Đi đến nội dung

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine giờ đây đã có thể nhóm họp tại các địa điểm thuê mà không bị cản trở

NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2017
UKRAINE

Tòa án Tối cao Ukraine củng cố quyền tự do hội họp trong hòa bình, trật tự

Tòa án Tối cao Ukraine củng cố quyền tự do hội họp trong hòa bình, trật tự

Vào ngày 8-9-2016, Tòa án Hiến pháp Ukraine đã bảo vệ quyền hội họp trong hòa bình, không bị cản trở từ các viên chức chính quyền. Tòa đã bác bỏ một phần Luật về Tự do Lương tâm và Tổ chức Tôn giáo (Luật Tôn giáo) của Ukraine năm 1991; Luật này đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải có giấy phép của nhà nước mới được tổ chức buổi họp tôn giáo tại các địa điểm thuê. Tòa án Hiến pháp kết luận rằng sự hạn chế này vi phạm quyền tự do hội họp trong hòa bình, trật tự được hiến pháp quốc gia bảo vệ. Các Nhân Chứng Giê-hô-va tại Ukraine vui mừng với phán quyết này vì trước đây họ đã gặp nhiều khó khăn khi thuê các địa điểm để tổ chức những buổi lễ tôn giáo.

Các viên chức chính quyền từ chối cấp phép tổ chức những buổi lễ tôn giáo

Từ khi Luật Tôn giáo được ban hành, các viên chức có thành kiến đã viện dẫn luật pháp theo ý riêng nhằm biện hộ cho việc hủy bỏ các hợp đồng thuê địa điểm để tổ chức những buổi lễ tôn giáo của Nhân Chứng. Một sự việc xảy ra vào mùa hè năm 2012 khi hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va ở đông bắc Ukraine đang háo hức mong đợi hội nghị tôn giáo kéo dài ba ngày tại thành phố Sumy. Hợp đồng thuê sân vận động thành phố đã được ký kết và các công việc chuẩn bị cho sự kiện đang diễn ra tốt đẹp. Theo quy định của hiến pháp, các Nhân Chứng đã thông báo cho chính quyền về kế hoạch tổ chức hội nghị này. Tuy nhiên, chỉ một tháng trước ngày khai mạc hội nghị, Hội đồng thành phố Sumy đã ra quyết định rằng một thông báo đơn giản như vậy là chưa đủ, dựa trên quan điểm của họ về Luật Tôn giáo. Theo Hội đồng thành phố, các Nhân Chứng cần xin giấy phép sử dụng sân vận động. Tuy nhiên, Hội đồng lại từ chối cấp giấy phép này.

Do chỉ được thông báo trước ít ngày, Nhân Chứng Giê-hô-va phải sắp xếp tổ chức hội nghị tại thành phố Kharkiv, cách Sumy khoảng 200km. Việc thay đổi địa điểm khiến hơn 3.500 Nhân Chứng phải nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch của mình. Nhiều người đã không thể đến Kharkiv để tham dự sự kiện quan trọng này vì lý do tuổi tác hoặc sức khỏe. Nhiều người khác không thể tham dự hội nghị vì họ không được nghỉ làm hoặc không đủ tài chính để di chuyển đến Kharkiv. Năm sau đó, Hội đồng thành phố Sumy tiếp tục viện dẫn Luật Tôn giáo để từ chối cấp phép cho Nhân Chứng tổ chức hội nghị ở sân vận động.

Illia Kobel, thuộc văn phòng quốc gia của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Lviv, cho biết: “Việc hủy bỏ các hội nghị ở Sumy không phải là sự kiện đơn lẻ. Trong một số trường hợp khác, chúng tôi đã gặp khó khăn khi thuê địa điểm cho những buổi lễ tôn giáo”. Chẳng hạn, vào tháng 3 năm 2012, các viên chức tại thành phố Vinnytsia đã từ chối cấp phép cho Nhân Chứng tổ chức buổi họp tôn giáo tại hội trường thuê, buộc họ phải thay đổi địa điểm vào phút chót. Vài tháng sau đó, chính quyền từ chối cấp phép cho hội thánh ở Mohyliv-Podilskyi tổ chức buổi họp tôn giáo hàng tuần tại địa điểm thuê, mặc dù trước đó họ đã tổ chức các buổi họp tại địa điểm này trong ba năm. Do không có địa điểm nào khác phù hợp để nhóm họp, các thành viên của hội thánh buộc phải nhóm họp tại nhà riêng trong điều kiện chật chội.

Gần đây, vào tháng 2 năm 2015, chính quyền tiểu bang khu vực Vinnytsia vẫn nhất quyết tuyên bố rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đã vi phạm pháp luật trong nhiều trường hợp. Chính quyền cho rằng Nhân Chứng đã vi phạm pháp luật vì không xin giấy phép để tổ chức buổi họp tôn giáo tại các địa điểm bên ngoài nhà thờ phượng của họ. Theo chính quyền, chỉ thông báo thôi thì chưa đủ.

Các Nhân Chứng cố gắng giải quyết mâu thuẫn của pháp luật

Trong những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va nói chung đã có thể tự do hội họp tại nhà thờ phượng của họ mà không bị chính quyền ngăn cản. Tuy nhiên, để tổ chức các buổi họp đặc biệt hoặc các hội nghị vùng, họ thường phải thuê những địa điểm có sức chứa lớn hơn. Hiến pháp Ukraine cho phép một tổ chức tôn giáo được hội họp trong hòa bình, trật tự tại địa điểm thuê miễn là chính quyền được thông báo trước. Ông Kobel cho biết: “Căn nguyên của các vấn đề mà chúng tôi gặp phải là do sự hạn chế của Luật Tôn giáo. Trái ngược với Luật Tôn giáo, hiến pháp không yêu cầu phải xin chính quyền cấp giấy phép. Để giải quyết mâu thuẫn này, chúng tôi đã đệ trình vấn đề lên Ủy viên Nghị viện Nhân quyền Ukraine, còn gọi là Ombudsman.

Vai trò của Ombudsman là đảm bảo cho mọi công dân Ukraine được hưởng các quyền theo hiến pháp và pháp luật quốc gia. Sau khi xem xét những khó khăn mà Nhân Chứng Giê-hô-va đối mặt, Ombudsman thừa nhận có sự mâu thuẫn giữa hiến pháp và Luật Tôn giáo. Hiến pháp đảm bảo quyền hội họp, chỉ cần thông báo trước cho nhà chức trách về một buổi họp tôn giáo công cộng sẽ được tổ chức tại địa điểm thuê. Tuy nhiên, Luật Tôn giáo lại cấm tổ chức các buổi họp tôn giáo công cộng tại địa điểm thuê trừ khi nhóm tôn giáo đã được chính quyền cấp giấy phép ít nhất mười ngày trước khi sự kiện diễn ra.

Ngày 26-10-2015, văn phòng Ombudsman đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp Ukraine để tuyên bố rằng phần đang gây tranh cãi thuộc Luật Tôn giáo là vi hiến. Đơn này lập luận rằng quyền hội họp trong hòa bình, trật tự là quyền tự do cơ bản phải được đảm bảo cho tất cả công dân. Bình luận thêm về quyền này, đơn cho biết: “Nhà nước phải tránh đưa ra các quy định tùy tiện có thể gây cản trở quyền tự do hội họp”. Để ủng hộ luận điểm của Ombudsman, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ukraine đã nộp hồ sơ lên Tòa án Hiến pháp, giải thích những khó khăn họ gặp phải trong việc thuê địa điểm cho các buổi họp tôn giáo.

Tòa án Hiến pháp hủy bỏ luật mâu thuẫn

Theo phán quyết ngày 8-9-2016, Tòa án Hiến pháp đã khẳng định rằng không luật nào có thể đi ngược lại quyền hiến pháp về hội họp trong hòa bình, trật tự nếu viên chức chính quyền đã được thông báo. Tòa cũng nhìn xa hơn luật pháp quốc gia khi công nhận Điều 9 Công ước Châu Âu về Nhân quyền, quy định về việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo và Điều 11, quy định về việc đảm bảo quyền tự do hội họp mà không bị nhà nước ngăn trở một cách vô căn cứ. Tòa cũng tuyên bố Phần 5 Điều 21 của Luật Tôn giáo năm 1991 là vi hiến do điều luật này yêu cầu nhóm tôn giáo phải có giấy phép từ các viên chức chính quyền trước khi tổ chức buổi họp tôn giáo công cộng tại địa điểm thuê.

Một quyết định được hoan nghênh

Việc tổ chức các buổi họp tôn giáo tại địa điểm thuê không còn phụ thuộc vào ý muốn của các viên chức chính quyền là những người có thể từ chối cấp giấy phép hội họp. Như được hiến pháp đảm bảo, yêu cầu này không thể bị từ chối miễn là các Nhân Chứng phải thông báo trước cho chính quyền về kế hoạch thuê địa điểm để tổ chức buổi họp tôn giáo.

Ông Kobel thay mặt hơn 140.000 Nhân Chứng Giê-hô-va tại Ukraine phát biểu: “Phán quyết gần đây của Tòa án Hiến pháp đã củng cố quyền hội họp trong hòa bình, trật tự. Chúng tôi rất biết ơn vì chính quyền sẽ không ngăn cản chúng tôi thuê địa điểm cho các buổi họp tôn giáo nữa”.