NGÀY 23-5-2018
Ý
Đại học Padua chủ trì một hội thảo đáng chú ý về những tiến bộ trong việc điều trị không truyền máu
ROME—Vào thứ sáu, ngày 24-11-2017, các chuyên gia về y tế, đạo đức học và pháp lý đã có mặt tại Đại học Padua, một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Ý, để tham dự hội thảo “Bệnh nhân trưởng thành từ chối tiếp máu: Có những lựa chọn điều trị nào?—Tiết kiệm máu năm 2017”. Hội thảo này có sự tài trợ của hơn 25 tổ chức và hiệp hội khoa học của Ý cũng như Bộ Y tế Ý.
Theo quan điểm truyền thống, việc truyền máu được xem là vô hại và là lựa chọn điều trị cứu mạng duy nhất cho những bệnh nhân trải qua các thủ thuật y tế hoặc phẫu thuật phức tạp. Nhiều diễn giả tại hội thảo đã bác bỏ quan điểm này. Một chuyên gia khách mời là Tiến sĩ Luca Weltert, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực tại Đại học Châu Âu ở Rome, giải thích: “Ngày nay, chúng ta đã thấy rằng việc truyền máu có thể gây hại và trong nhiều trường hợp là không cần thiết”.
Tiến sĩ Weltert và các bác sĩ khác trong chương trình đã đưa ra kết luận trên dựa vào kinh nghiệm lâm sàng của họ cũng như bằng chứng từ những nghiên cứu khoa học cho thấy mối liên hệ giữa việc truyền máu và sự gia tăng về tỉ lệ mắc bệnh, tử vong, thời gian nằm viện và các rủi ro nghiêm trọng khác về sức khỏe ở các bệnh nhân được truyền máu. a
“Ngày nay, chúng ta đã thấy rằng việc truyền máu có thể gây hại và trong nhiều trường hợp là không cần thiết”.—Tiến sĩ Luca Weltert, bác sĩ phẫu thuật tim, Bệnh viện Châu Âu, Rome
Những bằng chứng khoa học ấy, cùng với chi phí cao của việc truyền máu, đã thúc đẩy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh sự cần thiết của phương pháp điều trị không truyền máu, còn gọi là phương pháp quản lý máu bệnh nhân (PBM). Đây là một cách tiếp cận đa ngành và đa phương thức tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân, cải thiện kết quả lâm sàng và giảm thiểu đáng kể việc truyền máu. WHO đã thông qua một nghị quyết kêu gọi 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc triển khai chương trình PBM.
Giáo sư Stefania Vaglio, trưởng khoa truyền máu tại Bệnh viện Đại học Sant’Andrea, Rome đã dành nhiều thời gian để thảo luận quan điểm mới về PBM. Bà cho biết trước kia việc điều trị y khoa phụ thuộc vào cách xử lý máu hiến tặng và truyền máu, nhưng giờ đây “trọng tâm đã hoàn toàn chuyển từ máu hiến tặng sang việc sử dụng máu của chính bệnh nhân”. Một mục tiêu của PBM là “giảm thiểu sự mất máu bằng cách xem bệnh nhân là trọng tâm của quá trình,... hết sức tập trung và làm mọi điều cần thiết để bảo tồn máu của bệnh nhân”. Giáo sư Vaglio cũng giải thích rằng các kỹ thuật bảo tồn máu của chính bệnh nhân “thật sự là cách điều trị chất lượng hơn”.
Tiến sĩ Tommaso Campagnaro, bác sĩ phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Đại học Verona, xác nhận lợi ích của việc dùng các phương pháp tránh truyền máu. Sau khi hoàn tất một cuộc phân tích dữ liệu từ cuối thập niên 1990 đến nay về các bệnh nhân trải qua những ca phẫu thuật vùng bụng phức tạp nhất, ông kết luận: “Các bệnh nhân không tiếp máu ít gặp biến chứng hơn và có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với những bệnh nhân tiếp máu”.
“Các bệnh nhân không tiếp máu ít gặp biến chứng hơn và có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với những bệnh nhân tiếp máu”.—Tiến sĩ Tommaso Campagnaro, bác sĩ phẫu thuật tổng quát, Bệnh viện Đại học Verona
Tiến sĩ Campagnaro, cùng một vài diễn giả khác tại hội thảo, đã công khai cảm ơn Nhân Chứng Giê-hô-va vì góp phần thúc đẩy các bác sĩ xây dựng những phương pháp thay thế cho việc truyền máu. Bà Anna Aprile, phó giáo sư ngành luật y tế thuộc Đại học Padua, phát biểu: “Chúng tôi biết ơn Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ đã nêu lên vấn đề về quyền từ chối tiếp máu, giúp mọi người suy nghĩ về vấn đề này và vượt qua thử thách của việc dùng ít máu hơn”.
“Chúng tôi biết ơn Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ đã nêu lên vấn đề về quyền từ chối tiếp máu... ”.—Bà Anna Aprile, phó giáo sư ngành luật y tế, Đại học Padua
Các diễn giả tại hội thảo đại diện cho nhiều chuyên khoa y tế, chẳng hạn như khoa gây mê, khoa tim, phụ khoa, huyết học, khoa ung thư và khoa chỉnh hình. Tuy nhiên, họ có cùng một thông điệp chủ đạo: các tổ chức y tế, nhà làm luật và công chúng nên có thái độ cởi mở với các phương pháp PBM trong bối cảnh ngày càng có nhiều dữ liệu cũng như kinh nghiệm của các chuyên gia được công bố trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Weltert nói thêm: “Phẫu thuật sửa chữa động mạch chủ trong liệu pháp phẫu thuật hiện đại là loại phẫu thuật phức tạp nhất mà chúng ta có thể thực hiện trên cơ thể người... Nếu loại phẫu thuật này còn có thể được thực hiện mà không cần truyền máu thì chúng ta cũng có thể làm thế với bất cứ loại phẫu thuật nào”.
a Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây ở Tây Úc đăng trên tạp chí Transfusion, một trong những tạp chí hàng đầu về y học truyền máu, đã được dẫn chứng trong hội thảo. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết kết quả của một sáng kiến kéo dài sáu năm với quy mô lớn nhằm triển khai một chương trình quản lý máu bệnh nhân toàn diện trong một hệ thống y tế rộng khắp. Họ đã nghiên cứu dữ liệu từ 605.046 bệnh nhân được điều trị tại bốn bệnh viện hàng đầu. Việc sử dụng các sản phẩm máu đã giảm 41% trong giai đoạn diễn ra cuộc nghiên cứu. Ngoài ra, trong cùng giai đoạn đó, tỉ lệ tử vong tại bệnh viện đã giảm 28%, thời gian nằm viện trung bình giảm 15%, số ca nhiễm trùng tại bệnh viện giảm 21%, số ca lên cơn đau tim và đột quỵ giảm 31%. Việc triển khai chương trình PBM đã giúp cải thiện kết quả của bệnh nhân, giảm việc sử dụng máu và tiết kiệm chi phí mua các sản phẩm máu.