Đi đến nội dung

Trại giam cũ tại Gaeta, Ý, nơi các anh em của chúng ta bị giam giữ vì đức tin

NGÀY 9-7-2020
Ý

Nhân Chứng Giê-hô-va góp phần xác lập quyền miễn thi hành nghĩa vụ quân sự tại Ý vì niềm tin tôn giáo

Nhân Chứng Giê-hô-va góp phần xác lập quyền miễn thi hành nghĩa vụ quân sự tại Ý vì niềm tin tôn giáo

Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay Ý cho phép công dân miễn thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do tín ngưỡng tôn giáo, điều mà trước đây hiếm xảy ra. Việc Ý công nhận quyền cơ bản này của con người phần lớn là do sự hy sinh của các Nhân Chứng Giê-hô-va tại đây.

Trong nhiều thập kỷ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, pháp luật Ý quy định nhập ngũ bắt buộc đối với nam công dân nước này. Vào năm 1946, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Ý chỉ có 120 Nhân Chứng trong cả nước. Khi ngày càng có nhiều người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va thì số các thanh niên Nhân Chứng từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự cũng càng tăng. Niềm tin của các anh trẻ này dựa trên nguyên tắc của Kinh Thánh đòi hỏi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải trung lập, không bạo lực và yêu thương người đồng loại.

Một cuộc khảo sát gần đây do văn phòng chi nhánh Ý thực hiện cho thấy ít nhất 14.180 anh đã bị bắt giam vì từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự hiện vẫn còn sống. Các anh này bị kết án tổng cộng 9.732 năm tù giam, chủ yếu trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 1960 đến cuối thập niên 1990.

Ông Sergio Albesano, sử gia chống chủ nghĩa quân phiệt tại Turin, Ý, nói: “Lực lượng thanh niên Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt giam vì từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự là rất đông”. Ông nói thêm, nhờ niềm tin mạnh mẽ của họ, các thanh niên này “đã góp phần trong việc đưa vấn đề ra dư luận”.

Nguyên thủ tướng Ý, ông Giulio Andreotti, khi còn là bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ý vào thập niên 1960 đã quyết định đích thân gặp một số Nhân Chứng bị bắt giam để tìm hiểu lý do nằm sau quyết định từ chối nhập ngũ của họ. Sau này ông viết: “Tôi ấn tượng trước niềm tin tôn giáo vững chắc của họ cũng như việc họ từ chối tham gia chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà họ kịch liệt từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng chịu bị giam giữ trong nhiều năm”.

Luật pháp Ý công nhận quyền từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự lần đầu tiên vào năm 1972. Điều đáng tiếc là mặc dù pháp luật có xác lập nghĩa vụ dân sự thay thế nhưng nghĩa vụ dân sự vẫn do quân đội kiểm soát nên anh em của chúng ta không thể thi hành nghĩa vụ đó.

Cuối cùng, vào ngày 8-7-1998, chính phủ Ý thông qua một luật mới về nghĩa vụ dân sự thay thế không do quân đội kiểm soát, vì thế Nhân Chứng Giê-hô-va có thể thi hành nghĩa vụ của mình. Vào tháng 8 năm 2004, Ý thông qua một luật cho phép nam thanh niên không bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Luật này có hiệu lực từ tháng 1 năm 2005.

Trong số rất nhiều chuyên gia khen ngợi Nhân Chứng Giê-hô-va về các đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp Ý có ông Sergio Lariccia, luật sư kiêm giáo sư luật danh dự của Trường Đại học Rome, Sapienza. Ông nói: “Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo tôn giáo trong quân đội cho rằng việc từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự là ‘hành động xúc phạm tổ quốc, không liên quan gì đến điều răn của tín đồ Đấng Ki-tô về tình yêu thương và là biểu hiện của sự hèn nhát’, nhưng chính lập trường vững chắc của nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã góp phần thay đổi luật pháp và dư luận xã hội tại đất nước này”.

Lập trường của anh em chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật tại Ý. Một số giám thị trại giam cũng đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va sau khi chứng kiến hạnh kiểm của các tù nhân là Nhân Chứng. Ông Giuseppe Serra, một trong những giám thị trại giam nhớ lại: “Gương của các Nhân Chứng trẻ này đã khiến tôi... muốn tìm hiểu Kinh Thánh”. Anh đã trở thành Nhân Chứng vào năm 1972. (Xem khung bên dưới).

Chúng ta vui mừng khi thấy các gương can đảm của nhiều thế hệ anh em của chúng ta tại Ý và gia đình họ cũng như các anh em khác trong đoàn thể anh em trên thế giới nghiêm túc làm theo mệnh lệnh không “tập luyện chinh chiến nữa”.—Ê-sai 2:4.