Đi đến nội dung

NGÀY 20-11-2020
UKRAINE

ECHR phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine

ECHR phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine

Tòa lên án Ukraine vì đã không trừng phạt những kẻ thực hiện các tội ác do thù ghét tôn giáo liên quan đến anh em chúng ta

Ngày 12-11-2020, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) đã đưa ra ba phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine. Ba vụ kiện đó là Zagubnya và Tabachkova kiện Ukraine, Migoryanu và những người khác kiện UkraineKornilova kiện Ukraine. Những vụ này được nộp lên toà vào năm 2014 và 2015. Trong mỗi vụ, các cơ quan thi hành luật đã không trừng phạt những kẻ hành hung Nhân Chứng Giê-hô-va. ECHR phán quyết rằng chính quyền Ukraine đã không thật sự bảo vệ quyền hợp pháp của anh em chúng ta và yêu cầu họ phải bồi thường cho nạn nhân số tiền 14.700 euro (tương đương 17.400 đô-la Mỹ).

Vụ Zagubnya và Tabachkova kiện Ukraine: Ngày 20-4-2009, chị Zagubnya và chị Tabachkova đang đi rao giảng từng nhà ở làng Novi Mlyny. Khi ông Mykola Lysenko, một linh mục của Chính Thống giáo Chúa Ba Ngôi địa phương, bắt gặp hai chị trên đường thì đã dùng gậy gỗ đánh dã man vào đầu và lưng các chị. Ông không hề bị phạt dù đã khai nhận rằng mình thật sự muốn “dọa nạt” và khiến các chị “ngừng rao giảng”.

Vụ Migoryanu và những người khác kiện Ukraine: Ngày 5-4-2012, trong khi 21 Nhân Chứng Giê-hô-va và một số khách mời đang nhóm lại để cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su thì bị một đám đông dẫn đầu bởi linh mục O. Greku của Giáo hội Chính Thống giáo Nga làm gián đoạn. Đám đông đã văng tục và đe dọa những người tham dự, gồm cả trẻ em và phụ nữ lớn tuổi.

Sau đó, vị linh mục và những người theo ông tiếp tục tấn công Nhân Chứng Giê-hô-va, họ đánh các anh, đốt xe của một anh và quăng bom xăng vào một ngôi nhà của Nhân Chứng khi họ đang ngủ. Sau hàng loạt vụ hành hung này, các anh chị là nạn nhân đã viết đơn tường trình cho cảnh sát và nộp bằng chứng cho họ. Trong một số trường hợp, những kẻ tấn công bị máy quay ghi lại. Nhưng cảnh sát không chịu ghi nhận hành vi phạm tội của họ là do thù ghét tôn giáo mà lại cho rằng không thể xác định rõ thủ phạm trong video. Cả vị linh mục và những người theo ông đều không phải nhận hình phạt nào.

Vụ Kornilova kiện Ukraine: Ngày 7-3-2013, tại thành phố Nosivka, chị Kornilova và chị Serdiuk đang mời những người xung quanh tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su. Một người đàn ông bắt đầu văng tục và nhục mạ đạo của các chị. Sau đó ông tấn công hai chị và đấm vào mặt chị Kornilova mạnh đến nỗi chị bị bất tỉnh. Chị phải nằm viện 11 ngày. Cảnh sát không chịu ghi nhận đây là một vụ tấn công do thù ghét tôn giáo mà công bố rằng chị của chúng ta bị hành hung do “thù oán cá nhân”. Tòa đã áp mức phạt tiền nhẹ cho kẻ tấn công chị.

Từ trái sang phải: Chị Tetyana Kornilova, chị Tetiana Zagubnya, chị Maria Tabachkova và anh Vasyl Migoryanu. Bốn trong số nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va bị tấn công do thù ghét tôn giáo ở Ukraine từ năm 2009 đến năm 2013

Các anh đại diện chi nhánh Ukraine đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các viên chức địa phương, quốc gia và quốc tế để thảo luận về sự ngược đãi này. Sau khi thử hết các biện pháp trên mà không có kết quả, các anh đã trình vụ việc lên ECHR vào năm 2014. Điều đáng chú ý là từ một năm trước, cơ quan này đã bắt đầu thu thập thông tin về tình hình ngược đãi tôn giáo ở Ukraine. Một báo cáo năm 2013 của thanh tra viên Ukraine cho biết: “Việc điều tra sơ sài về những tội ác có khả năng xuất phát từ sự thù ghét tôn giáo đã tạo điều kiện cho thủ phạm thoát khỏi sự trừng phạt”. Tương tự, trong báo cáo định kỳ năm 2013 về nước Ukraine, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết điều đáng lo ngại là các tội ác do thù ghét, gồm cả những vụ nhắm đến Nhân Chứng Giê-hô-va, đang bị xem nhẹ ở Ukraine. Ủy ban này kết luận rằng chính phủ Ukraine nên “đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những vụ bị cho là tội ác do thù ghét phải được điều tra kỹ càng, cũng như thủ phạm phải bị truy tố,... nếu có phạm tội thì phải bị trừng phạt thích đáng và nạn nhân phải được bồi thường đầy đủ”.

Trong những năm gần đây, chính phủ Ukraine đã bắt đầu hành động để cải thiện tình hình. Dù Nhân Chứng Giê-hô-va tại đây có quyền tự do tôn giáo nhưng chúng ta hy vọng rằng ba phán quyết này của ECHR sẽ thúc đẩy các cơ quan thi hành luật ở Ukraine và các quốc gia khác tiếp tục bênh vực quyền tự do tôn giáo của anh em chúng ta. Chúng ta trông mong đến thời điểm Đức Giê-hô-va, đấng mà “đường lối... thảy đều công bằng”, sẽ chấm dứt tất cả sự ngược đãi đối với những người thờ phượng ngài.—Phục truyền luật lệ 32:4.