Đi đến nội dung

Văn phòng công tố viên và tòa án Termini Imerese ở Sicily, Ý.

NGÀY 22-8-2018
Ý

Tòa án ở Sicily bảo vệ quyền tự quyết định về phương pháp điều trị của Nhân Chứng Giê-hô-va

Tòa án ở Sicily bảo vệ quyền tự quyết định về phương pháp điều trị của Nhân Chứng Giê-hô-va

Vào ngày 6-4-2018, Tòa án Termini Imerese tại thành phố Sicily, Ý đã phán quyết rằng một bác sĩ phẫu thuật phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã buộc một người phụ nữ là Nhân Chứng Giê-hô-va truyền máu. Bác sĩ này bị yêu cầu phải thanh toán trước 10.000 euro (11.605 đô-la Mỹ) tiền bồi thường cho chị và sau đó thanh toán một khoản khác là 5.000 euro (5.803 đô-la Mỹ) tiền bồi thường cho chồng chị, cũng là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Đây là phán quyết đầu tiên ở Ý buộc tội một bác sĩ vì đã xâm phạm quyền hợp pháp của một người về việc tự quyết định phương pháp điều trị dựa trên niềm tin của người ấy.

Vụ việc liên quan đến một chị sau khi phẫu thuật túi mật hồi tháng 12 năm 2010 thì bắt đầu bị biến chứng. Mặc dù chị đã kiên quyết từ chối tiếp nhận các thành phần từ máu nhưng chị đã bị khống chế và ép buộc truyền hồng cầu. Bác sĩ phẫu thuật của chị đã nói sai sự thật rằng ông được một thẩm phán cho phép làm thế.

Sau đó, vợ chồng chị đã nộp đơn kiện đến văn phòng công tố viên. Tòa án phán quyết rằng “trong trường hợp của một Nhân Chứng Giê-hô-va đã đủ tuổi theo pháp luật và có năng lực hành vi đầy đủ... thì bác sĩ không được áp dụng phương pháp truyền máu này” nếu bệnh nhân từ chối.

Tòa án cũng nói rằng Hiến pháp nước Ý cấm các bác sĩ tự ý áp dụng phương pháp điều trị ngay cả khi họ cho rằng điều đó là cần thiết. Dựa trên phán quyết của tòa án, “lời biện hộ của bác sĩ cho rằng phương pháp điều trị nào đó là cần thiết... không được chấp nhận nếu bệnh nhân đã rõ ràng đưa ra ý kiến là họ không muốn áp dụng”.

Trong báo cáo y khoa trình bày trước tòa, ông Daniele Rodriguez, giáo sư khoa Y học Pháp lý và Đạo đức sinh học của trường đại học Padua cũng là nhân chứng chuyên môn, cho biết rằng “quyền từ chối một phương pháp điều trị nào đó được bảo vệ bởi những điều luật của hiến pháp và được nêu rõ trong [điều] 32 của Hiến pháp [nước Ý] là ‘không ai bị buộc phải chấp nhận một phương pháp điều trị nào đó trừ khi luật pháp có quy định’”. Bình luận về phán quyết của tòa, ông Luca Benci, một chuyên gia người Ý về luật y khoa, cho biết trong tờ nhật báo về y khoa Quotidiano Sanità như sau: “Không có luật nào buộc một bệnh nhân phải truyền máu khi người đó không muốn. Quyền từ chối điều trị cần phải được ưu tiên hàng đầu”.

Ông Marcello Rifici, một luật sư biện hộ cho Nhân Chứng Giê-hô-va, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thấy phán quyết này phù hợp với những tiêu chuẩn mà châu Âu đã công nhận, chẳng hạn như những tiêu chuẩn mà Tòa án Nhân quyền Châu Âu đặt ra, nhằm bảo vệ quyền tự quyết định phương pháp điều trị của bệnh nhân. Điều đáng chú ý là vào năm 2017, Quốc Hội Ý đã ban hành luật 219/2017, còn được gọi là ‘Luật Tâm nguyện’, và luật này cũng nhấn mạnh các nguyên tắc như trong phán quyết này”.

Ông Lucio Marsella, cũng là một luật sư biện hộ cho Nhân Chứng Giê-hô-va, cho biết: “Phán quyết này đã hình thành một tiền lệ nhằm bảo vệ tất cả các bác sĩ can đảm và tận tâm chữa trị cho bệnh nhân bằng những phương pháp tốt nhất mà vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của bệnh nhân”.