.

b Việc quản chế là hình thức thay thế cho một bản án tước đi sự tự do của một người. Ông Artur thường bị cảnh sát theo dõi và không phải ngồi tù.